Xã hội

“Con đường” thoát nghèo ở biên giới Nậm Giải

Đình Tiệp 24/10/2023 - 13:13

Những năm gần đây, tại xã biên giới Nậm Giải (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) có một số mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả như nuôi gà, lợn đen bản địa, trồng dưa rẫy, khoai sọ…Những thành quả ban đầu là tạo ra thu nhập khá cho người dân, giúp nhiều hộ dân “đi nhanh hơn” trên con đường thoát nghèo.

Điểm sáng nuôi gà bản địa

Còn nhớ bản Pục, xã biên giới Nậm Giải cùng với bản Méo là một trong những bản bị trận lũ quét lịch sử tàn phá kinh hoàng vào năm 2007. Trận lũ quét đã cuốn trôi nhà cửa, vườn tược, đất sản xuất cũng như toàn bộ tài sản và sinh mạng của 13 con người xấu số nơi bản nghèo vùng biên này.

Sau trận lũ ấy, có tới 65 hộ dân ở hai bản này phải dời xa quê cha đất tổ vào khu tái định cư bản Piêng Lâng để gây dựng lại cuộc sống. Trong những ngày cuối tháng 10/2023, chúng tôi đã có cơ hội trở lại xã Nậm Giải thì được bà Lữ Thị Tiến – Phó chủ tịch UBND xã Nậm Giải cùng cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt dẫn vào các bản để thăm những mô hình làm kinh tế cũng như những đổi thay trong cuộc sống của bà con nơi đây.

anh-1(1).jpg
Mô hình nuôi gà địa phương của anh Quang Văn Trung.
anh-2(2).jpg
Mô hình nuôi gà địa phương của anh Quang Văn Trung.

Trang trại nuôi gà bản địa dưới tán rừng quế của gia đình anh Quang Văn Trung là một trong những mô hình kinh tế rất tiêu biểu của xã Nậm Giải. Dưới tán rừng quế được quây lưới rộng hàng nghìn mét vuông, hàng trăm con gà bản địa đã đến tuổi xuất chuồng đang thỏa sức tìm mồi dưới tán cây quế. Con nào lông cũng óng mượt, sạch sẽ, khỏe mạnh khiến ai nhìn vào cũng cảm thấy rất đã mắt.

Anh Quang Văn Trung phấn khởi cho biết, trước đây anh đã từng đầu tư nuôi các giống gà lai được chuyển từ miền xuôi lên nhưng đều thất bại do không phù hợp với khí hậu khắc nghiệt trên địa phương này. Sau những thất bại đó, năm 2019, anh quyết định chuyển sang nuôi gà bản địa. Để có nguồn con giống, anh đến từng gia đình trong các bản mua những con gà bản địa về nuôi gom để nhân giống. Gà bản địa có trọng lượng nhỏ, số lượng trứng của gà mái sinh sản hàng năm thấp, chỉ có 90 - 100 quả/năm. Tuy nhiên, ưu điểm là giống gà bản địa có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh và chịu được khí hậu ở đây, nên đàn gà phát triển ổn định.

Khi đàn gà được nhân lên hàng trăm con mái đẻ, anh Trung đầu tư mua lò ấp trứng để cho ra con giống, ngoài phục vụ chăn nuôi tại gia, anh còn cung cấp cho nhiều gia đình trong xã nuôi. Chăn nuôi ngày càng phát triển, đặc biệt nhiều thanh niên có ý chí vươn lên trong cuộc sống, anh nảy ra ý tưởng thành lập HTX chăn nuôi, nhằm chủ động cung ứng lượng gà thịt hàng hóa lớn để cung cấp ra thị trường. Năm 2022, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Tâm ra đời với 18 thành viên; với lượng gà mái đẻ luôn duy trì trên 500 con, mỗi năm cho xuất chuồng gần 20.000 con giống cho thị trường.

anh-3(1).jpg
Anh Quang Văn Trung vui mừng với thành công ban đầu trong chăn nuôi gà bản địa.

Các xã viên xây dựng hệ thống chuồng trại thành 2 - 3 ngăn, nhằm mục đích nuôi theo hình thức gối lứa. Bởi vậy, thời điểm nào trong năm HTX cũng có nguồn gà thịt cung ứng cho thị trường. Loại gà bản địa này, nuôi sau 5 - 6 tháng là xuất chuồng, trọng lượng gà chỉ đạt từ 1,2 - 1,5kg/con, do nuôi theo hình thức bán thả đồi, thức ăn chủ yếu các sản phẩm nông nghiệp do bà con làm ra: Ngô, lúa, sắn… nên chất lượng đảm bảo, khách hàng ưa thích. Do đó, dù với giá gà thịt hơi 145.000 đồng/kg nhưng vẫn bán rất chạy.

Anh Quang Văn Trung, cho biết: “Thị trường chủ yếu hiện nay của bọn em mới chỉ khu vực thị trấn Kim Sơn, chưa mở rộng ra các huyện, thành phố. Do vậy, tới đây em có định hướng mở rộng thị trường bằng cách đầu tư lò giết mổ tại chỗ, với mục đích cung ứng cho khách hàng thịt gà làm sẵn. Theo đó, sản phẩm gà làm sẵn được đóng bao bì hút chân không để thuận lợi cho việc vận chuyển. Đây cũng là giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và thuận lợi hơn cho khách hàng, đặc biệt là các nhà hàng và khách từ miền xuôi lên”.

Kỳ vọng thêm nhiều mô hình…

Thung lũng Huồi Kháng, nằm cách biệt trong rừng sâu - nơi được nhiều hộ dân bản Pục chọn làm khu vực chăn nuôi tập trung từ nhiều năm nay. Để vào Huồi Kháng nếu trời không mưa cũng phải mất vài chục phút đi bộ đường rừng thì mới vào được khu vực này. Huồi Kháng vì thế là khu vực lý tưởng cho việc phát triển chăn nuôi theo kiểu “hoang dã”…

Vợ chồng chị Ngân Thị Tấm nhà chính ở bản Pục nhưng vào đây chăn nuôi từ nhiều năm nay. Lúc đó, vợ chồng làm căn nhà sàn nhỏ ở tạm, nuôi 2 con lợn nái sinh sản. Với sự chịu khó, vợ chồng chị cần mẫn chăn nuôi, sản xuất. Từ đàn lợn sinh sản, gia đình chị Tấm bán lợn con và tiếp tục xoay vòng đầu tư nhân đàn lợn nái. Những năm gần đây, ngoài bán lợn thịt, lúc nào trong chuồng cũng duy trì đàn khoảng 20 con, khách hàng cần lợn thịt hay lợn giống đều được cung cấp kịp thời. Riêng năm 2023 này, vợ chồng chị Tấm đã xuất bán vài con, thu về 17 triệu đồng; dự kiến dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt lợn để ăn Tết nhiều nên sẽ tiếp tục bán, thu về hàng chục triệu đồng nữa.

anh-4(1).jpg
Nuôi lợn bản thả rông trong thung lũng Huồi Kháng không đủ để bán cho thị trường.

Chị Ngân Thị Tấm, cho hay, nguồn thức ăn cho lợn không phải mua thứ gì, toàn bộ là thu hái cây môn, cây chuối… trong rừng về nấu với ngô, cám. Hàng ngày, tôi gùi 2 chuyến thức ăn từ nhà vào đây, mỗi chuyến nặng tới 50 kg mới đủ cho đàn lợn ăn. Không những chăn nuôi lợn, gia đình còn chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ chỗ chỉ có 1 con bê cái, đến nay, đàn bò của gia đình đã nhân lên 7 con và mới đây đầu tư nuôi thêm 1 con trâu.

Nhờ ý chí vươn lên trong cuộc sống, vợ chồng chị Tấm đã thoát được hộ nghèo từ nhiều năm trước, có điều kiện nuôi dạy 2 con ăn học.

anh-5(1).jpg
Khoai sọ Piêng Lâng có chất lượng rất cao.

Quan sát trong thung lũng này còn có nhiều căn nhà sàn nhỏ, phía dưới và xung quanh nhà là nơi nhốt và thả lợn, trâu, bò… Đó cũng là nơi ở và chuồng trại chăn nuôi của những hộ dân ở bản Pục như các hộ: Hà Văn Sơn, Hà Thị Thường, Hà Văn Quế, Ngân Văn Nam… Vào đây cùng mục tiêu phát triển chăn nuôi, nên ai cũng ý thức được trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ nhau khi cần thiết.

Bà Lữ Thị Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho biết, từ nhiều năm nay, hàng chục hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư chăn nuôi lợn đen địa phương và trâu, bò tại 2 khu chăn nuôi tập trung ở bản Pục. Mỗi khu có 8 hộ, mỗi hộ có hàng chục con lợn và nhiều trâu, bò. Do khu chăn nuôi tập trung nằm xa khu dân cư nên ít dịch bệnh; cùng với đó, bà con sử dụng nguồn thức ăn có sẵn quanh thung lũng nên dù lợn chậm lớn nhưng chất lượng đảm bảo và chi phí thấp.

anh-6(1).jpg
Mô hình trồng khoai sọ và dưa rẫy cũng đang mang đến hy vọng thoát nghèo cho người dân xã Nậm Giải.

Bà Lữ Thị Tiến, cho biết thêm: “Bà con đầu tư nuôi lợn đen không sử dụng thức ăn công nghiệp mà hoàn toàn lấy từ rau, cỏ tự nhiên, chất lượng thịt đảm bảo. Thông thường, bà con bán lợn dưới 15 kg/con, có giá 120.000 đồng/kg; loại lợn 30 kg/con, bán với giá 100.000 đồng/kg; loại lợn trên 30 kg/con bán với giá 80.000 - 90.000 đồng/kg, nhưng nguồn cung không đủ nhu cầu thị trường”.

Còn tại bản Piêng Lâng, Bí thư Chi bộ của bản Ngân Văn Minh, khoe rằng: Piêng Lâng được hỗ trợ khá nhiều dự án cây, con nhằm góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. Hiện tại với sự hỗ trợ của cấp trên, người dân trong bản đang triển khai mô hình trồng khoai sọ với diện tích 6ha, giai đoạn đầu mới có 15 hộ tham gia. Hiện đang mở rộng ra toàn bản. Khoai sọ trồng trên đất Piêng Lâng củ to, thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác của bà con. Bên cạnh đó, người dân tích cực trồng keo, quế, sở, xoan, dưa rẫy và 10ha hoa màu các loại.

anh-7(1).jpg
Công tác tuyên truyền nhân dân vệ sinh môi trường, xây dựng công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh cũng đang mang lại những đổi thay ở xã biên giới Nậm Giải.

“Đặc biệt, những năm gần đây, đời sống người dân trong bản cũng ấm no hơn khi chăn nuôi được đẩy mạnh, toàn bản hiện có tổng đàn trâu bò gần 230 con, đàn lợn 150 con, đàn dê 30 con, gia cầm 2.000 con và gần 2ha ao cá. Đã có một số hộ hình thành gia trại chăn nuôi quy mô lớn như hộ anh Lô Văn Hiệp vừa trồng khoai sọ vừa chăn nuôi 16 con trâu, 20 con dê, 500 con gà…” - Ông Ngân Văn Minh phấn khởi nói.

Ông Lô Minh Tường – Chủ tịch UBND xã Nậm Giải: “Hiện, cả hệ thống chính trị cũng đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong sinh hoạt, di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi sàn nhà, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh. Mặt khác, vận động bà con cải tạo vườn tạp kết hợp xây dựng các mô hình kinh tế, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo của địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Con đường” thoát nghèo ở biên giới Nậm Giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO