Cưỡng chế cơ sở gây ô nhiễm ở xã Đông Xuân: Ra quyết định... cho vui?

30/03/2017 00:00

(TN&MT) - Dù UBND huyện Sóc Sơn đã ra quyết định cưỡng chế di dời các xưởng tái chế phế liệu tại thôn Thượng, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội) do vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa vi phạm trật tự xây dựng, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, khi quyết định trên đã hết hiệu lực, các xưởng tái chế vẫn ngang nhiên tồn tại.

Các xưởng tái chế sắt thép phế liệu vẫn ngang nhiên tồn tại trên địa bàn xã Đông Xuân (ảnh chụp vào ngày 29/3/2017)
Các xưởng tái chế sắt thép phế liệu vẫn ngang nhiên tồn tại trên địa bàn xã Đông Xuân (ảnh chụp vào ngày 29/3/2017)

Chính quyền tiền hậu bất nhất?

Từ nhiều năm qua, thôn Thượng, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội luôn làm điểm "nóng" về ô nhiễm môi trường và trật tự xây dựng do có sự xuất hiện của nhiều xưởng tái chế sắt thép phế liệu. Theo tìm hiểu của PV, những cơ sở này được hình thành vào khoảng những năm 2002, sử dụng công nghệ thủ công, lạc hậu nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các khu vực xung quanh.

Hàng ngày các cơ sở này xả thải ra môi trường nhiều chất thải rắn nguy hại như: xỉ than, xỉ sắt ... đồng thời còn xả thải trực tiếp nguồn nước chưa qua xử lý vào các kênh mương nội đồng khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân (đặc biệt là người già và trẻ nhỏ) còn rất khổ sở vì mùi khí thải nồng nặc, khó chịu phát ra từ những xưởng tái chế này.

Đáng nói hơn, các chủ cơ sở tái chế sắt thép phế liệu còn ngang nhiên xây dựng nhà xưởng kiên cố trên đất nông nghiệp (cụ thể ở đây là đất chia theo Nghị định 64 của Chính phủ). Trong nhiều năm qua, dù nhân dân địa phương đã biết bao lần gửi đơn phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng vấn đề đều không được giải quyết dứt điểm.

Trước thực trạng như vậy, ngày 23/6/2016, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản chỉ đạo số 905/UBND-TNMT yêu cầu UBND xã Đông Xuân thông báo đến các chủ xưởng tái chế sắt thép phế liệu dừng hoạt động, đồng thời cho thời hạn để các chủ cơ sở tìm vị trí di dời nhà xưởng, chậm nhất ngày 31/10/2016 phải hoàn thành. UBND huyện Sóc Sơn cũng có văn bản từ chối gia hạn thời gian di dời theo đơn đề nghị của các chủ xưởng tái chế phế liệu nêu trên.

Đến ngày 11/10/2016, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục có văn bản phê bình Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chấp hành chỉ đạo của UBND huyện về xử lý vi phạm của các xưởng tái chế sắt thép phế liệu trên địa bàn. Sau thời hạn 31/10/2016, nếu Chủ tịch UBND xã chưa chỉ đạo xử lý vi phạm tích cực và hiệu quả, UBND huyện sẽ thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu địa phương này.

Ngày 21/12/2016, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản số 2060/UBND-TNMT về việc cưỡng chế di dời các xưởng tái chế phế liệu tại thôn Thượng, xã Đông Xuân. Theo đó, trong thời gian 30 ngày kể từ khi văn bản trên có hiệu lực, các cơ quan hữu quan phải tuân thủ và chấp hành chỉ đạo của UBND huyện.

Văn bản chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu các chủ xưởng tự tháo dỡ xong trong tháng 2/2017
Văn bản chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu các chủ xưởng tự tháo dỡ xong trong tháng 2/2017

Ấy nhưng không hiểu vì lý do gì, ngày 11/01/2017, UBND huyện Sóc Sơn lại ra văn bản số 37/UBND-TNMT, đồng ý với đề xuất của UBND xã Đông Xuân để cho các chủ xưởng tự giác tháo dỡ toàn bộ nhà xưởng và thời hạn là trong tháng 2/2017 phải hoàn tất.

UBND huyện cũng chỉ đạo UBND xã Đông Xuân phải chủ động xây dựng kế hoạch cưỡng chế, chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức cưỡng chế xong trong tháng 2/2017 đối với những chủ xưởng cố tình không tự giác chấp hành việc tháo dỡ. UBND huyện cũng giao cho Đội thanh tra xây dựng huyện kiểm ra, hoàn thiện hồ sơ và phối hợp với UBND xã Đông Xuân trong quá trình thực hiện, báo cáo kết quả xử lý về UBND huyện. Phòng Tài nguyên & Môi trường được giao nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp và tham mưu UBND huyện chỉ đạo.

Nhân văn kiểu... không giống ai

Điều đáng nói là cho tới ngày 29/3/2017, dù quyết định cưỡng chế đã hết hiệu lực nhưng ghi nhận của PV báo TN&MT thấy rằng, các xưởng tái chế sắt thép phế liệu trên địa bàn xã Đông Xuân vẫn ngang nhiên hoạt động. Mặc dù có một vài xưởng đã bắt đầu tháo dỡ phần mái tôn nhưng đó hoàn toàn chỉ mang tính chất chống đối, làm cho có lệ. Mọi hoạt động của nhà xưởng, công nhân, các phương tiện vận tải vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có văn bản cưỡng chế nào cả.

Các xưởng tái chế sắt thép phế liệu vẫn ngang nhiên tồn tại trên địa bàn xã Đông Xuân (ảnh chụp vào ngày 29/3/2017)
Các xưởng tái chế sắt thép phế liệu vẫn ngang nhiên tồn tại trên địa bàn xã Đông Xuân (ảnh chụp vào ngày 29/3/2017)

Nhằm làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sóc Sơn. Ông Toàn thừa nhận: “Những vấn đề liên quan tới các xưởng tái chế sắt thép phế liệu trên địa bàn xã Đông Xuân đã tồn tại nhiều năm qua. Mặc dù nhân dân đã nhiều lần có ý kiến, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý những cơ sở vi phạm nhưng họ không chấp hành. Đối với việc cưỡng chế di dời các cơ sở đó, huyện từ lâu đã có chủ trương nhưng làm gì cũng phải xét tới nhiều yếu tố. Bên cạnh việc thực hiện chức năng quan lý nhà nước dựa trên pháp luật, chúng tôi cũng phải xét tới yếu tố nhân văn. Như vừa rồi, UBND huyện đã ra quyết định cưỡng chế di dời các xưởng tái chế trên nhưng do họ có đơn xin tự giác tháo dỡ nên huyện đã có văn bản đồng ý”.

Trả lời câu hỏi tại sao đã hết tháng 3/2017 nhưng các xưởng tái chế sắt thép phế liệu vẫn ngang nhiên hoạt động trên địa bàn xã Đông Xuân, ông Toàn cho hay: “Trong vấn đề này, Phòng Tài nguyên & Môi trường có thực hiện đôn đốc nhưng chưa thực sự quyết liệt. Hơn nữa, vấn đề nằm ở UBND xã xây dựng, triển khai kế hoạch cưỡng chế chậm, Đội thanh tra xây dựng cũng chưa kịp thời, sát sao. Quan điểm của huyện là giải quyết dứt điểm thực trạng trên trước ngày 10/4. Tuy nhiên do quyết định cưỡng chế đã hết hiệu lực nên chúng tôi đang thiết lập hồ sơ để UBND huyện ra quyết định cưỡng chế mới”.

Cho tới thời điểm hiện tại, quyết định cưỡng chế mới vẫn chưa được ban hành trong khi ngày 10/4 đang cận kề. Vậy thì lời hứa “sẽ giải quyết dứt điểm trước 10/4” của UBND huyện Sóc Sơn có thực sự đáng tin? Dư luận chắc chắn đang chờ câu trả lời.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.

Phạm Thiệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cưỡng chế cơ sở gây ô nhiễm ở xã Đông Xuân: Ra quyết định... cho vui?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO