Theo UBND huyện Cát Hải, việc kiểm soát nguồn gây ô nhiễm từ bờ ra biển đã được thực hiện đồng bộ. Lượng rác thải phát sinh đều được thu gom, vận chuyển và xử lý; tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn huyện đạt 98%, không có hiện tượng người dân mang rác vứt bỏ xuống biển hoặc kênh mương, ao hồ, sông suối.
Đối với rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy soản, đến hết tháng 9/2019, 439 cơ sở nuôi trồng thủy sản (100%) bắt buộc đều phải có các thùng chứa rác. Toàn bộ lượng rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản được Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tiến hành thu gom hàng ngày.
Bên cạnh đó, công tác rà soát quy hoạch, lựa chọn địa điểm, thủ tục đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung đã được triển khai. Cụ thể, UBND huyện Cát Hải đã đề xuất dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn Áng Chà Chà, xã Trân Châu với tổng diện tích khoảng 12,7ha. Hiện nay, UBND huyện Cát Hải đang triển khai thực hiện giai đoạn I của dự án (4,0ha) đã được UBND TP Hải Phòng phê duyệt với tổng mức đầu tư 116,4 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Hiện nay, lượng khách du lịch đến với Cát Bà ngày càng tăng kéo theo số lượng các khách sạn, nhà hàng được đầu tư xây dựng mới nhiều hơn. Do đó, nhu cầu cần phải xây dựng và nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên đảo Cát Bà vô cùng cấp bách.
“Từ quý IV năm 2018, UBND huyện Cát Hải đã đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước khu trung tâm du lịch thị trấn Cát Bà với tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 đã hạn chế được tình trạng nước thải quá tải”, báo cáo nêu rõ.
Cũng theo báo cáo này, hoạt động của các phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, tác động đến hệ sinh thái biển nếu không được quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn thải từ phương tiện nhất là nước thải. Do vậy, UBND huyện yêu cầu các chủ phương tiện thủy chở khách du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà thực hiện việc đăng ký hoạt động du lịch và đăng ký xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.
Đồng thời, các phương tiện đăng ký hoạt động chở khách thăm quan, lưu trú ngủ đêm bắt buộc phải thực hiện việc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác với Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, phải lắp đặt các két chứa nước thải, két chứa dầu bẩn, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý; khuyến khích các phương tiện đóng mới lắp đặt thiết bị xử lý nước thải, nghiêm cấm việc xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Cùng với các giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long tổ chức các đợt ra quân làm sạch môi trường khu vực giáp ranh giữa vịnh Lan Hạ và vịnh Hạ Long. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động các hộ dân, chủ phương tiện hoạt động sản xuất, kinh doanh khu làng chài Vạ Giá (Hạ Long) và dọc tuyến từ Gia Luận đến Vạn Tà (Vịnh Lan Hạ) nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, không xả rác xuống vịnh để trôi nổi ảnh hưởng đến môi trường…
Thời gian tới, UBND huyện Cát Hải định hướng tiếp tục trao đổi thông tin với BQL vịnh Hạ Long trong việc kiểm soát nguồn thải, cảnh báo ô nhiễm môi trường cũng như các hoạt động khai thác tài nguyên biển tại khu vực giáp ranh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác tài nguyên biển; hoạt động kinh doanh, chuyển tải hàng rời, xăng dầu; tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, làm sạch môi trường tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương…
Nhằm hưởng ứng chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường quần đảo Cát Bà, UBND huyện Cát Hải phấn đấu đến hết năm 2020, giảm ít nhất 50% lượng rác thải nhựa trên địa bàn huyện; 100% các đơn vị tổ chức nhà nước thực hành hạn chế/giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần; ít nhất 70% cơ sở kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn huyện cam kết và duy trì thường xuyên hoạt động hạn chế/giảm rác thải nhựa dùng một lần và sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường.
Được biết, UBND huyện Cát Hải đã trình UBND TP Hải Phòng chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại đảo Cát Bà với tổng mức đầu tư dự kiến 450 tỷ đồng, thời gian dự kiến trong 4 năm (2019- 2022); trong đó, đầu tư một trạm xử lý nước thải tại khu vực Bến Bèo để phục vụ cho việc xử lý nước thải từ các phương tiện tàu thuyền, bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh.