Con đường mới mở

Truyện ngắn của Nhà văn Tống Ngọc Hân| 14/01/2023 23:28

(TN&MT) - Hôm ấy bà Kiền đi chợ về sớm hơn thường lệ. Chẳng phải bữa đó rau củ đắt, trứng đắt, mà bởi tết nhất cận kề, phiên phiến thôi, ai còn ngồi mà giằng co từng đồng.

Thêm nữa, câu nói của mụ Vĩnh bán chuối tiêu chói vào tai khiến bà bực mình. Mụ Vĩnh bất trị, có coi ai ra gì bao giờ, từ hàng xóm láng giềng đến họ hàng trên dưới, chỗ nào mụ ấy cũng chêm chọc, kích bác. Mụ ấy bảo: "Ông Lẫm nhà bà hâm bỏ mẹ ra, khư khư giữ tí ruộng để làm cái gì, nhận một cục tiền đền bù giắt bẹn mà ăn tiêu không sướng hay sao". Bà Kiền ức lắm, nhưng biết mình có ba mồm cũng không cãi lại được mụ ấy nên bán tống bán tháo nốt mấy cân khoai sọ và ba chục trứng vịt so mà về cho sớm.

46-2-.jpg

Ông Lẫm thấy vợ về sớm thì cũng lấy làm lạ. Đang vung vẩy cái ô doa bằng nhựa bên gốc Hải Đường chiu chít nụ, ông dừng lại, liếc ngang và hỏi. Lại cãi nhau với ai à? Mọi khi bà không thèm chấp cái kiểu ăn nói tinh vi ấy, nhưng nay bà cứng. Ông không hỏi được một câu tử tế à? Ông cứ nghĩ tôi ra chợ là để cãi nhau hay sao? Tôi mệt, tôi về sớm, được chưa hả? Ông Lẫm tiếp tục tưới cây, nhân lúc dừng lại bên bể nước để chế thêm phân vi sinh vào ô doa, ông bảo bà. Bà mệt thì nghỉ đi, cứ để đấy tôi dẹp. Bà Kiền liếc ngang. Có gì mà dẹp, tí nữa làm ơn cắm cho tôi nồi cơm, cá kho thì đun lại cho cạn hẳn đi, xu hào thì làm canh, có xương chặt sẵn rồi. Ông Lẫm không nói thêm gì nữa. Ông biết, bà Kiền đang bất bình ông cái vụ vườn tược. Chả là thế này, từ khi dự án con đường nối hai khu công nghiệp chạy qua đồng Đa Cộc, nông dân trong vùng phấn khởi lắm, tiền đền bù đâu như chín hai triệu một sào đã nhận đủ từ hồi tháng tám. Con đường chỉ trong vài tháng thi công đã bon thẳng từ huyện lên, rộng rộng là. Thấy bảo họ làm tận bốn làn. Đến chỗ vườn nhà ông thì dự án đi xuyên qua khu chuồng trại, nhà bếp. Nếu né ra khu vực ao thì đường sẽ cong. Nhưng họ không muốn thế, năm lần bảy lượt tìm đến ông để thương lượng. Đường tốc độ cao mà cong thì không an toàn giao thông hay gì gì đấy, với cả không đảm bảo thiết kế đã được trình duyệt. Làng này, cứ từng cụm đồi quây quần nhà cửa, duy có mỗi hộ nhà ông chơ vơ giữa cánh đồng.

Ông Lẫm là người họ Dương duy nhất ở làng. Lúc hơn một tuổi, cậu bé Lẫm đã được mẹ bế đến đất này. Mong có một chỗ dựa ấm thân, người mẹ trẻ đã làm lẽ người đàn ông trung niên khá giả tên Thược. Ông Thược người họ Nguyễn đã có vợ và hai người con trai tên là Quyền và Bình, bà vợ ông khi ấy ốm liệt giường đã nhiều năm. Họ Nguyễn ở làng là một thế lực, có thời điểm lên đến hàng trăm đinh. Họ to, lúc yên ả thì không sao, lúc sóng gió thì cũng kinh khủng lắm. Và trong một biến cố lớn, cậu thanh niên Lẫm bị đánh bật khỏi vùng đồi giữa. Mang theo tấm chiếu và mấy cái nồi niêu, Lẫm tá túc ngoài vườn chuối của gia đình ở giữa đồng, trong một cái lều canh đồng rách nát. Nếu ông Thược thương Lẫm thì ông đã gọi Lẫm về. Nhưng ông ấy nói với mẹ Lẫm rằng nó có chân đi ắt có chân về. Giận mẹ không bao bọc được mình, chàng thanh niên Lẫm quyết không trở về đồi nữa. Sau nhiều năm tôn tạo, khu ruộng được nâng lên cao, thành vườn, nhưng vẫn chỉ là đất nông nghiệp và ông không thể xây nhà to nhà kiên cố lên đó.

Bây giờ, tỉ như con đường đi sượt qua ao hay qua khu vườn trồng rau thì không sao, ông lý gì chống đối. Nhưng đây nó căn chéo đất, sát vào chái nhà, hất bay khu chuồng trại. Mảnh vườn bị rạch làm đôi, nhà đã bé giờ còn bị vẹt hết bếp núc. Bà Kiền thì bảo con ông bà hai đứa, một trai một gái, đang “cày cuốc” dưới thành phố, phòng chúng nó thuê ở bé tin hin ra mà vẫn sống tốt. Tranh luận với đàn bà thì ngang với việc mình mặc quần lụa. Nhất nữa, bà Kiền nhà ông, người đơn giản từ suy nghĩ, đối nhân xử thế đến nếp sống hằng ngày. Ông cáu: “Bà không biết thì đừng nói. Đất nhà mình vuông, nhưng là vuông theo hướng chính Đông, còn con đường chạy chéo thế này là cắt đất nhà mình ra thành hai mảnh hình tam giác. Mà theo phong thủy thì tam giác là đất dữ, đất độc”. “Ôi dào, tôi chả hiểu phong thủy là cái gì. Ông bảo tôi đừng nói thì tôi thôi”.

Rồi bà hờn, bỏ về thành phố ở nhà trọ với con giai cả tuần để ông thui thủi một mình, thế thì ông không còn dám làm găng nữa. Nhưng quan điểm của ông là thế, là con đường sẽ lượn ra phía ao, đẹp cả đôi đường. Khổ nỗi, người trong làng không hiểu mô tê, họ đem chuyện đền bù ra đàm tiếu, rằng ông tham lam, muốn găng để đòi thêm tiền từ dự án, rằng ông dở, khư khư giữ những thứ phù phiếm. Quốc gia công thổ, Nhà nước mà “cáu” lên, thu hồi quyền sử dụng thì mất trắng. Chính ông Quyền, con cả cụ Thược còn nói, đất tam giác, nhưng mà là tam giác vàng, thế mà không biết hưởng. Ông nghe thấy hết, vừa ấm ức, bực bội, vừa thấy cay đắng trong lòng. Đôi lúc, muốn biết mình có còn minh mẫn không, ông thường hỏi con. Có lần, ông gọi điện hỏi thằng con trai về chuyện con đường thì nó bảo theo con, bố cứ để dự án lấy đất đi, dùng tiền đền bù, xem trong làng chỗ đất nào đẹp thì mua một mảnh bố ạ. Con biết bố nuôi hy vọng Nhà nước sẽ cấp sổ hồng cho bố trên khu đất mình đang ở, nhưng mà không bao giờ có chuyện đó đâu. Đất nông nghiệp rất khó chuyển đổi mục đích sử dụng. Bố cố mua đất rồi chờ vợ chồng con đôi năm nữa, con góp tiền cho bố xây nhà từ đường. Phải có đất bìa hồng chính thức thì mới nên xây từ đường hương hỏa bố ạ. Ông lại hỏi đứa con gái đã đi lấy chồng. Con ông bảo. Bố có nhớ là hồi xưa, những mùa mưa lũ, đồng làng mình bị lụt, giữa đồng nước mênh mông, mỗi vườn nhà mình cao, làng toàn buộc thuyền ở gốc vải nhà mình, đi tắt qua vườn mình để ra bờ đình không? Vườn mình khi ấy có hẳn một con đường mòn cho làng đi qua đấy thôi, mà mỗi khi trồng cấy gì, bố cũng né con đường ấy. Số phận mảnh vườn nhà mình là như thế rồi bố ạ. Ơ, cái con bé này, con đường mòn rộng chỉ nhảng chân*, khác với con đường bốn làn chứ. Nếu đúng như thiết kế dự án thì mất hơn bốn sào vườn đấy. Nhà mình chỉ còn hơn hai sào ở hai bên đường. Thế đã là tốt mà bố, bố đừng nghĩ nhà mình ở hai bên đường, đừng nghĩ đất nhà mình tam giác, mà bố hãy nghĩ có một con đường đi qua nhà mình, thế là đất nhà mình có hai mặt tiền. Nếu thiếu những con đường lớn như thế thì quê mình sẽ còn nghèo mãi. Đúng là con gái ông. Những câu nói của nó làm ông muốn khóc. Chỉ khác, nước mắt ông chảy ngược vào trong lồng ngực. Để không ai ở cái làng này biết, kể cả vợ ông. Sáng nay, nếu bà không mệt, không vùng vằng, thì ông đã nói chuyện rồi. Rằng chiều qua, ông đã gọi điện cho đại diện quản lý dự án để hẹn ngày làm việc. Chả gì, nhìn xung quanh, đường đã ra dạng, chạy từ hạ huyện tới tận xã trên rồi, đất đỏ tươi cán phẳng, chỉ còn khu vực nhà ông vẫn nguyên hiện trạng, chờ thương thảo.

Đang rửa rau thì ông Lẫm nghe tiếng bà Kiền la lối trong bếp. Ông bỏ cái kiểu vừa làm vừa nghĩ tần nghĩ hán đi, cháy nồi cá kho của tôi rồi. Tôi không nhờ ông được việc gì tử tế cả. Ông kho cá mà bật bếp đùng đùng thế thì có phen nhà cũng cháy chứ chả phải cá. Ông vội vàng đứng dậy, vẩy rổ rau cho ráo rồi bê vào bếp. Bà nhà ông đang chuyển cá kho sang cái nồi nhôm và cằn nhằn. May nồi gang, chứ nồi nhôm thì cháy xong cái đít nồi rồi. Ông Lẫm thấy mình lóng ngóng thừa thãi. Đứng xem bà làm có khi còn bị mắng. Ông đi lên nhà rồi lại đi ra sân. Người ta hẹn hai giờ chiều mà mãi giờ mới có mười rưỡi sáng.

46-1-.jpg

Trong bữa trưa, ông Lẫm như biết lỗi, mau mắn tự gắp vào bát mình cái đuôi cá bị cháy xém một góc. Bà lại giành lấy, gắp cho ông khúc giữa. Bà bảo đuôi cá trôi nhiều xương, ông mà ăn khéo hóc, khổ tôi. Già bạc đầu rồi mà bà vẫn xem ông như cháu nội bà thế đấy. Mấy lần ông định mở lời nhưng bà không nói gì cả. Cuối bữa bà mới nói. Mai sớm bên quê làm Chạp, cậu mợ làm luôn thượng thọ cho vãi. Chiều nay tôi sang giúp mợ sắp sảnh. Ông gật đầu. Thì bà cứ đi, mai tôi sang. Ông thấy bà nét mặt không vui nên đoán, chắc chắn, ở chợ có chuyện gì rồi. Tính bà nhà ông thế, luôn nhường nhịn chị em, láng giềng, chợ búa, kể cả con cái, nếu nhịn được là nhịn, chỉ có một phương ông là để cho bà có thể trút xả. Ông không muốn bà phải nhịn thêm ông nên hạn chế tranh luận. Việc đất cát, nếu nói ra lúc này, hoặc bà sẽ bảo tôi nói rồi, ông nghe tôi sớm thì bây giờ họ đã làm xong đoạn nhà mình, hoặc bà sẽ hất ra, kệ ông, đất của ông, ông muốn làm thế nào thì làm, tôi chỉ là kẻ ăn gửi ở nhờ... Chắc chắn là bà sẽ nói thế.

Ăn cơm xong, chỉ loanh quanh chốc nhát là bà đội nón lên và đạp xe đi. Ông cũng không kịp ngủ trưa mà vội vác thước ra vườn đo đạc lại, tính toán lại cho cụ thể. Đúng là con đường sẽ cách bức tường bếp này đúng hai mét. Nếu tính cả hành lang thì sẽ hết cả căn bếp. Nhưng thôi, nó cũ quá rồi. Cùng lắm thì tết này đun bánh ngoài sân. Bao nhiêu là công sức của ông bà để bồi đắp nên mảnh đất này. Người ta ở cao, người ta bạt đồi xuống cho thấp, còn ông bà đổ đất để tôn đầm lầy làm vườn, tôn vườn chuối làm nền nhà. Có lần bà trêu ông. Tại cái tên họ nhà ông đấy. Dương Tôn Lẫm, nghe thì rất oai nhưng suốt đời chỉ tôn tạo. Chiều nay, làm việc với ban dự án, nếu thuận là ông sẽ ký biên bản đền bù luôn vì dự án đã giải ngân mấy tháng rồi. Để chiều tối bà về, chắc bà vui vẻ, thoải mái hơn thì ông nói cả thể.

Muộn bà Kiền mới ra về. Tháng cuối năm, mới bảy giờ tối mà làng xóm đã yên như tờ. May còn có con đường bê tông chạy từ nhà văn hóa ra đồng nên bà cứ theo thói quen và quán tính mà đạp. Giá có cái đèn pin thì tốt hơn. Về đến nhà thì thấy ông Lẫm điện đóm giăng mắc, bật hết từ ngõ ra sân đến cả chuồng trại. Tưởng bà không về nên nản đây mà. Này ông, tôi thấy vườn nhà mình quang quang. Câu đầu tiên là bà nói thế. Ông biết bà hết giận, dù là giận vô cớ, thì ông cũng thấy lòng dễ chịu hẳn. Bà nhìn kỹ xem, tôi đánh đi bốn gốc đào và hai cây chanh, lại chả quang. Bà dắt xe vào bếp, ngạc nhiên. Đào đang làm nụ, ông đánh lên làm gì, nó chột đấy. Ông cười hì hì, đánh cho họ làm đường bà ạ. Chỉ bốn hôm nữa là máy họ tiến vào vườn nhà ta rồi. Nhà mình, họ đền bốn sào đất nông nghiệp, cả cây cối, chuồng trại nữa... được một cục tiền. Nhiều nhất làng đấy bà ạ. Cộng với tiền để dành, chúng ta không cần đến tiền của con mà vẫn xây được nhà to. Mấy hôm nữa họ gọi, tôi chở bà đi lấy tiền. Bà Kiền nắm chặt tay chồng run rẩy. Thật thế hả ông, sao nhiều thế? Tôi run hết cả người đây. Sao giờ ông mới nói hả?

Đêm, ông Lẫm giả vờ ngủ say. Biên bản đền bù ký rồi, lý gì mà tiếc. Nhưng nghĩ đến cảnh máy múc ngoàm hết cây cối, phăng phăng gạt chúng ra rệ, những cái cây ông chăm chút từng ly từng tí, là nước mắt ông ứa ra. Có phải cây gì cũng bứng ra chỗ khác được. Ông chỉ đủ đất cho những gốc đào đang đơm nụ hay cam chanh thôi. Còn những cây vải, cây nhãn, cây xoài to thế. Còn cả rặng xoan tơ, những cây cau tứ thời và những cây na. Chỉ thương chúng cũng không ngủ được, chứ nói gì đến tiếc đất cát bao năm gánh từng gánh, kéo từng xe về đổ xuống ao xuống đầm lầy. Nhưng mà, ngẫm đi ngẫm lại, thì con gái ông nói đúng. Ai cũng như ông thì chả có con đường nào trên mặt đất cả. Vì cái chuyện đất cát này mà ông và gia tộc Nguyễn xung đột gay gắt. Chả là ông Quyền, giờ là trưởng khu. Trưởng khu mà nói em mình không nghe thì còn nói ai. Đứa em gái cùng mẹ khác cha của ông thì làm cán bộ phụ nữ thôn. Nó tác động mãi ông chả nghe nó cũng chán. Chính vì thế mà non nửa năm nay, mấy người trong họ Nguyễn dường như không qua lại nhà ông, chỉ giáp mặt mới hỏi. Nên nhà ông, đã trơ trọi một mình giữa đồng, giờ thị phi còn vây quanh như một pháo đài kiên cố.

Chiều Ba mươi Tết, mấy mẹ con bà Kiền đang làm cơm tất niên thì ông Quyền phóng xe máy tới. Ông đứng nhìn con đường sơ bộ đã hình hài chạy qua vườn đất nhà ông Lẫm rồi đi vào nhà, mở cái cặp da, lấy ra một tờ giấy có dấu công chứng đỏ chót. Ông bảo em dâu: “Bà ra vườn gọi chú Lẫm vào đây”.

Khi tất cả đã yên vị trên ghế, ông Quyền đưa tờ giấy phô tô cho ông Lẫm và nói. Di chúc của bố đây. Chú đọc đi. Ông Lẫm đứng lên lấy cái kính trên nóc tủ ngoắc vào rồi đọc. Lát sau ông tháo kính ra, lau nước mắt, ngồi yên. Ông Quyền khi đó mới lên tiếng. Bố mất đến giờ đã hơn một năm. Nhưng bây giờ tôi mới công bố di chúc của bố là bởi bố dặn tôi vậy. Chúng ta có bốn anh em, ba trai một gái, bố không phân biệt con nào với con nào, ông đã cân nhắc kỹ để tất cả đều được hưởng sự công bằng. Tôi ở trên đất hương hỏa để thờ cúng tổ tiên họ Nguyễn. Chú họ Dương Tôn thì cũng phải có nơi chốn ổn định để chú và sau này là con trai chú thờ cúng họ Dương Tôn. Phần thừa kế của chú là khu đất chân đồi Vực hai cụ mua của nhà ông Cảng khi ông ấy chuyển vào Nam sống với con. Đất đó có bìa hồng, ngoài thổ cư còn có mảnh vườn gần ba sào. Ngày trước, hai cụ mua thì không đáng mấy tiền, nhưng giờ rất giá trị, mặt đường liên xã, nhìn ra đầm sen, sơn thủy hữu tình. Nhiều người muốn mua mà không được. Tôi nghĩ, số tiền được đền bù, cộng với khoản dành dụm được, chú thím có thể xây một căn nhà to đẹp trên đất đó. Tết xong, tôi và chú sẽ lên xã tiến hành làm thủ tục giấy tờ. Còn ngôi nhà này, tùy chú thím tính, nhưng lúc trẻ tôi không nói, giờ chú thím có tuổi rồi, ăn gió nằm sương không được nữa. Con cái thì ở xa. Đêm hôm trở trời trái gió, gọi được ai? Chú thím vào làng ở cho gần gựa anh em là hợp lý. Chỗ này cứ để là nơi trồng cấy chăn nuôi thôi. Còn chuyện này nữa, tôi cũng nói để chú thím biết thêm về ông cụ. Trước khi mất, ông cụ có nói với tôi rằng, ngày xưa, cụ không muốn làm khai sinh họ Nguyễn cho chú là vì muốn chú giữ lấy họ Dương, để sau này còn thờ cúng, làm giỗ cho bố đẻ. Bố đẻ chú là người đàn ông xấu số, bị cảm rồi qua đời ngay sau ngày cưới vợ một vài hôm. Bà cụ là người phụ nữ bất hạnh khi bị nhà chồng ruồng bỏ, xua đuổi vì cho rằng bà khắc mạng chồng. Ông cụ đã cho người tìm về tận quê nội chú ở cách đây mấy trăm cây số để tìm hiểu và biết được một điều hệ trọng, ấy là vào thời điểm chưa ai biết rằng chú sẽ có mặt trên đời thì bố chú là độc đinh. Bà Kiền nghe đến đó thì xin phép đứng dậy cho hai anh em nói chuyện để mình sắp mâm cơm cúng. Lòng rưng rưng nghẹn ngào. Chuyện đất cát là một phần. Quan trọng hơn là cái tình người được nối lại. Bao nhiêu lâu nay, như có tảng đá đè lên ngực, giờ có người nhấc hòn đá ra.

Bà Kiền bưng mâm cơm tất niên lên nhà rồi chạy ra vườn gọi ông. Từ xa, bà thấy hai cái đầu bạc lấp ló bên khóm bưởi diễn rụng tiệt lá, trơ những quả vàng óng ả. Họ đang vui vẻ trò chuyện và chỉ tay ra con đường sơ khai phủ một màu đất đồng tươi rói.

*Một cách đo khoảng cách của người địa phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường mới mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO