Cuộc đua của những “ông lớn” tỷ đô
Với chiến lược khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ, những năm gần đây, làn sóng đầu tư các dự án điện gió đã thực sự bùng nổ với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Đây là cuộc đua của những “ông lớn” với số vốn rót vào dự án hàng chục tỷ đô, đủ thấy sức hấp dẫn của điện gió ngoài khơi với các nhà đầu tư.
Trong số này, phải kể đến Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, quy mô 3,4GW, tổng mức đầu tư lên đến 11,9 tỷ USD (tương đương khoảng 274.000 tỷ đồng). Vừa qua, Dự án này đã hoàn tất việc lắp đặt phao nổi để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy...) tại khu vực khảo sát.
Hay như Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn - liên doanh giữa Công ty Cổ phần năng Năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetro), Novasia Energy và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch), công suất 3,5GW, vốn đầu tư cũng lên khoảng 10,5 tỷ USD (tầm 242.000 tỷ đồng).
“Đại gia” năng lượng Đan Mạch - Tập đoàn Orsted cho biết sẽ chọn Việt Nam là điểm đầu tư tiếp theo vào điện gió ngoài khơi sau loạt dự án thành công tại châu Á. Dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận đang được Orsted "để mắt" tới.
Không riêng nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư trong nước cũng tham gia vào "cuộc đua" tỷ đô này. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, HBRE Group và đối tác Pháp đã rót 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng) vào dự án điện gió ngoài khơi 500MW...
Trong lần tổ chức thứ 4, Hội nghị Vietnam Wind Power 2021, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, năm 2021 là một năm đáng nhớ với ngành điện gió Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2021, Việt Nam đã đạt gần 4GW công suất lắp đặt điện gió trên bờ. Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng, Việt Nam sẽ có những nỗ lực để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050... Đây là những tín hiệu lạc quan cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam và cũng là cơ hội tuyệt vời để sử dụng gió như một nguồn năng lượng miễn phí mà không gây ô nhiễm khí thải.
Hiện tại, với lộ trình phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò đi đầu tại khu vực trong lĩnh vực này. Ông Ben Backwell bày tỏ tin tưởng rằng, trong tương lai, với cơ chế đấu thầu dự án điện gió đang được các cơ quan liên quan của Việt Nam xây dựng, điện gió sẽ tiếp tục phát triển với tính cạnh tranh hơn và Việt Nam sẽ có làn sóng phát triển điện gió thứ hai với cả điện gió trên bờ và ngoài khơi. Cùng với đó, các công nghệ quản lý năng lượng sẽ giúp điện gió giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam.
Cần phát triển quy hoạch không gian biển toàn diện
Việc phát triển điện gió ngoài khơi là phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan ủng hộ chủ trương phát triển điện gió ngoài khơi để bổ sung công suất nguồn điện cho hệ thống, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện trong cơ cấu nguồn của hệ thống điện Việt Nam và coi đây là nguồn năng lượng xanh vô tận đến từ thiên nhiên.
Tuy nhiên, để điện gió không phát triển theo hướng tự phát, gây lãng phí, đi đúng hướng, theo TS. Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam, Chính phủ cần phát triển một quy hoạch không gian biển toàn diện và có nguồn tài nguyên tốt cho điện gió ngoài khơi để định hướng cho các đơn vị phát triển vào những khu vực Chính phủ muốn thấy các dự án diễn ra. Quy hoạch không gian biển sẽ cân nhắc đầy đủ các vấn đề về môi trường và xã hội, được hướng dẫn bởi các cố vấn chiến lược và cần thu hút sự tham gia của những đối tượng sử dụng biển khác.
Hiện tại, cả nước có 106 dự án điện gió đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, tổng công suất 5.655MW, đã có hồ sơ đăng ký đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD).
Chính phủ cũng cần thiết lập các cơ quan cho thuê và cấp phép điện gió ngoài khơi với các quy trình vững chắc, minh bạch và kịp thời. Các cơ quan này phải đảm bảo các thông lệ quốc tế liên quan tới Đánh giá tác động môi trường và xã hội (ĐTMX) được áp dụng và giám sát.
Đồng thời, chuyển sang cơ chế cạnh tranh để mua năng lượng từ điện gió ngoài khơi, sau khi biểu giá điện hỗ trợ (FIT) hiện nay kéo dài đến năm 2025 (trong thời gian này cần thêm các yêu cầu cho các dự án về tác động tới xã hội và môi trường, quản lý các tác động của các dự án điện gió gần bờ). Điều này sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các đơn vị phát triển và trong chuỗi cung ứng, đảm bảo cho Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chi phí điện thấp từ nguồn điện gió ngoài khơi mang lại.
Chính phủ cũng cần thiết lập một chương trình cho đấu thầu cho thuê đáy biển để cho thuê với quy mô đủ để thực hiện tầm nhìn cho điện gió ngoài khơi sau năm 2030. Điều này bao gồm xem xét cho thuê theo từng giai đoạn của dự án thử nghiệm hoặc các dự án thương mại trong giai đoạn đầu để Chính phủ, các bên liên quan và chuỗi cung ứng có được tự tin và kinh nghiệm ở quy mô nhỏ và ít rủi ro hơn trước khi thực hiện các dự án lớn hơn. Tốc độ cho thuê hàng năm phải đạt 4GW mỗi năm trước năm 2025 nếu muốn đạt tốc độ phát triển năng lượng tái tạo ở mức cao. Cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành của Chính phủ và chính quyền địa phương khi thực hiện.
Bằng việc cam kết khối lượng mục tiêu đầy tham vọng đối với điện gió ngoài khơi, thiết lập quy trình toàn diện cho thuê khu vực biển, cấp phép và cung cấp lộ trình bán điện ổn định, Việt Nam sẽ thu hút được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng phát triển điện gió ngoài khơi quốc tế. Điều này sẽ dẫn đến sự phát triển và tăng trưởng của chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi, duy trì những công việc đang có, tạo thêm việc làm mới và mang lại những hoạt động kinh tế có giá trị cao tại Việt Nam.
Năm 2022, năm khởi đầu của hàng loạt những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng xanh, bền vững, cũng là điểm gieo niềm tin vững chắc rằng, bằng những nỗ lực của mình, Việt Nam sẽ sớm biến những cam kết mạnh mẽ thành hiện thực, trả lại cho môi trường bầu không khí tự nhiên trong lành nhất, hướng đến thập kỷ phục hồi sinh thái, môi trường.