Biến đổi khí hậu

Đà Nẵng: Chống ngập vẫn chưa hiệu quả

Lan Anh 04/10/2023 - 11:18

Sau trận ngập lịch sử xảy ra vào tháng 10/2022 gây thiệt hại lớn, Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt các giải pháp để giải quyết tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, qua vài trận mưa đầu mùa với lưu lượng lớn trong thời gian ngắn vẫn khiến một số tuyến đường nội đô của TP Đà Nẵng ngập cục bộ.

Hàng loạt giải pháp

Theo ông Đặng Minh Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 10 điểm ngập úng trọng điểm và một số điểm ngập cục bộ, trong đó, một số khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng khi mưa lớn.

Ngay từ đầu năm, để hạn chế thấp nhất tình trạng mưa gây ngập, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã tập trung rà soát toàn bộ hệ thống thoát nước hiện trạng và triển khai việc nạo vét với khoảng 3.200 m3 bùn ở hệ thống mương, cống thoát nước.

ngap4.jpg
Sau trận mưa đầu mùa ngày 25/9, tại nhiều khu vực ở Đà Nẵng tiếp tục ngập cục bộ.

Đồng thời, Đà Nẵng cũng triển khai hàng loạt dự án, công trình thoát nước như: Tuyến cống liên phường Xuân Hà (đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến kênh Phú Lộc), dự kiến hoàn thành trong Quý I/2024; Tuyến cống liên phường Tam Thuận (đoàn từ hồ Vĩnh Trung đến Vịnh Đà Nẵng), dự kiến hoàn thành trong Quý I/2024; Tuyến kênh từ Khu công nghiệp Hòa Khánh ra sông Cu Đê; Các tuyến cống chuyển nước mưa từ phía biển về hướng sông Hàn, dự kiến hoàn thành trong năm 2023….

Ông Đặng Minh Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, cho hay: "Đối với các dự án đang triển khai của các ban quản lý dự án, chúng tôi yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Chúng tôi đề xuất nạo vét các hồ điều tiết để tăng cường khả năng lưu trữ nước. Công ty cấp nước, các công ty truyền thông di dời hạ tầng ngầm ra khỏi hệ thống thoát nước để tăng cường khả năng thoát nước; đầu tư khớp nối hạ tầng thoát nước, nhất là khu vực trung tâm thành phố".

ngap7.jpg
Sân trường Tiểu học Trần Nhân Tông đường Bình Thái 1, Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng bị ngập sau trận mưa sáng ngày 25/9

Mới đây, các quận, huyện của TP. Đà Nẵng cũng đã đồng loạt ra quân nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước, tổng dọn vệ sinh môi trường. Đồng thời, tuyên truyền người dân vệ sinh, không để rác thải sinh hoạt, vật dụng che lấp các cửa thu nước mưa.

Hàng loạt giải pháp giải quyết ngập lụt được triển khai thế nhưng những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9, tại TP. Đà Nẵng dù mưa chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, những tuyến đường thuộc điểm nóng ngập lụt tại Đà Nẵng đã lênh láng nước. Những điểm nóng thường xuyên bị ngập nặng như nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Hàm Nghi, Lê Duẩn, Quang Trung, Đống Đa, KCN Hòa Khánh, Ngã Ba Huế -Tôn Đức Thắng…. nước ngập nhanh, có đoạn nước ngập 20-30 cm, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều trở ngại, một số xe chết máy, người dân phải dắt xe trên vỉa hè. Tại một số điểm trường học ở quận Cẩm Lệ, nước cũng tràn vào lớp học khiến thầy trò không kịp trở tay.

Cần nhiều giải pháp quyết liệt hơn

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh tiếp tục ký Công văn yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống ngập úng đô thị trong mùa mưa năm 2023. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nhận thấy các đơn vị vẫn chưa hoàn thành công tác khơi thông, nạo vét cửa thu, cống thoát nước theo phạm vi phân cấp quản lý; còn nhiều cửa thu, mương thu đầy bùn đất, hoặc bị xây bít, che đậy, trám lấp... Các đơn vị hầu như mới chỉ tập trung ưu tiên nạo vét, khơi thông tại những khu vực ngập úng.

don4.jpg
Đà Nẵng mới chỉ tập trung nạo vét một số khu vực thường xuyên ngập úng

Do đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện; Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng và các chủ đầu tư (đối với các dự án, công trình chưa bàn giao hạng mục thoát nước) triển khai quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả công tác ra quân khơi thông cửa thu, mương thu nước và nạo vét cống rãnh trong thời gian đến, tránh hình thức dẫn đến không có kết quả cụ thể. UBND các quận, huyện cần kết hợp giữa nhà thầu duy tu, nạo vét cống thoát nước của đơn vị và các lực lượng hiện có tại địa phương, bảo đảm hoàn thành việc khơi thông 100% cửa thu, mương thu nước trên toàn thành phố trước ngày 15/10/2023.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị xem đây là nhiệm vụ chính trị phải được quan tâm triển khai thường xuyên, liên tục; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của hệ thống thoát nước (từ hố ga đến cống thoát nước), không để tái diễn tình trạng trám lấp cửa thu sau khi được khơi thông, nạo vét.

Trước thực trạng các cửa thu nước bị bít kín, tắc nghẽn gây cản trở dòng nước, Sở TN&MT TP.Đà Nẵng cũng đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là tại các miệng hố ga, đan cống và cửa thu nước; chỉ đạo các lực lượng chức năng và UBND các phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi xả rác nói chung và xả rác tại các miệng hố ga, đan cống và cửa thu nước nói riêng cũng như các hành vi quét rác, lá cây xuống miệng hố ga, đan cống và cửa thu nước...

ngaplut.jpg
Nhiều cửa thu, mương thu đầy bùn đất, hoặc bị xây bít, che đậy, trám lấp

UBND các quận, huyện tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và người dân nâng cao ý thức không xả rác thải, lá cây xuống miệng hố ga, đan cống, cửa thu nước; không sử dụng bạt, vải, gỗ,... che phủ miệng hố ga, đan cống, cửa thu nước...

Theo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, do tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây ngày càng nhiều, mực nước sông trên địa bàn TP.Đà Nẵng luôn ở mức cao mỗi khi mưa lớn hoặc xảy ra lũ từ thượng nguồn. Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo BQL các dự án đầu tư CSHT ưu tiên và các đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu lưu ý trong quá trình lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa bê-tông hóa nếu không thật sự cần thiết. Đặc biệt, cần lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa để tính toán cao hơn yêu cầu tối thiểu trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt của các dự án thoát nước được đầu tư xây dựng mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Chống ngập vẫn chưa hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO