Theo công ty này, mẫu nước được kiểm nghiệm tại Phòng thí nghiệm của Xí nghiệp Sản xuất nước sạch. Kết quả, các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành. Theo đó, ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, khác với mọi năm, năm nay tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ (nguồn cấp nước chủ yếu cho Đà Nẵng) xuất hiện sớm. Cụ thể, việc nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ đã diễn ra từ đầu tháng 2 và kéo dài đến nay.
Cũng theo ông Hương, năm 2018, phải đến tháng 5 và 6 thì tình trạng nhiễm mặn mới xảy ra. Chưa có năm nào tình trạng nhiễm mặn lại xảy ra trong tháng Giêng như năm nay, nên tình hình nước sinh hoạt sẽ rất căng thẳng.
“Để đảm bảo nguồn nước cho thành phố, trước Tết, Dawaco đã khảo sát địa hình, địa chất để làm tuyến ống dẫn nước thô từ trạm An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Khoảng cuối tháng 2 có hồ sơ, chúng tôi sẽ cho thi công và dự kiến trong tháng 5 sẽ hoàn thành”- ông Hương nói.
Theo Phòng Tài nguyên Nước (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng), ngay từ những ngày đầu năm 2019, xâm nhập mặn đã diễn ra gay gắt trên sông Cầu Đỏ. Độ mặn cao nhất ghi nhận được trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến chiều 16/2 có lúc tăng vọt đến 1.641 mg/l. Vào các thời điểm độ mặn từ 1.000 mg/l thì việc khai thác nước mặt trên sông Cầu Đỏ không thể thực hiện, phải bơm nước hoàn toàn từ đập dâng An Trạch và chuyển tải về xử lý tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Nếu nhu cầu sử dụng của Đà Nẵng vượt công suất thiết kế của Trạm bơm phòng mặn An Trạch, thì nguồn nước cấp cho thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, UBND TP. Đà Nẵng đã liên tục có những buổi làm việc và khảo sát thực tế để chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ lên 60.000m3/ngày đêm, đảm bảo đưa vào vận hành vào cuối tháng 3/2019.
Theo ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Dawaco phải triển khai ngay các biện pháp để kéo giảm độ mặn nước sinh hoạt xuống dưới 100mg/l (độ mặn đạt chuẩn). Muốn vậy, tại cửa thu nước Cầu Đỏ, độ mặn phải đạt dưới 900mg/l và trạm bơm An Trạch duy trì đảm bảo lượng nước bơm 210.000m3/ngày đêm, chuẩn bị các máy bơm dự phòng để sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Dawaco cần xây dựng thêm một đường ống để tăng công suất trạm bơm An Trạch, góp phần cung cấp nước làm giảm độ mặn của toàn hệ thống. Về lâu dài, cần thực hiện nhiều công việc liên quan đến việc cung cấp nước cho TP thông qua các thủy điện Đăk Mi và Sông Bung phía thượng nguồn và làm đập ngăn tại sông Quảng Huế.
Cũng theo ông Đặng Việt Dũng, UBND TP. Đà Nẵng sẽ làm việc với Công ty Thủy điện Đăk Mi và Sông Bung để chia sẻ nguồn nước về sông Vu Gia, đưa về sông Yên theo lịch trình, kế hoạch và nhu cầu của TP. Đà Nẵng. Tại sông Quảng Huế, sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Nam nghiên cứu để xây dựng đập ngăn mặn, nhưng có hệ thống van để đáp ứng nhu cầu cấp nước sản xuất cho tỉnh Quảng Nam… Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nhà máy nước Hòa Trung công suất 10.000 m3/ngày đêm.