Trong những năm qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam luôn chú trọng và đa dạng hoá, đa phương hóa công tác hợp tác quốc tế với nhiều tổ chức khoa học, chính phủ, các công ty trên thế giới như: Anh, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Cộng hoà Séc, các nước trong ASEAN, Trung Quốc,...
Đặc biệt là sự hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Chương trình phát triển của Liên hợp quốc UNDP, ESCAP về dự thảo Luật Khoáng sản, nghiên cứu nước ngầm châu thổ Sông Hồng và Mê Kông; Chương trình khoa học địa chất vùng Đông và Đông Nam Á (CCOP); Hội đồng Vành đai Thái Bình Dương về năng lượng và tài nguyên khoáng sản (CPCEMR); Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế (IGCP), Uỷ ban Bản đồ Địa chất thế giới (CGMW), Tổ chức Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)...
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã tích cực tham gia kế hoạch hành động hợp tác ASEAN về khoáng sản (AMCAP) III, giai đoạn 2016-2020 như: hoạt động hợp tác ASEAN về khoáng sản, tham dự khóa đào tạo kinh nghiệm thai thác đá quý gắn với tăng cường năng lực trong lĩnh vực khoáng sản; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản (AMMin) lần thứ 7; Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản (ASOMM) lần thứ 19; Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN và ba nước tham vấn (ASOMM+3) lần thứ 12, tổ chức vào tháng 12/2019 tại Thái Lan.
Đa dạng hóa, đa phương hóa trong hợp tác quốc tế về địa chất và khoáng sản. Ảnh minh họa |
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, tọa đàm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Địa chất Việt Nam vào sáng 2/10 tại Hà Nội, PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Sự kiện ghi dấu ấn quan trọng trong hoạt động hợp tác quốc tế là Đại hội địa chất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng Đông Nam Á lần thứ 15 (GEOSEA XV) do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì tổ chức tại Hà Nội.
Tham dự Đại hội này có 500 đại biểu chính thức trong nước và quốc tế. Trong đó có 112 đại biểu quốc tế là các nhà địa chất và các nhà quản lý tài nguyên trái đất đến từ các nước: Nga, Anh, Đức, Úc, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Trung quốc, Ấn độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, CHDCND Lào, Mông Cổ, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Malaysia, Indonesia. Đại hội nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, thăm dò và khai thác tài nguyên trong cộng đồng các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế liên quan.
Tổng cục cũng đã hợp tác với các nhà địa chất Liên bang Nga trong việc nghiên cứu, điều tra về nguồn gốc và triển vọng quặng urani; điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỉ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội; hợp tác với Cục Địa chất Vương quốc Anh trong đào tạo về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản và không gian ngầm phục vụ cho việc lập dự án "Địa chất đô thị Hà Nội"; hợp tác với các chuyên gia Mỹ và Canada trong việc nghiên cứu các thông số cơ bản phục vụ công nghệ khí hóa than nâu vùng đồng bằng sông Hồng…
PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt, tọa đàm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Địa chất Việt Nam |
“Những kết quả đạt được thông qua hợp tác quốc tế đã nâng cao vị thế ngành Địa chất Việt Nam trên trường quốc tế và đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhiều chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, tăng cường năng lực công nghệ và thiết bị được trang bị”, Tổng cục trưởng Đỗ Cảnh Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đối với các nước láng giềng anh em, các đơn vị địa chất đã thành lập bản đồ địa chất Việt Nam – Lào - Campuchia tỷ lệ 1:1.000.000, lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 trên 70% lãnh thổ Lào. Kết quả điều tra đã giúp phát hiện nhiều vùng quặng có quy mô lớn, như muối mỏ ở các bồn trũng Viên Chăn và Savannakhet, thạch cao ở Trung Lào, bauxit ở Nam Lào, sắt ở Xiêng Khoảng, than nâu và đồng ở Bắc Lào và đã phát hiện hàng trăm điểm biểu hiện khoáng sản giúp cho Chính phủ có cơ sở khoa học để kêu gọi đầu tư của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước trong lĩnh vực thăm dò và khai thác khoáng sản.
“Kết quả đó đã được Chính phủ Lào đánh giá cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội của nước bạn Lào, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Nhà nước, hai dân tộc”, ông Đỗ Cảnh Dương khẳng định.