Cục BVMT Miền Trung và Tây Nguyên kiểm tra tình hình BVMT trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại Thừa Thiên Huế

11/07/2019 15:25

(TN&MT) - Ngày 11/7, Đoàn công tác của Cục Bảo vệ môi trường Miền Trung và Tây Nguyên (thuộc Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT Thừa Thiên Huế về việc triển khai công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Tham dự buổi làm việc có ông Phạm Hồng Sơn - Cục trưởng Cục BVMT Miền Trung và Tây Nguyên làm trưởng đoàn, cùng đại diện Sở TN&MT, Sở NN&PTNN và các ban ngành, địa phương có liên quan.

Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đang hết sức phức tạp
Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đang hết sức phức tạp

Dịch vẫn diễn biến phức tạp

Báo cáo với Đoàn công tác, Sở TN&MT Thừa Thiên Huế thông tin, tính đến nay dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng 9/9 huyện, thị, thành. Cụ thể đến ngày 9/7, dịch đang xảy ra trên đàn lợn của 4.585 hộ chăn nuôi, 465 thôn, 94 xã. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 26.068 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 1.516.666 kg.

Qua theo dõi, hiện đã có 10 xã thuộc 5 huyện là Dương Hòa, Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), Hương Sơ, Vỹ Dạ (TP. Huế), Phú Thuận, Phú Dương, Phú Thanh (huyện Phú Vang), Hương Phong, Hồng Quảng (huyện A Lưới), Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới. Tuy nhiên, nhìn chung dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại...

Ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Thừa Thiên Huế) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở TN&MT đã kịp thời có nhiều văn bản hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với việc chôn lấp, tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi. Hiện tại, Sở đã tiến hành khảo sát một số điểm chôn lấp tiêu hủy trên địa bàn các địa phương và xây dựng kế hoạch quan trắc các thành phần môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường...

Trong khi đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở NN&PTNT đã phối hợp UBND các huyện, thị xã, TP. Huế triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch khẩn cấp. Cụ thể, tiêu hủy ngay số lợn mắc bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Hướng dẫn và giám sát 30 ngày kể từ ngày phát dịch. Lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tiêu độc các phương tiện đi vào vùng dịch, hạn chế người, phương tiện ra vào vùng dịch; giám sát chặt chẽ, nghiêm cấm các hành vi vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; tăng cường giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn tại các hộ nuôi trong khu vực. Cấp hóa chất và tấn vôi bột để xử lý ổ dịch và vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường, xử lý hố chôn.

Đoàn công tác của Cục Bảo vệ môi trường Miền Trung và Tây Nguyên làm việc với Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cùng các đơn vị liên quan
Đoàn công tác của Cục Bảo vệ môi trường Miền Trung và Tây Nguyên làm việc với Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cùng các đơn vị liên quan

Thống kê và tổ chức cam kết thực hiện 5 không đối với các hộ chăn nuôi (Không giấu dịch; Không mua bán vận chuyển lợn bệnh; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Vệ sinh, tiêu độc khử trùng: Đã cấp khoảng 30.029 lít hóa chất để các huyện triển khai thực hiện ngay công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng (nguồn Trung ương hỗ trợ 20.000 lít). Các huyện khác đã chủ động mua hơn 470 tấn vôi để rãi tiêu độc tại các tuyến đường giao thông chính và các hỗ chôn hủy.

In ấn, cấp phát 50.000 tờ rơi để tuyên truyền và cam kết thực hiện 5 không đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Cam kết các chủ giết mổ nhập lợn phải có nguồn gốc rõ ràng và khỏe mạnh; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết, không rõ nguồn gốc; không nhập lợn trong ca giết mổ. Tổ chức tập huấn cho cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở về tình hình dịch bệnh, cách nhận biết, triệu chứng, bệnh tích, giải pháp phòng chống; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, đặc biệt nhận thức rõ tính nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi là lợn mắc bệnh chết nhanh, tỷ lệ chết lên tới 100%, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh...

Tại buổi họp, đại diện các huyện, xã có dịch cũng đã báo cáo tình hình xảy ra dịch bệnh, nêu lên những khó khăn, tồn tại như xác định vùng chôn lấp còn khó, nguồn kinh phí hóa chất, vật tư, phương tiện chôn lấp chưa đủ... qua đó tìm phương án.

Ông Phạm Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung và Tây Nguyên chỉ đạo tại buổi làm việc
Ông Phạm Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung và Tây Nguyên chỉ đạo tại buổi làm việc

Tích cực phòng ngừa

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Việt Hùng cho hay: Sở TN&MT sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền, cam kết của các hộ, trang trại, doanh nghiệp có chăn nuôi lợn hiểu rõ bệnh và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện ổ dịch sớm, kịp thời tại cơ sở giúp cho việc tiêu hủy lợn bệnh, nghi bệnh, xác lợn do người chăn nuôi vứt ra môi trường đảm bảo kịp thời, triệt để, tránh làm phát tán, lây lan mầm bệnh...

“Tiếp tục vận động, khuyến khích người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi càng tốt thì hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh càng cao. Chính quyền địa phương chủ động sử dụng kinh phí dự phòng, hỗ trợ ngay cho người chăn nuôi để người chăn nuôi chủ động tự nguyện khai báo dịch bệnh, không bán tháo, bán chạy lợn ốm. Thực hiện việc quan trắc, kiểm tra, giám sát các điểm, các khu vực chôn lấp tiêu hủy lợn bị bệnh theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Đặc biệt quan trắc, theo dõi chất lượng các thành phần môi trường tại các khu vực tiêu hủy lợn dịch số lượng lớn, các khu vực thấp trũng, nhạy cảm của tỉnh...”- ông Hùng thông tin.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung và Tây Nguyên ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của Thừa Thiên Huế, tỉnh đã có những chỉ đạo sớm, quyết liệt, bám vào những hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT để thực hiện, các địa phương cùng các đơn vị liên quan cũng đã có tính chủ động cao...

Kiểm tra thực tế, đánh giá công tác BVMT tại các điểm tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Thừa Thiên Huế
Kiểm tra thực tế, đánh giá công tác BVMT tại các điểm tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Thừa Thiên Huế.

“Thời gian tới Sở TN&MT và các đơn vị liên quan cần tiếp tục giám sát dịch bệnh, cắt cử cán bộ giám sát những điểm xảy ra dịch lớn. Các huyện nên giao các xã thống kê các điểm tiêu hủy, gửi về cho Chi cục BVMT của Sở qua đó để Cục lên kế hoạch giám sát. Giao Trung tâm Quan trắc Sở thực hiện việc giám sát. Tăng cường khử mùi, xử lý mùi ở các điểm tiêu hủy, chôn lấp lớn tránh ảnh hưởng đến người dân. Cục sẽ trình lên cấp trên để hỗ trợ kinh phí...”- ông Sơn yêu cầu.

Trong chiều cùng ngày, đoàn công tác của Cục BVMT Miền Trung và Tây Nguyên đã cùng Sở TN&MT Thừa Thiên Huế và các ban, ngành tổ chức đi kiểm tra thực tế công tác BVMT tại một số điểm chôn lấp, tiêu hủy... lợn bị dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, kiểm tra tại xã Phú Thượng (huyện Phú Vang), xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) và một số xã ở huyện Phú Lộc. Đây đều là những nơi thấp trũng, vùng đầm phá... nên khó khăn trong việc tiêu hủy, xử lý dịch. Dù vậy nhìn chung, công tác BVMT tại các điểm tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh đều đảm bảo theo quy định. Cục BVMT Miền Trung và Tây Nguyên cho hay sẽ có biện pháp để giám sát, theo dõi các điểm này trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục BVMT Miền Trung và Tây Nguyên kiểm tra tình hình BVMT trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại Thừa Thiên Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO