Đà Nẵng:Quy hoạch đô thị nhìn từ tình trạng xây nhà trái phép

16/12/2014 00:00

(TN&MT) - Thời gian gần đây, tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng rộ lên chuyện người dân ồ ạt xây mới, cơi nới nhà cửa, công trình trái phép để “chạy” tiền đền bù

   
(TN&MT) - Thời gian gần đây, tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng rộ lên chuyện người dân ồ ạt xây mới, cơi nới nhà cửa, công trình trái phép để “chạy” tiền đền bù. Việc chấn chỉnh, tháo dỡ cơ bản đã xong nhưng thực trạng này đang đặt ra những vấn đề về quy hoạch đô thị cho những người quản lý.
   
Ồ ạt xây nhà “chạy” giải tỏa
   
  “Dự án Đường vành đai phía Nam” thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2) được chính thức công bố cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua. Với chiều dài toàn tuyến chừng hơn 10km, điểm đầu từ đoạn nối quốc lộ 1A với đường Trần Đại Nghĩa, đi qua các xã Hòa Phước, Hòa Châu và Hòa Tiến (huyện Hòa Vang)… Từ khi công bố quy hoạch, người dân trong vùng dự án đua nhau cơi nới, xây dựng nhà cửa, chuồng trại, công trình… để chờ giải tỏa, đền bù. Chỉ thời gian ngắn, tại 3 xã Hòa Phước, Hòa Châu và Hòa Tiến có gần 90 trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung chủ yếu tại thôn Quá Giang 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang sát quốc lộ 1A, với 64 trường hợp vi phạm. Tình trạng xây dựng mới, cơi nới nhà cửa công trình chờ giải tỏa đền bù gây bất bình dư luận, mất công bằng trong giải tỏa, đền bù.
   
   
Nhà trái phép chờ đền bù bị đập tại thôn Qúa Giáng II, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang
   
   Ông Võ Trần Minh Long, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết: Người dân xây nhà trái phép chủ yếu làm lén lút vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, với mục đích khi kiểm định có thêm tiền đền bù, hoặc được bố trí thêm đất tái định cư. Chính quyền xã cùng các thôn thường xuyên đi kiểm tra, nếu phát hiện là lập biên bản xử lý ngay. Có gia đình bị lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ đến 4 lần. Quá trình đi vận động, kiểm tra,  cán bộ được người dân cho biết là trước đây, ở nhiều dự án khác trên địa bàn thành phố, việc xây nhà “chạy” giải tỏa để nhận thêm tiền đền bù vẫn được giải quyết. Thậm chí có một số người từ nơi khác đến, khẳng định là thân quen với cán bộ làm công tác kiểm định, nếu dân chịu thỏa thuận “chia tiền đền bù”, họ sẽ bỏ kinh phí ra xây dựng. Thấy lợi nên bà con đua nhau làm mới, cơi nới nhà của để trục lợi.
   
  Đến nay, có 2 cán bộ là Phó trưởng thôn và Phó Ban Công tác mặt trận thôn đã bị bãi nhiệm, 10 đảng viên bị kỷ luật khiển trách; đồng thời gửi thông báo đến từng cơ quan, đơn vị đối với đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú vi phạm. Huyện ủy Hòa Vang cũng tổ chức rút kinh nghiệm đối với tập thể Đảng ủy và cá nhân Bí thư, Chủ tịch 3 xã: Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến và Đội quy tắc đô thị huyện. Đồng chí Lê Văn Toàn - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang khẳng định: Hệ thống chính trị từ huyện đến thôn đều nắm rõ tình trạng xây dựng trái phép, nhưng do thiếu quyết liệt mới để kéo dài. Huyện đã có văn bản kiến nghị lên UBND thành phố, đối với các dự án có di dời, giải tỏa, sau khi công bố cần quay phim chụp ảnh hiện trạng, kiểm định ngay để tránh tình trạng tương tự xảy ra.
   
Nỗi lo quy hoạch
   
  Chuyện người dân xây dựng nhà trái phép trong vùng quy hoạch để chờ đền bù ở TP. Đà Nẵng cũng đã từng xảy ra từ những năm trước. Hầu như dự án nào triển khai cũng có tình trạng này. Gần đây nhất xảy ra tại Dự án Khu Công nghệ cao, Công nghệ Thông tin, dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài… Theo nhiều người, nguyên nhân chính khiến tình trạng xây dựng trái phép ở TP Đà Nẵng gia tăng trong những năm gần đây là do ý thức của người dân. Họ biết việc làm của mình sai nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để mong được đền bù, cấp đất, chung cư khi chính quyền tiến hành giải tỏa, quy hoạch.
   
  Nhiều câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, giám sát đã thực thi hết trách nhiệm chưa? Liệu có sự buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, quản lý cấp phép xây dựng dẫn đến việc ồ ạt xây dựng không phép? Cán bộ địa phương có gần dân, sát dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, từ đó đưa ra những cảnh báo sớm để người dân không vì ham lợi trước mắt và nghe lời đồn thổi để xây dựng trái phép?… Bởi, có một điều lạ là trong khi người dân xây nhà rành rành như vậy nhưng lãnh đạo địa phương một mực khẳng định không có.
   
  Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án từ khi công bố quy hoạch đến khi triển khai kéo dài hàng chục năm, đẩy người dân vào tình trạng “đi không nỡ, ở không xong”, buộc phải cơi nới, xây dựng để phục vụ nhu cầu của gia đình. Ông Đinh Văn Thảo - Trưởng thôn Quá Giáng 2 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) kiến nghị: Khi đã công bố quy hoạch, chính quyền thành phố cần thông báo luôn lộ trình thực hiện, để người dân biết và chuẩn bị. Vì có những dự án công bố rồi treo đến 10, 15 năm, dân rất khổ vì không được sửa chữa, xây dựng dù nhu cầu là rất bức thiết. Chẳng hạn như gia đình nhà ông Nam ở trong thôn, 2 - 3 thế hệ sinh sống ở đây, hết đời cha đến đời con, con trai lập gia đình cưới vợ, sinh con không thể nhét 5 - 7 người vào căn nhà đã xây dựng mấy chục năm trước, nên buộc phải cơi nới chứ không phải có ý định xây nhà “chạy” đền bù cũng bị tháo dỡ. Với dự án Đường vành đai phía Nam, có thông tin là thành phố lại nắn tuyến, điều chỉnh quy hoạch, điều này sẽ gây lo lắng cho hầu hết người dân trong vùng dự án và vùng lân cận.
   
   
  Đà Nẵng đang tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang đô thị với hàng trăm dự án đang và sẽ triển khai, nếu không thống nhất về quy hoạch, có lộ trình cụ thể, quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch triển khai đồng bộ các giải pháp và xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm thì tình trạng xây nhà trái phép chờ giải tỏa, đền bù là điều khó ngăn chặn.
   
  Bài và ảnh: Lan Anh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng:Quy hoạch đô thị nhìn từ tình trạng xây nhà trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO