Đáp ứng yêu cầu chương trình tín chỉ các bon
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội nghị COP 26 dự kiến diễn ra cuối năm 2020 bị hoãn lại, kéo theo việc thông qua các quy định này cũng bị dời lại đến sang năm. Mặc dù vậy, đến nay, việc thí điểm các chương trình tín chỉ các bon và hợp tác thị trường các bon quốc tế vẫn đang diễn ra. Một số chương trình tín chỉ quốc tế đa phương phổ biến hiện nay là Cơ chế phát triển sạch (CDM), Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn các bon được thẩm định (VCS), Dự trữ hành động khí hậu (CAR). Về song phương có cơ chế tín chỉ chung JCM, các cơ chế tương lai theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Các quốc gia đã phát triển chương trình tín chỉ các bon trong nước như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Thụy Sĩ và gần đây là Thái Lan. Ngay giữa các địa phương trong một quốc gia cũng có thể phát hành tín chỉ và trao đổi để thực hiện quy định về giảm phát thải các bon.
Mới đây, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã công bố 6 chương trình tín chỉ đủ điều kiện cung cấp tín chỉ cho các hãng hàng không tham gia Cơ chế bù trừ phát thải các bon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA), trong đó, có Chương trình đăng ký các bon của Mỹ, Chương trình giảm phát thải được chứng nhận của Trung Quốc, các chương trình do UNFCCC giám sát. Theo đó, từ năm 2021, các hãng hãng không thành viên ICAO sẽ phải mua tín chỉ các bon để bù đắp phần chênh lệch, nếu lượng phát thải khí CO2 từ các chuyến bay quốc tế cao hơn mức phát thải trung bình của hai năm 2019 và 2020.
Trong bối cảnh sắp tới thời điểm các quốc gia phải thực thi cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris từ sau năm 2020, Việt Nam tất yếu phải đẩy nhanh xây dựng thị trường các bon trong nước và tham gia thị trường quốc tế.
Ảnh minh họa |
Chuẩn bị cho thị trường các bon tại Việt Nam
Theo ông Francisco Kochm, Trưởng nhóm tư vấn chính sách khí hậu và định giá các bon, South Pole, việc xây dựng chương trình tín chỉ quốc gia sẽ giúp Việt Nam huy động tài chính trong nước và quốc tế cho các dự án phát triển các bon thấp và bền vững. Trước hết, đáp ứng nhu cầu trong nước với giá thành rẻ hơn so với mua tín chỉ quốc tế. Trong tương lai, các doanh nghiệp phát thải trong nước cũng có thể giảm chi phí tuân thủ hệ thống giao dịch phát thải hoặc thuế các bon, đồng thời, thu hút đầu tư vào các dự án giảm nhẹ thông qua các cơ chế thuộc Điều 6 của Thỏa thuận Paris.
Trong khuôn khổ Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam”, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã nghiên cứu, đề xuất chính sách và hướng dẫn về hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tạo tín chỉ và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho các hoạt động này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một hệ thống chính sách và cơ sở dữ liệu tốt cần dựa trên nền tảng hệ thống kiểm kê khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) một cách rõ ràng, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, nghiên cứu đặt ra mục tiêu xây dựng nền tảng cho các cách tiếp cận về định giá các bon dựa vào thị trường ở cấp quốc gia, trong đó, tập trung vào việc thu thập dữ liệu, các nội dung liên quan đến MRV và quy trình ban hành tín chỉ, hướng tới xác định và áp dụng các công cụ thị trường ở Việt Nam.
Đơn vị tư vấn đã chỉ ra, các dự án bán tín chỉ các bon của Việt Nam có thể tham gia 3 thị trường: Trong nước, song phương và đa phương. Theo đó thị trường trong nước sẽ tăng khả năng sẵn sàng của Việt Nam để hỗ trợ, giới thiệu công cụ định giá các bon trong tương lai bằng cách đưa ra mức giá bán tín chỉ ưu đãi, làm đòn bẩy phát triển thị trường song phương và đa phương. Muốn làm được điều này, trước mắt, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng hệ thống đăng ký giao dịch để ghi nhận việc tạo tín chỉ, nhu cầu giao dịch và đống góp cho các mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam.
Từ nay đến năm 2025 là khoảng thời gian để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải và hệ thống MRV các cấp. Bên cạnh đó, xác định được các yêu cầu về kỹ thuật, nhân lực và tài chính từ nhà nước và doanh nghiệp khi vận hành thị trường kinh doanh tín chỉ các bon trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Điều 6 tạo điều kiện cho việc thực hiện các cơ chế dựa trên thị trường sau Nghị định thư Kyoto, cho phép các quốc gia hợp tác để xây dựng hoạt động giảm nhẹ với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân. Tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) 25 diễn ra hồi cuối năm ngoái, đây là một trong những trọng tâm thảo luận của các bên. Ba cơ chế chính gồm: Hợp tác thông qua chuyển giao quốc tế các kết quả giảm nhẹ phát thải; cơ chế thị trường mới hoặc cơ chế phát triển bền vững do Công ước khung (UNFCCC) giám sát; cơ chế phi thị trường.