Công viên Địa chất Đắk Nông - Xứ sở của những âm điệu

Mai Đan - Thu Trang| 16/07/2020 13:39

(TN&MT) - Được công nhận là Công viên Địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO, CVĐC Đắk Nông là một trong những miền đất hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hệ sinh thái rừng nhiệt đới và nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ… thu hút khách du lịch đến đây trải nghiệm và khám phá.

Đắk Nông - vùng đất “đỏ” của giá trị văn hóa, lịch sử

“Đắk” theo tiếng của người MNông - một tộc người bản địa lớn nhất và lâu đời nhất trên vùng đất này - vừa có nghĩa là “nguồn nước” lại vừa có nghĩa là “nguồn sống”. “Đắk Nông” nghĩa là vùng đất sinh sống của người MNông, với hàng trăm địa danh ở khu vực này bắt đầu bằng tiếp đầu ngữ “Đắk”.

Với hơn một nửa diện tích là đá núi lửa bazan, CVĐC Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới cùng hàng chục loài cây công nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao, sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới, với khoáng sản bauxite chiếm tới 62% trữ lượng của Việt Nam và 20% của toàn thế giới.

Từ năm 2007, CVĐC Đắk Nông còn được biết đến thêm bởi những phát hiện về hệ thống hang động núi lửa phong phú, đa dạng nhất khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là những phát hiện gần đây (2017 - 2018) về các di chỉ của người tiền sử đã từng sinh sống trong các hang động này từ hàng nghìn, hàng chục nghìn năm trước.

CVĐC Đắk Nông cũng không kém phần nổi tiếng bởi những bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà. Khởi đầu là nơi sinh sống chủ yếu của 3 dân tộc bản địa MNông, Mạ và Ê Đê, từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước nơi đây đã đón nhận thêm hàng trăm nghìn người từ các địa phương khác của cả nước, để trở thành quê hương mới của hơn 40 (trong tổng số 54) dân tộc Việt Nam. Cùng với các tỉnh khác của Tây Nguyên, Đắk Nông đã được công nhận là một phần của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” - kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại - của UNESCO từ năm 2005.

Đặc biệt, Đắk Nông đã được biết đến từ cuối thập kỷ 40 của thế kỷ trước, bởi những phát hiện đầu tiên ở Việt Nam cũng như trên thế giới về cồng đá (Goong lú), được người tiền sử chế tác từ đá sừng cordierite và đá núi lửa bazan và sử dụng từ khoảng 3.000 năm trước, qua đó trở thành một trong những loại nhạc cụ cổ xưa nhất của nhân loại.

Kết quả điều tra, nghiên cứu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, và trước đó, của Bảo tàng Địa chất và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã xác định được khoảng 180 điểm di sản địa chất, trong đó, có hơn 50 điểm có giá trị nổi bật được đề xuất xếp hạng cấp quốc gia. Với những giá trị di sản địa chất kể trên cùng nhiều giá trị di sản văn hóa và đa dạng sinh học khác, CVĐC Đắk Nông đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một CVĐC Toàn cầu của UNESCO.

Công viên địa chất Đắk Nông

Hành trình trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO

Với sự công nhận của UNESCO, CVĐC Đắk Nông đã trở thành CVĐC Toàn cầu UNESCO thứ 3 ở Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Cho đến nay, trên thế giới có tổng cộng 161 Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO ở 44 quốc gia.

Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện ĐCKS), Trưởng Tiểu ban Chuyên môn về CVĐC Toàn cầu của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: Với diện tích hơn 4.700 km2, CVĐC Đắk Nông là CVĐC Toàn cầu UNESCO lớn nhất ở Việt Nam. Ở đây đã xác định được ít nhất 5 miệng núi lửa trẻ, hàng chục thác nước và hàng trăm điểm di sản địa chất khác. Đặc biệt, đây là nơi, năm 1949 ông George Condominas - một nhà dân tộc học người Pháp - lần đầu tiên đã phát hiện ở Việt Nam và trên thế giới một bộ đàn đá được làm từ đá sừng cordierite, được cho là một trong những loại nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người.

Từ thực tế đó, cộng với việc Đắk Nông cùng với các tỉnh Tây Nguyên khác từ năm 2005 đã được UNESCO công nhận là “Không gian văn hóa cồng chiêng - Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”, các nhà khoa học đã phát triển CVĐC Đắk Nông thành “Xứ sở của những Âm điệu”. Đây thực sự là nơi hội tụ của vô vàn những âm điệu, từ đàn tre, đàn đá, đàn lứa, cồng chiêng, tiếng nước reo, thác đổ, tiếng núi lửa phun nổ, tiếng cây cỏ mọc mầm, tiếng chim hót đến tiếng người nói cười... Là tiền thân của cồng chiêng, đàn đá hay Goong Lú chắc chắn cũng là một bộ phận cấu thành của Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại kể trên.

Theo bà Đỗ Thị Yến Ngọc, Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản Địa chất thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, để trở thành CVĐC Toàn cầu UNESCO phải đảm bảo những yêu cầu nhất định về mặt di sản dựa trên 3 mục tiêu cụ thể: Bảo tồn di sản địa chất; Góp phần quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, giá trị của các khoa học Trái Đất, giáo dục lòng yêu thiên nhiên, trách nhiệm công dân trong việc khai thác bền vững các giá trị di sản địa chất; Thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, hài hoà với bảo tồn, chủ yếu dưới các hình thức du lịch (du lịch sinh thái, du lịch địa chất…) và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm.

Theo đó, để CVĐC Đắk Nông trở thành CVĐC Toàn cầu UNESCO, Viện ĐCKS đã hỗ trợ tỉnh Đắk Nông trong việc khảo sát, nghiên cứu bổ sung, xác định các giá trị di sản địa chất có ý nghĩa quốc tế, như hệ thống khoảng 50 hang động núi lửa có tổng chiều dài tới hơn 10 nghìn mét, hoạt động núi lửa trẻ hay giá trị văn hoá, lịch sử lâu đời, các giá trị di sản khác như cảnh quan, đa dạng sinh học… Trên cơ sở đó, Viện đã tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO vào tháng 11/2018 và đón đoàn chuyên gia thẩm định của UNESCO vào tháng 7/2019.

Đến nay, CVĐC Đắk Nông đã xây được 3 tuyến tham quan có thể đi về trong ngày là: “Trường ca của lửa và nước”; “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ Trái Đất”, mỗi tuyến có khoảng 13 - 15 điểm, đan xen giữa các điểm di sản địa chất, di sản văn hóa, địa văn hóa, đa dạng sinh học, đối tác của CVĐC... Ngoài ra, còn có thể kể thêm một số địa điểm “phải đến” khác, như Nhà triển lãm Âm thanh “Explorasound”, Bảo tàng nhạc cụ cổ xưa của nhân loại, Trung tâm thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công viên Địa chất Đắk Nông - Xứ sở của những âm điệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO