Đa dạng hóa huy động nguồn lực chủ động phòng ngừa thiên tai

Tuyết Chinh (thực hiện)| 01/04/2020 12:02

(TN&MT) - Từ đầu năm đến nay trên phạm vi cả nước liên tiếp xảy ra nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm. Như vậy, biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ, cảnh báo mà đã hiện hữu. Nếu không thay đổi cách ứng phó, hệ lụy tiêu cực từ thiên tai sẽ ngày càng lớn.

Liên quan vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai.

TS. Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai.

PV: Các loại hình thiên tai đã gây ra những hệ lụy tiêu cực như thế nào từ đầu năm đến nay, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Quang Hoài: Từ đầu năm 2020 đến nay, nước ta đã xuất hiện 11 trận động đất; 4 trận dông lốc, mưa đá diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (24-25/1; 2-4/3; 17-18/3; 21-25/3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt chiều ngày 3/3/2020, mưa tới 60mm/giờ tại Hà Nội, gây ngập nặng nhiều tuyến đường, đây là lượng mưa lớn nhất vào tháng 3 tại Hà Nội trong khoảng 50 năm qua, kể từ năm 1971 đến nay.

Tính đến cuối tháng 3/2020, thiên tai đã làm 3 người chết, 17 người bị thương; trên 1.000 nhà sập, 27.000 nhà bị hư hại, tốc mái. Ngoài ra, trên 34.350 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.

Trong năm 2020, thời tiết khí hậu dự báo ảnh hưởng rất lớn đến nước ta, tình hình mưa bão, lũ lụt xảy ra rất khó lường ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, những quy luật thời tiết và thiên tai đã bị phá vỡ.

Trước diễn biến bất thường về thời tiết, cũng như các hiện tượng dông, lốc, sét mưa đá xảy ra trái quy luật tại khu vực miền núi phía Bắc, Ban Chỉ đạo đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh/thành phố thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực thông tin cảnh báo; đảm bảo thông tin thông suốt từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt đến người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai bất thường có thể xảy ra.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hệ thống phòng, chống thiên tai hiện nay của Việt Nam, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập…?

TS. Trần Quang Hoài: Được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, nhân dân tích cực đóng góp sức lực, đến nay, chúng ta đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồ sộ ở khắp các vùng miền của Tổ quốc. Tuy nhiên, trước tác động mạnh mẽ của thiên tai, biến đổi khí hậu, hệ thống cơ sở hạ tầng này còn mong manh trước những trận siêu bão, mưa, lũ lớn…

Mưa đá gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh phía Bắc từ đầu năm đến nay

Trong đó, hệ thống đê điều của nước ta có quy mô lớn với tổng số 9.300km đê với 6.400km đê sông và 2.900km đê biển (trên 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, còn lại là đê dưới cấp III) nhằm bảo vệ diện tích lớn, dân số tập trung đông và nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước trước lũ, bão.

Hiện nay, hàng năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các Bộ ngành cũng đã quan tâm đầu tư, song do nguồn kinh phí còn hạn chế nên vẫn tồn tại nhiều trong điểm xung yếu, đê thiếu cao trình, mặt đê nhỏ, nguy cơ vỡ cao khi có lũ lớn, do vậy không thể chủ quan, lơ là trong công tác đảm bảo an toàn đê điều, phòng, chống lũ.

Theo thống kê hiện nay trên cả nước có 137 công trình hồ đập thủy điện và 6.755 công trình đập, hồ chứa thủy lợi. Được sự quan tâm của Đảng, Quốc Hội và Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2003 đến nay, thực hiện Chương trình an toàn hồ chứa, cả nước đã đầu tư sửa chữa được gần 800 đập (chiếm 11,8%). Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý an toàn đập đã được xây dựng hoàn thiện, đồng bộ tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả thực hiện.

Tuy nhiên, do số lượng công trình hồ đập là rất lớn nên hiện vẫn còn nhiều công trình hồ đập đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Do vậy, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây vỡ đập khi có lũ đe dọa đến tín mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân khu vực hạ du các hồ chứa.

Trong giai đoạn hiện nay, việc đầu tư hệ thống cảnh báo cho người dân sinh sống ở khu vực hạ du các hồ chứa trong các trường hợp xả lũ là rất cấp thiết, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã tập trung chỉ đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai, tập đoàn điện lực Việt Nam, các Chủ hồ và Ban chỉ huy các huyện hạ du rà soát xây dựng những điều kiện cần thiết, tiến tới phấn đấu đến năm 2025 vận hành, cảnh báo cho người dân theo thời gian thực.

Riêng trong năm 2020, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực xử lý dứt điểm các trọng điểm đê điều xung yếu, các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chuyên dùng cho cơ quan tham mưu phòng chống thiên tai; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai ngày càng bất thường của hệ thống cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai hiện nay của Việt Nam.

PV: Theo ông, sự chủ động ứng phó, phòng tránh của cộng đồng có phải là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra?

TS. Trần Quang Hoài: Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó vai trò của cộng đồng, người dân là rất quan trọng; là nhân tố quyết định trong việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng, chống thiên tai.

Với vai trò như vậy, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của người dân, đặc biệt là vùng thường xuyên xảy ra thiên tai để hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng là một trong những nguyên tắc quan trọng trong phòng, chống thiên tai hiện nay.

PV: Trước những tác động của biến đổi khí hậu, sự bất thường của thời tiết, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai giải pháp gì để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra theo hướng chủ động, bền vững, thưa ông?

TS. Trần Quang Hoài: Các Bộ, ngành, địa phương cần xác định Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên liên tục, vừa trước mắt, vừa lâu dài nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần giảm nhẹ thiệt hại, phát triển bền vững đất nước. Với tinh thần đó, thực hiện phân công, phân cấp và xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Phát huy vai trò quan trọng tại cơ sở theo phương châm “bốn tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn.

Đồng thời, thực hiện tốt quan điểm lấy phòng ngừa là chính, phương châm chủ động “thích ứng” với các loại hình thiên tai, biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; ứng dụng khoa học công nghệ theo dõi, giám sát, phân tích thiên tai gắn với nâng cao năng lực Văn phòng thường trực phòng chống thiên tai các cấp để tham mưu chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền. Bố trí nguồn chi ngân sách thích đáng, kết hợp xã hội hoá các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai như bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hóa huy động nguồn lực chủ động phòng ngừa thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO