Đà Nẵng: Dân bức xúc đất đai sau di dời mồ mả ở quận Thanh Khê

20/01/2016 00:00

(TN&MT) - Vừa qua, Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có nhận được đơn của gia đình ông Nguyễn Ngọc Lô, trú tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng khiếu nại về việc Sở Tài Nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng thiếu khách quan, lại thiếu tình khi tham mưu Thành phố không cho gia đình ông được chuyển quyền sử dụng đất đã được công nhận trong chứng thư kiến điền của gia tộc.

Với vị trí nằm sâu trong kiệt hẽm heo hút, liệu lô đất của gia đình ông Nguyễn Ngọc Lô có thuận lợi để xây dựng công trình công cộng?
Với vị trí nằm sâu trong kiệt hẽm heo hút, liệu lô đất của gia đình ông Nguyễn Ngọc Lô có thuận lợi để xây dựng công trình công cộng?

Từ thực hiện di dời mồ mả theo chủ trương Thành phố...

Trao đổi với phóng viên báo TN&MT, bà Nguyễn Thị Hồng, phòng TN&MT quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) cho biết: Năm 2012, thực hiện nếp sống văn minh, chỉnh trang đô thị, UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương di dời mồ mả trong khu dân cư ra khỏi trung tâm thành phố. Đây là một chủ trương đúng, nên đã được hàng trăm gia đình có mồ mả của tổ tiên, ông bà nằm ở trong khu dân cư ở quận Thanh Khê nghiêm túc thực hiện và hoàn thành ngay đầu năm 2013.

Trước di dời, trên địa bàn có 105 khu đất trước đây đã được các gia đình, tộc họ sử dụng để chôn cất theo tập quán và đặc điểm của địa phương. Các khu đất này đều nằm trong khu dân cư, phần lớn là các khu mộ nhỏ của các gia đình, tộc họ chôn trên đất vườn do ông bà để lại, có chứng thư kiến điền được cấp bởi Ty Điền - Địa TP. Đà Nẵng trước năm 1975. Và thực tế, các gia đình, tộc họ đã xây tường rào, bảo quản để lo hương khói hàng năm cho ông bà, tổ tiên, khác hẳn với các khu nghĩa địa công cộng khác.

Vì vậy, sau khi di dời, phần lớn các thân chủ đều có đơn xin dược chuyển quyền sử dụng đất và nộp tiền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật để được giao đất làm nơi thờ cúng tộc họ, nơi ở cho con cháu, hoặc chuyển nhượng một phần để lo kinh phí di dời (do kinh phí hỗ trợ quá thấp). Tuy nhiên, dù là đất người dân sử dụng từ lâu đời, nhưng do là đất mồ mả nên xét về mặt pháp lý, đất nghĩa trang, nghĩa địa lại do chính quyền địa phương quản lý. Do đó, Sở Xây dựng đã tham mưu cho thành phố đưa phần lớn các khu đất nói trên vào quy hoạch cho các mục đích công cộng, không lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân, ý kiến tham gia của UBND cấp quận dẫn đến việc có 14 gia đình, tộc họ thường xuyên khiếu kiện kéo dài.

… đến khó khăn của gia tộc

Đối với trường hợp gia đình ông Nguyễn Ngọc Lô, thuộc tộc họ Nguyễn Ngọc, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: Khu đất của tộc họ Nguyễn Ngọc do ông Nguyễn Ngọc Huề đứng tên, là đất màu với tổng diện tích là 2.280m2 (có chứng thư kiến điền cấp năm 1963 cho thửa đất số 121, tờ bản đồ số 4). Trong quá trình sử dụng, tộc họ đã hiến phần lớn đất để phục vụ các mục đích công cộng như: mở rộng công viên, trường học…(nhưng không có giấy chứng nhận) nên diện tích đã giảm xuống chỉ còn 364,8m2. Trên diện tích này có chôn 52 ngôi mộ của cả tộc họ nên sau khi có chủ trương di dời, do kinh phí hỗ trợ quá thấp (chỉ hơn 1 triệu đồng/mộ), con cháu lại khó khăn, trong khi số lượng mộ quá lớn nên tộc họ đã nhờ cháu bên họ ngoại hỗ trợ di dời với tổng kinh phí là 790 triệu đồng (có xác nhận của địa phương). Sau di dời, tộc họ sẽ xin chuyển quyền sử dụng đất, nộp tiền theo quy định của thành phố và chuyển nhượng một phần để chi trả.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng đã tham mưu cho thành phố ra quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 27/4/2015, quy hoạch khu đất này thành nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp với khu vui chơi cho trẻ em, khiến cho tộc họ Nguyễn Ngọc và đại diện là gia đình ông Nguyễn Ngọc Lô không đồng ý, khiếu kiện kéo dài, qua nhiều cấp.

Trao đổi với phóng viên, đại diện gia đình ông Nguyễn Ngọc Lô bức xúc cho biết: Đất đai đã được tộc họ Nguyễn Ngọc sử dụng từ trước năm 1975, có giấy tờ chứng thực, nhưng do có chôn cất ông bà tổ tiên trên đó nên sau năm 1975, khi kê khai, tộc họ không biết kê khai vào mục gì. Nay thực hiện di dời theo chủ trương của thành phố, tộc họ đã phải vay mượn gần 800 triệu để di dời về quê án táng, những mong được nộp tiền theo quy định của thành phố để chuyển quyền sử dụng nhưng không được. Nay vừa không có đất, lại vừa mang nợ “khủng”, cả tộc họ cực nhục. Đáng nói nhất là Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đã sai lệch số liệu ghi trong chứng thư kiến đền để báo cáo UBND thành phố. Cụ thể, tại công văn số 1040/BC- STNMT ngày 05/11/2015 của Sở TN&MT có ghi “Theo chứng thư kiến điền đứng tên ông Nguyễn Ngọc Huề, loại đất: đất màu, hình thể và diện tích đất 228m2 tại lược đồ của chứng thư kiến điền không đúng với hình thể và diện tích khu đất mồ mả sau khi di dời (diện tích 364,8m2)”, từ đó cho rằng việc xin chuyển mục đích sử dụng của khu đất mồ mã của gia tộc là không đủ cơ sở pháp lý, trong khi diện tích thực tế trong chứng thư là 2.280m2. Rõ ràng việc cố tình làm giảm diện tích đất ghi trong chứng thư kiến điền đi 10 lần sẽ khiến UBND thành phố có nhận định không đúng về chứng thư kiến điền của tộc họ.

Cần điều chỉnh quy hoạch hợp lý

Ông Bùi Văn Anh, cán bộ địa chính phường Thạc Gián cho biết: ông đã tham gia hàng chục cuộc họp của chính quyền địa phương (UBND phường, quận) với người dân để giải quyết vấn đề di dời mồ mả và quy hoạch đất đai sau di dời nhưng chưa có cuộc họp nào có sự tham dự của đại diện Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân. Và thực tế, vị trí đất của tộc họ Nguyễn Ngọc nói trên nằm sâu hàng trăm mét trong kiệt cụt, chỉ rộng 0,8 - 1,2m, lại đã từng chôn cất 52 ngôi mộ nên theo tâm linh và ý kiến phản hồi của đa số người dân (trong các cuộc họp do địa phương tổ chức) là không phù hợp để làm nhà sinh hoạt cộng đồng và khu vui chơi cho trẻ em.

Dựa trên tình hình thực tế và tâm tư, nguyện vọng của người dân, gần đây nhất, ngày 02/12/2015, UBND quận Thanh Khê đã có văn bản 262 gửi UBND TP, nêu rõ: “phần lớn các thửa đất mồ mả nằm xen lẫn trong KDC, có vị trí nằm trong kiệt hẽm, trong đó một số thửa đường đi lại rất khó khăn, kiệt nhỏ hẹp nhiều khúc cua, ngõ cụt nằm phía sau nhà của KDC nên không thuận lợi, khó quản lý và đầu tư kém hiệu quả trong việc sử dụng vào mục đích công cộng… đề nghị UBND TP  có chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo hướng giao toàn bộ khu đất, hoặc giao một phần đối với một số lô mồ mả nằm trong kiệt hẽm không thuận lợi cho việc sử dụng vào mục đích công cộng cho các gia đình, tộc họ có nhu cầu sử dụng và thu tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể…”, trong đó có trường hợp gia đình ông Nguyễn Ngọc Lô.

Lô đất bỏ hoang lâu ngày, cây cối mọc um tùm và rác rưởi gây mất vệ sinh môi trường trong khu vực.
Lô đất bỏ hoang lâu ngày, cây cối mọc um tùm và rác rưởi gây mất vệ sinh môi trường trong khu vực.

Phóng viên Báo TN&MT cũng đã liên hệ với Sở Xây dựng để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, nhưng qua gần một tháng, các lãnh đạo của Sở Xây dựng đều “bận họp” hoặc “đồng chí phụ trách đi học”.

Mong rằng TP. Đà Nẵng sớm giải quyết vụ việc, đem lại niềm tin cho người dân và tránh khiếu kiện kéo dài.

Bài và ảnh:Đức Huy – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Dân bức xúc đất đai sau di dời mồ mả ở quận Thanh Khê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO