(TN&MT) – Dự án sân golf – vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ thuộc Cty cổ phần đầu tư và quản lý tài sản Toàn Cầu (nay là Cty Cổ phần FLC Golf & Resort - một thành viên của Tập đoàn FLC Group) bắt đầu được triển khai vào năm 2007 với quy mô 248,7 ha. Vậy nhưng cho tới giờ này, Dự án vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn quy hoạch 1/2000.
Phối cảnh tổng thể Dự án "treo" 8 năm của FLC tại khu vực hồ Cẩm Quỳ - Ba Vì - Hà Nội |
Được ưu ái vẫn “treo”
Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 45km, hồ Cẩm Quỳ thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì được đánh giá là có khung cảnh thơ mộng, khí hậu trong lành, rất phù hợp với các Dự án thuộc lĩnh vực nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.
Xung quanh hồ Cẩm Quỳ, ngoài một phần đất do các cơ quan chức năng huyện Ba Vì và người dân trông coi thì có một phần không nhỏ diện tích đất thuộc Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng (Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam – Bộ NN&PTNT) quản lý.
Năm 2007, Cty cổ phần đầu tư và quản lý tài sản Toàn Cầu (nay là Cty Cổ phần FLC Golf & Resort) xin tỉnh Hà Tây khi đó cho phép triển khai Dự án tại khu vực hồ Cẩm Quỳ với tổng diện tích là 248,7 ha, trong đó có hơn 100 ha thuộc quản lý của Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng.
Sau khi được cấp GCNĐT và tiến hành lập quy hoạch thì Dự án đột ngột dừng lại vì trong các hạng mục của Dự án có lấy một phần đất để xây sân golf, chính vì vậy khi tỉnh Hà Tây sát nhập về TP Hà Nội thì phải chờ điều chỉnh quy hoạch, rà soát lại. Đến tháng 3/2010, UBND TP Hà Nội có Văn bản chỉ đạo chuyển mục tiêu đầu tư 11 Dự án sân golf (trong đó có Dự án nêu trên).
Hơn một năm sau, ngày 15/11/2011, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản số 9984/UBND-TNMT gửi UBND huyện Ba Vì nêu rõ: Cty cổ phần đầu tư và quản lý tài sản Toàn Cầu có công văn số 30/2011/CV-GIA ngày 9/11/2011 về việc xin đôn đốc thực hiện công tác bồi thường, GPMB dự án xây dựng sân golf, resort và vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ, huyện Ba Vì. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Vũ Hồng Khanh có ý kiến chỉ đạo: UBND huyện Ba Vì khẩn trương kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền và hướng dẫn nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Kể từ đó cho đến nay, mặc dù UBND huyện Ba Vì đã chủ động “đi trước một bước” khi đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để dự án triển khai đúng tiến độ nhưng cho tới thời điểm này Dự án vẫn chỉ dừng lại ở mức độ…quy hoạch.
"Họ không làm gì cả!"
Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng TN&MT huyện Ba Vì trả lời phóng viên báo TN&MT về tiến độ thực hiện Dự án sân golf – vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ, thuộc địa phận huyện Ba Vì (cạnh hồ Suối Hai), thành phố Hà Nội.
Sau 8 năm được chấp thuận đầu tư, đến thời điểm hiện tại Dự án của FLC tại Hồ Cẩm Quỳ vẫn đóng băng. |
Theo ông Sơn, có thể giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý đất ở khu vực này là Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng vẫn còn vướng mắc trong việc thỏa thuận bồi thường nên Dự án chưa có phương án bồi thường, GPMB, cấp huyện chưa trực tiếp tham gia vào khâu nào của Dự án, toàn bộ khối lượng công việc đến thời điểm này là do thành phố làm.
Bản thân tôi thấy họ về huyện có hai lần sau đó không thấy động tĩnh gì nữa, các anh vào xã Cẩm Lĩnh có thể sẽ có thêm thông tin khác. – ông Sơn cho biết thêm.
Có mặt tại UBND xã Cẩm Lĩnh, chúng tôi tìm gặp ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND xã, ông Hưng nói: Bao năm nay có thấy họ làm gì đâu, họ xin mấy trăm ha đất trong đó có khoảng 35 ha mặt nước lòng hồ Cẩm Quỳ và hơn 100 ha đất của Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng để triển khai Dự án nhưng sau đấy không thấy họ quay lại nữa, giờ chúng tôi chả biết họ có làm hay không.
Tìm hiểu thêm, được biết trước đây Công ty cổ phần FLC Golf & Resort đã công bố tổng mức đầu tư vào Dự án này là 3.394 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2011-2013 có nhu cầu vốn dự kiến khoảng 1.686 tỷ đồng và giai đoạn II từ 2014-2015 với số vốn dự kiến khoảng 1.708 tỷ đồng. Hiện tại, trên trang tin của FLC vẫn quảng bá một cách hoành tráng về Dự án khi vẽ ra một tổ hợp vui chơi giải trí và sân golf, các khu resort spa và tắm khoáng tầm cỡ khu vực và thế giới. Kết hợp với các khu nghỉ dưỡng cao cấp là 241 căn biệt thự cao với tính năng vừa cho thuê vừa ở lâu dài, các biệt thự với kiến trúc Pháp với các dịch vụ cao nhất, bao gồm cả biệt thự sân golf.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ vì sao các Dự án của FLC mặc dù ngốn rất nhiều đất tại các địa phương nhưng lại không thể hoàn thành đúng tiến độ?. Phải chăng đây là hệ quả của việc đầu tư dàn trải với số lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng khiến FLC không thể đi tới đích theo đúng kế hoạch đã đề ra?.
Bài & ảnh: Mạnh Hưng