Xã hội

Tập huấn kỹ năng đưa tin, bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội cho đông đảo phóng viên

Hoài Thu 17/05/2024 - 21:46

(TN&MT) - Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Khoá tập huấn “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương”.

Khoá tập huấn với sự tham gia giảng dạy của PGS.TS Đinh Thị Thuý Hằng – Cố vấn cao cấp, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; Nhà báo – ThS. Đặng Thị Huệ - nguyên Phó Giám đốc Hệ Phát thanh dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam; PGS.TS Lê Lan Chi – Chủ nhiệm Khoa Tư pháp hình sự Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; cùng sự có mặt của gần 40 nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trên toàn quốc.

anh-chup-man-hinh-2024-05-17-luc-18.15.19.png
Nhà báo Lê Quốc Trung – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Khoá tập huấn, Nhà báo Lê Quốc Trung – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho biết, hiện nay, nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội đang đối mặt với những định kiến dư luận, phân biệt đối xử trong xã hội. Với chức năng thông tin, định hướng dư luận, các cơ quan báo chí có trách nhiệm cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác về mọi lĩnh vực của xã hội, trong đó có thông tin về những quyền lợi của nhóm dễ bị tổn thương và các thiệt thòi tiềm ẩn mà họ phải đối mặt.

Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực của nhiều nhà báo và cơ quan báo chí trong việc cung cấp kịp thời cho công chúng thông tin về các nhóm dễ bị tổn thương, nhằm bảo vệ, chống lại mọi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với họ.

Do đó, rất cần sự tham gia chung tay của các nhà báo, phóng viên và các cơ quan báo chí cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan truyền tải đến công chúng, giúp nâng cao nhận thức của công chúng về quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương; góp phần chống phân biệt đối xử và làm giảm thành kiến của xã hội đối với họ, qua đó, thúc đẩy một xã hội Việt Nam hòa nhập và bình đẳng hơn.

anh-chup-man-hinh-2024-05-17-luc-18.14.47.png
Bà Phạm Thị Kiều Loan – UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Khoá tập huấn

Bà Phạm Thị Kiều Loan – Đại diện Dự án Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, báo chí và các phương tiện truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm, xóa bỏ định kiến xã hội về các nhóm người trong xã hội.

Điều này góp phần quan trọng tạo nên những tiến triển tích cực trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn. Trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quyền của người khuyết tật (CRPD). Hai hiệp ước này khẳng định nguyên tắc then chốt: “ Tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và phẩm giá” – không khoan nhượng đối với sự phân biệt đối xử trên bất kỳ cơ sở nào, bao gồm cả giới tính, khuyết tật hoặc địa vị xã hội.

anh-chup-man-hinh-2024-05-17-luc-18.14.16.png
PGS.TS Đinh Thị Thuý Hằng - Cố vấn cao cấp, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trình bày bài giảng

PGS.TS Đinh Thị Thuý Hằng - Cố vấn cao cấp, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, nhấn mạnh, đây là vấn đề mở, cần có những cách tiếp cận mới để nhận biết một những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương bao gồm: Nhóm Phụ nữ, Người khuyết tật và LGBT (người đồng giới).

Bà cho biết, việc phân biệt đối xử với nhóm người này là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các cơ hội và sự tham gia bình đẳng của họ trong xã hội. Bắt nguồn từ các chuẩn mực xã hội và hành vi theo vai trò giới (sự phân chia quyền lực bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới); sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ; phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các nguồn lực và sự phá vỡ các trật tự xã hội và vị trí kinh tế xã hội của phụ nữ và nam giới.

Do đó, bà đưa ra một số kỹ năng giúp báo chí và các phương tiện truyền thông thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề phân biệt đối xử và quyền lợi chính đáng của nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, như việc cung cấp thông tin cần thiết về các dịch vụ và cơ hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những thay đổi về luật và chính sách của Nhà nước.

anh-chup-man-hinh-2024-05-17-luc-18.13.01.png
PGS.TS Lê Lan Chi – Chủ nhiệm Khoa Tư pháp hình sự Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày bài giảng

PGS.TS Lê Lan Chi – Chủ nhiệm Khoa Tư pháp hình sự Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày “Pháp luật quốc tế và Việt Nam về chống phân biệt đối xử với nhóm người bị tổn thương trong xã hội”. Trong đó, quyền không bị phân biệt đối xử được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật, thể hiện trong Hiến pháp 2013: Bình đẳng giới và quyền lợi của phụ nữ; đảm bảo quyền của phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, chính trị, kinh tế, trên cơ sở bình đẳng với nam giới; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người khuyết tật…

Trong đó, người LGBT được công nhận và bảo vệ bởi Luật Dân sự năm 2015 cho phép chuyển đổi giới tính, xác định lại giới tính và có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, thay đổi tên, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi, đã được xác định lại theo Điều 23 và nhiều Bộ Luật khác như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Nuôi con nuôi 2010, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022,… chứng minh rằng, người đồng giới có quyền không bị phân biệt đối xử do xu hướng tình dục và giới tính.

anh-chup-man-hinh-2024-05-17-luc-18.16.01.png
Toàn cảnh khoá tập huấn

Khoá tập huấn đã diễn ra sôi nổi với những trao đổi trực tiếp đến từ các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí cùng các chuyên gia, về các vấn đề, hạn chế, vướng mắc trong việc đưa thông tin đối với nhóm người dễ tổn thương trong xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo vệ họ qua các hình thức thảo luận, làm việc nhóm,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập huấn kỹ năng đưa tin, bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội cho đông đảo phóng viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO