Hội thảo xúc tiến hợp tác nông nghiệp công nghệ cao giữa Đà Nẵng và Hà Lan |
Hà Lan là quốc gia có truyền thống nông nghiệp và đã đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan trong những năm qua đã phát triển sâu rộng và toàn diện, trong đó nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên và đã đem lại những kết quả cụ thể về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với xây dựng sản phẩm nông sản chủ lực.
TP. Đà Nẵng có nhiều điểm tương đồng với các địa phương Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp như: quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn chế và chịu tác động của BĐKH, đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn phục vụ đô thị và du lịch. Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nông nghiệp CNC là một trong những lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên nguồn lực để phát triển.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, hoàn thành quy hoạch chi tiết 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, hiện đang xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì định hướng phân khu nông nghiệp ứng dụng CNC là 2.986 ha, tập trung tại huyện Hòa Vang, lĩnh vực trọng tâm là rau, hoa, nấm và giống cây trồng.
Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Phong để kêu gọi đầu tư |
“Thông qua Hội thảo này, tôi hy vọng với kinh nghiệm của mình, các chuyên gia và doanh nghiệp Hà Lan sẽ giúp TP. Đà Nẵng trong việc lựa chọn công nghệ sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC thích ứng với BĐKH và điều kiện của thành phố. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi, thu hút doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào nông nghiệp CNC tại Đà Nẵng theo hình thức FDI hoặc hợp tác công tư PPP, hoặc hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Lan và doanh nghiệp Đà Nẵng về phát triển trồng trọt rau, hoa, nấm ứng dụng công nghệ tiên tiến”, ông Minh nói.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng ở quy mô nhỏ và ngày càng có xu hướng giảm dần do quá trình đô thị hóa. Đây cũng là thách thức và hạn chế trong phát triển nông nghiệp, đòi hỏi phải có những mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp ở từng khu vực khác nhau.
Được biết, Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Phong (huyện Hòa Vang) để kêu gọi đầu tư. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp triển khai, đầu tư dự án bao gồm: Công ty Cổ phần dược Danapha (dự án sản xuất cây dược liệu đinh lăng, nghệ... tại Hòa Phú, Hòa Ninh); Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Afarm (dự án rau công nghệ cao tại thôn Hội Phước, xã Hòa Phú diện tích 2,5 ha), Hợp tác xã rau hoa củ quả Hòa Vang với 3ha sản xuất rau công nghệ cao….
Trong thời gian qua, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp cũng đã được tập trung thực hiện như: chuyển giao các quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi tiên tiến; kỹ thuật xử lý sâu bệnh hại; tưới tiết kiệm, xử lý môi trường trong chăn nuôi… đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất của người dân.