Cuộc chiến hai ngành hàng chợ Hạ Long 1: Bao giờ mới chấm dứt?

12/11/2014 00:00

(TN&MT) - "Nước sông không phạm tới nước giếng" bao năm nay, vậy lí do gì khiến hai ngành hàng tạp phẩm và quần áo may sẵn chợ Hạ Long I phải lao vào cuộc chiến...

(TN&MT) - Được xây mới năm 2003, chợ Hạ Long I nằm ở trung tâm TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một chợ đầu mối hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh cũng như là nơi tham quan, mua sắm thú vị của du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến tỉnh này. Vậy nhưng hơn 1 năm nay, bầu không khí tại chợ Hạ Long I rất “nóng” vì “cuộc chiến” giữa hai ngành hàng: Quần áo may sẵn và Tạp phẩm. Nguyên nhân vì đâu?.
   
   
Bao năm nay hai ngành hàng vẫn kinh doanh như vậy.
   
Bỗng dưng bị cấm kinh doanh
   
  Theo phản ánh của nhiều tiểu thương đang kinh doanh ngành hàng tạp phẩm tại chợ Hạ Long I thì từ khi họ vào chợ (năm 2003) cho tới nay vẫn kinh doanh các mặt hàng quần áo sơ sinh, quần đùi, áo may ô nam nữ… kèm với các mặt hàng khác mà không xảy ra tranh chấp với ngành hàng nào, cũng không thấy BQL chợ hoặc các cơ quan chức năng khác có ý kiến gì.
   
  Bỗng nhiên cách đây hơn một năm, ngành hàng quần áo may sẵn có đơn gửi lên BQL chợ, UBND thành phố Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cấm không cho ngành hàng tạp phẩm được phép bán các mặt hàng có liên quan tới ngành hàng quần áo. Cực chẳng đã ngành hàng tạp phẩm cũng phải làm đơn đề nghị UBND thành phố Hạ Long cho phép giữ nguyên hiện trạng, không nên gây khó dễ cho bà con tiểu thương bởi đây là những vấn đề do lịch sử để lại chứ không phải mới xảy ra.
   
  Chị Đỗ Kim Phượng, đại diện cho ngành hàng tạp phẩm cho biết: Chợ Hạ Long I có 143 hộ kinh doanh quần áo may sẵn và 103 hộ kinh doanh tạp phẩm. Ngành hàng quần áo may sẵn chủ yếu bán quần áo dài, có một số hộ kinh doanh thêm quần áo lót. Ngành tạp phẩm có 35 hộ kinh doanh quần áo lót, quần áo bơi…., còn lại là kinh doanh các mặt hàng khác như đồ lưu niệm, túi bóng...
   
   
Ngành hàng quần áo may sẵn có lượng khách riêng của mình.
   
  Từ trước đến nay không riêng gì chợ Hạ Long I mà tại các khu chợ truyền thống khác thì các quầy hàng tạp phẩm đều kinh doanh các mặt hàng này bởi vì khách hàng có thói quen mua quần áo lót, quần áo bơi tại các quầy hàng tạp phẩm. Nay thành phố Hạ Long lại xen vào cấm chúng tôi các bán các mặt hàng đó thì khác gì hất nồi cơm của bà con tiểu thương đi, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. 
   
  Không những vậy, khi hợp đồng năm 2013 hết hạn vào ngày 31/12/2013, BQL chợ Hạ Long I yêu cầu chúng tôi muốn ký hợp đồng mới thì phải đồng ý cam kết thực hiện theo cái Quyết định 2508 của ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, trong khi chúng tôi đang khiếu nại Quyết định đó thì khác gì đánh đố nhau.
   
  Chị Đào Kim Lương, một chủ quầy khác cho biết: Bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn kinh doanh mặt hàng này, năm nào cũng ký hợp đồng với BQL chợ nhưng không thấy họ nhắc nhở hay đưa ra bản quy định ngành hàng tạp phẩm được phép kinh doanh những mặt hàng gì. Chúng tôi đã đầu tư toàn bộ vốn liếng vào quầy hàng, nay thành phố có chủ trương cấm không được kinh doanh mặt hàng này nữa, ai không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thu hồi, chúng tôi quá sốc với cách hành xử như vậy.
   
   
Còn ngành tạp phẩm sau nhiều năm cũng có vị thế riêng của mình.
   
  Tại sao ngay từ đầu chính quyền, cơ quan chức năng không nghiêm cấm những người kinh doanh hàng tạp phẩm được bán quần áo lót, quần áo bơi?. Tại sao để chúng tôi bán hàng bao nhiêu năm nay, tạo dựng được thương hiệu rồi lại cấm mà không dựa trên yếu tố lịch sử để lại?. – chị Lương bức xúc nói.
   
  Về phía các tiểu thương ngành hàng quần áo may sẵn, chị Trương Thị Tuyết, đại diện cho ngành hàng này cho biết: “Tại khu vực tầng hai của chợ Hạ Long I bố trí ngành hàng quần áo may sẵn và ngành tạp phẩm. Theo quy định thì ngành hàng tạp phẩm không được kinh doanh sang lĩnh vực quần áo, nhưng từ nhiều năm nay họ đã lấn sân sang kinh doanh cả mặt hàng quần áo, cạnh tranh với chúng tôi làm ảnh hưởng đến kinh doanh của ngành quần áo. 
   
  Chính vì vậy, ngành hàng quần áo đã làm đơn lên Ban quản lý (BQL) chợ Hạ Long I và các cơ quan chức năng đề nghị cấm ngành tạp phẩm kinh doanh sang lĩnh vực quần áo.
   
  Ông Lê Văn Hinh, một chủ quầy quần áo khác cũng lên tiếng “cái gì đúng là phải thực hiện, BQL chợ và thành phố đừng có nói mãi mà không chịu làm, mất niềm tin của các hộ tiểu thương. Tôi nói thật, việc này không cần các cơ quan chức năng xử lý, nó phụ thuộc vào BQL chợ nhưng vì BQL chợ này nhu nhược, yếu kém, vô trách nhiệm, không làm tốt chức năng.”
   
   
Các tiểu thương ngành hàng tạp phẩm kéo lên trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh.
   
Tạp phẩm có được bán quần áo?
   
  Sau khi có đơn của các tiểu thương ngành hàng quần áo may sẵn, UBND TP Hạ Long đã có rất nhiều buổi đối thoại với hai ngành hàng nhằm tìm ra phương án tốt nhất nhưng cho tới thời điểm này, vụ việc không những không được giải quyết mà còn bị đẩy lên tới cao trào khi bà con tiểu thương ngành hàng tạp phẩm đã tổ chức biểu tình trước cửa UBND TP Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh. Gần đây nhất, hơn 40 hộ tiểu thương ngành hàng tạp phẩm chợ Hạ Long I đã kéo nhau lên Văn phòng tiếp dân Trung ương tại Hà Nội để phản ánh về vấn đề này.
   
  Nguyên nhân là bởi liên tiếp trong vòng nửa tháng, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long đã ban hành hai văn bản số 2392 (ngày 14/8/2014) và văn bản số 2508 (ngày 27/8/2014) mà theo như bà con tiểu thương ngành hàng tạp phẩm là không viện dẫn các quan hệ pháp luật về kinh doanh tại thời điểm 2003, đều sai về hình thức văn bản và nội dung. Không những thế, trong khi bà con đang khiếu nại văn bản số 2508 thì UBND TP Hạ Long, BQL chợ Hạ Long I vẫn tổ chức lực lượng cưỡng chế các quầy hàng của bà con làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của họ.
   
   
Văn bản gây bức xúc đối với các tiểu thương ngành hàng tạp phẩm.
   
  Trao đổi với chúng tôi về việc ngành hàng tạp phẩm có được phép bán các mặt hàng đang gây tranh cãi với ngành hàng quần áo may sẵn ở chợ Hạ Long I hay không. Ông Phạm Ngọc Thủy – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh nêu quan điểm: "Theo tôi ở thời điểm này nên giữ nguyên bởi đó là lịch sử để lại, phải chấp nhận theo cái sắp xếp bố trí tại thời điểm đó chứ không nên áp đặt quy định hiện hành. Còn nếu các anh muốn sắp xếp lại thì phải làm tổng thể. Chủ trương của tỉnh là giao cho thành phố xử lý việc này để tạo sự đồng thuận.” 
   
  Bên cạnh đó, các tiểu thương nên nhìn về một hướng, đặt lợi ích chung lên trên, tâm lý thua được hãy gạt đi để cùng nhau đoàn kết xây dựng văn minh thương mại. Đây là điều rất quan trọng bởi Hạ Long là thành phố du lịch, chợ Hạ Long I lại là chợ trung tâm, nếu hai ngành hàng này tiếp tục gây căng thẳng như vậy sẽ ảnh hưởng tới bộ mặt của thành phố, tới các ngành hàng khác. Nếu các tiểu thương cứ suốt ngày cãi nhau, tranh giành như vậy thì họ sẽ bỏ đi, thiệt hại lúc đó thuộc về chính các vị chứ không phải ai khác. – Ông Thủy cho biết thêm.
   
  Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
   
Mạnh Hưng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến hai ngành hàng chợ Hạ Long 1: Bao giờ mới chấm dứt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO