Đà Lạt hướng đến một đô thị hiện đại, bản sắc

28/07/2015 00:00

                                                                                       

(TN&MT) - Năm 1893, bác sĩ người Pháp -  Yersin trong chuyến thám hiểm Tây Nguyên đã tìm ra Đà lạt. Từ đó đến nay, hơn một trăm năm qua, với nét riêng có của mình, Đà Lạt luôn là một trong những địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn nhất.

Ngay khi tìm ra Đà Lạt, trong khung cảnh cao nguyên mênh mông, trong lành, mát mẻ,  BS Yersin đã chắc chắn rằng đây là nơi tốt nhất cho sức khoẻ con người. Và đề án trình Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer của những người thám hiểm đã báo hiệu sự ra đời của thành phố trên cao nguyên này. Từ đó đến nay, đã có nhiều đồ án quy hoạch Đà Lạt được thiết lập, phê duyệt và thực thi. Song một Đà Lạt -  phố trong rừng, rừng trong phố, với phong cách kiến trúc Pháp - Đông Dương cuối thế kỷ 19 vẫn là nét riêng có của Đà Lạt.

Thực tế cho thấy, Đà Lạt không theo quy luật hình thành đô thị chung ở Việt Nam - đó là qua quá trình quần cư mà nên chợ, nên phố, mà đây là đô thị hiếm hoi ngay từ đầu đã có “kịch bản”. Người ta hình thành ý tưởng, quy hoạch rồi đặt nhà cửa, phố, chợ và các công trình vào bản thiết kế ấy. Chỉ sau 13 năm sau khi được phát hiện, năm 1906, Đà Lạt đã có quy hoạch của Champoudry để triển khai xây dựng đô thị.

Đến năm 1923, kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp là Emest Hebrard đã cụ thể hoá ý tưởng xây dựng thành phố nghỉ dưỡng này bằng một quy hoạch tâm huyết. Mười năm sau, theo yêu cầu phát triển, đồ án quy hoạch chỉnh trang TP Đà Lạt của KTS L.GPineau được ra đời nhằm tiếp cận sát hơn với thực tế xây dựng. Kế đến, năm 1943, Đà Lạt một lần nữa được mở mang và thật sự khẳng định phong cách của mình thông qua đồ án quy hoạch đô thị của KTS J.Lagisquet.

Các nhà nghiên cứu đô thị Việt Nam gọi quỹ quy hoạch hoàn hảo và tuyệt vời đó là sự may mắn để Đà Lạt có cơ hội phát triển bài bản, nền nã, trật tự, kỷ cương. Nhờ thế mà quỹ đô thị của Đà Lạt trước đây để lại luôn chuẩn, đẹp, bất ngờ, sinh động và sang trọng. Những năm 1970-1980, Đà Lạt tiếp tục có những đồ án quy hoạch.

Tuy vậy, năm 1994, đồ án quy hoạch tổng thể xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010 mới được Chính phủ phê duyệt, kết thúc gần 20 năm (sau giải phóng) Đà Lạt phát triển đô thị và quản lý xây dựng thiếu định hướng.

Tiếp đó, năm 2002, Thủ tướng phê duyệt đồ án quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 (QĐ số 409TTg). Gần đây nhất, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 704/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà  Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định này, đến năm 2030, thành phố Đà Lạt sẽ có tổng diện tích tự nhiên gần 336.000ha, dân số khoảng 750.000 người.

Theo quy hoạch, Đà Lạt sẽ phát triển theo mô hình chuỗi đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm, kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp, bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa - lịch sử; đóng vai trò là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế-văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ mang tầm quốc tế.

Là một thành phố du lịch nổi tiếng, Đà Lạt luôn thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn, thông qua các hội thảo, nhiều ý tưởng mới cho quy hoạch Đà Lạt - một Đà Lạt hiện đại với những thế mạnh để trở thành thành phố sinh học, công nghệ thông tin, thành phố kiến trúc, thành phố đại học, thành phố hội nghị hội thảo, và trước hết là một thành phố du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều ý tưởng về quy hoạch phát triển Đà Lạt, song đều có điểm chung là xây dựng Đà Lạt theo hướng hiện đại, có bản sắc, tất cả đều hướng tới việc bảo tồn và phát huy những đặc trưng riêng có của Đà Lạt.

Một TP hiện đại, tiện nghi, song bản sắc riêng về rừng thông, chuỗi hồ, thác ngay trong thành phố, từ hồ Xuân Hương đến hồ Chiến Thắng, Mê Linh, Đa Thiện, thác Cam Ly, Datanla, Prenn…là không thể mất. Cùng đó, kiến trúc Đà Lạt với hàng ngàn dinh thự, những công trình công cộng với dáng vẻ đặc thù như nhà ga Đà Lạt, Trường Cao đẳng sư phạm, chợ Đà Lạt, nhà thờ Chánh tòa, khách sạn Palacce, khu biệt thự đường Trần Hưng Đạo, khu resort Anna Mandara…, những công trình kiến trúc gắn bó mật thiết với thiên nhiên là những nét riêng có cần được bảo tồn.

Bài & ảnh: Bích Hiền

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Lạt hướng đến một đô thị hiện đại, bản sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO