Nguồn tư liệu lịch sử hiếm
Ngược dòng lịch sử hơn 100 năm, việc quan trắc KTTV đã được tiến hành từ thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ 18) và cho ra đời những dữ liệu quan trắc KTTV đầu tiên của Việt Nam. Đến thời Pháp thuộc, một số trạm quan trắc hoạt động thường xuyên mà số liệu còn lưu trữ đến ngày nay ở Tổng cục KTTV. Sau năm 1954, công tác điều tra cơ bản KTTV của Việt Nam được phát triển một cách có hệ thống; hàng vạn trang tài liệu số liệu KTTV ở khắp nơi được gửi đều đặn hàng năm về Kho Tư liệu do Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV quản ly. Một số tài liệu lịch sử trước năm 1975 được lưu giữ ở Kho tư liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh do Đài KTTV khu vực Nam Bộ quản lý.
Ông Phạm Lê Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng thủy văn (KTTV) cho biết, dữ liệu khí tượng thủy văn trước năm 1955 ở miền Bắc, 1975 ở miền Nam không chỉ có giá trị trong việc nghiên cứu khí hậu qua các thời kỳ mà những tư liệu này bằng tiếng Pháp từ những năm 1880 còn có giá trị lịch sử quý giá.
Nhà Trạm Khí tượng Việt Nam trên Đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1952) |
Nhìn lại lịch sử cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền và quản lý hữu hiệu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp quy thuộc hai quần đảo vào các tỉnh đất liền, đặt quân đồn trú, xây cột mốc chủ quyền, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện trên hai quần đảo.
Tài liệu KTTV quan trắc tại trạm Khí tượng Hoàng Sa trong lịch sử do người Pháp bàn giao, tài liệu quan trắc trước năm 1975 và những chuỗi số liệu quan trắc trên quần đảo Trường Sa từ sau năm 1975 đến nay đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dựa trên những bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý vững chắc, khoa học và có tính thuyết phục. Dữ liệu lịch sử đó đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển khác trên biển Đông của Việt Nam.
Dữ liệu KTTV được quan trắc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt trong công tác phòng chống bão. Hiện nay, Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa là một trong những trạm tuyến đầu từ ngoài khơi truyền dữ liệu về đất liền. Số liệu ấy đã và đang góp phần phục vụ hữu ích cho công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế biển, khẳng định với thế giới về chủ quyền trên Biển đảo của Đất nước.
Khu làm việc và thiết bị máy móc của Trạm Khí tượng Hoàng Sa (ảnh chụp 1952) |
“Cả vùng Biển Đông rộng lớn, điều kiện nước ta chưa thể lắp đặt nhiều trạm KTTV trên biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì những số liệu thực tế được ghi nhận từ trạm Hoàng Sa và Trường Sa sẽ giúp cho các đơn vị nghiệp vụ có thông tin để dự báo chính xác hơn; từ đó điều chỉnh kịp thời các bản tin dự báo khi bão đang trên vùng biển Đông”, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV khẳng định.
Các loại tài liệu liên quan đến hoạt động quan trắc thời tiết tại trạm Khí tượng Hoàng Sa đang lưu trữ ở Đài KTTV Nam Bộ: Sổ quan trắc (1949 - 9/1973); Sổ trắc lượng (gió trên cao) 1951 - 1973; Giản đồ gió (1952 - 1973); Biểu CRQ (Biểu ghi quan trắc hàng ngày): 1941 - 1973; Biểu trắc lượng (1958 - 1973); Sổ Phân toán có dán giản đồ nhiệt, ẩm, áp, mưa (10/1947 - 9/1973).
“Cứu” tài liệu gốc KTTV
Bản ghi tài liệu gốc khí tượng thủy văn giúp chúng ta hiểu hơn về những biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu cực kỳ ẩm ướt của các đảo gần xích đạo, bộ số liệu quý giá đó có xu thế bị xấu đi và hư hỏng.
Trong khi đó, kho lưu trữ tài liệu của Tổng cục KTTV được hoán đổi từ nhà làm việc thành kho lưu trữ nên không đạt chuẩn kho lưu trữ theo quy định kho lưu trữ chuyên dụng khiến chất lượng tài liệu lưu trữ xuống cấp nhanh và giảm tuổi thọ tài liệu. Do vậy, để tránh các tài liệu có thể hỏng, xuống cấp và mất mát không thể tra cứu, việc cứu số liệu này là hết sức cần thiết.
“Việt Nam đang nỗ lực chạy đua cùng thời gian để cứu hàng triệu bản ghi tài liệu gốc khí tượng thủy văn đang bị huỷ hoại bởi thời tiết và thời gian nhất là các dữ liệu trước 1975”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, công tác cứu số liệu ở Việt Nam bắt đầu được thực hiện từ năm 2002 thông qua Dự án cứu số liệu do quốc tế tài trợ. Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV đã thực hiện việc cứu số liệu khí tượng do Cộng hòa Pháp chuyển giao năm 1986 với nội dung thực hiện gồm: Tài liệu khí tượng giai đoạn 1867-1925, đây là loại tài liệu “Báo cáo tháng” với 6486 trang tài liệu của 32 trạm; Tài liệu khí tượng giai đoạn 1950 - 1954, loại tài liệu “Sổ quan trắc” với 18192 trang số liệu khổ giấy A3 của 12 trạm.
Kho lưu trữ các dữ liệu KTTV |
Hiện nay, Tổng cục Khí tượng thủy văn đang lên các phương án “cứu” số liệu bằng cách xây dựng hệ thống lưu trữ, khai thác tài liệu KTTV điện tử; từng bước số hoá (Scan, tạo lập nội dung thông tin dữ liệu). Trong đó, ưu tiên số hoá các dữ liệu Khí tượng thủy văn trước năm 1955 ở miền Bắc, trước 1975 ở miền Nam.
Đơn cử như với tư liệu liên quan đến hoạt động quan trắc thời tiết tại Trạm khí tượng Hoàng Sa, tư liệu xưa nhất đã hơn 70 năm, hầu hết đã cũ. Để lưu giữ lại được những tư liệu quý giá này, Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã tiến hành số hóa, lưu trữ tư liệu trong các tập tin (cơ sở dữ liệu), phục vụ tốt cho việc lưu giữ lâu dài và khai thác sử dụng thuận lợi trong công tác dự báo và điều tra cơ bản.
Còn tài liệu giấy (tài liệu gốc) được bảo quản cẩn thận trong cặp da, sắp xếp trên kệ chuyên dụng và được lưu trữ trong kho tư liệu theo đúng quy định của Quy phạm lưu trữ tư liệu KTTV. Tư liệu được sắp xếp theo đúng quy cách, theo thứ tự thời gian, theo chủng loại tạo thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng và bảo quản. Kho tư liệu thông thoáng, có trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ công tác lưu trữ như máy điều hòa, máy hút ẩm, quạt thông gió, thiết bị báo cháy, thiết bị phòng cháy chữa cháy....
Ngành KTTV đang từng bước đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng các phương tiện làm việc cho công tác lưu trữ; đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác lưu trữ thông tin và dữ liệu KTTV. Song, để lưu giữ, quản lý dữ liệu có ý nghĩa lịch sử, trong thời gian tới, cần xây dựng một kho lưu trữ chuyên dụng hiện đại và phù hợp với tài liệu lưu trữ chuyên ngành.
“Để có thể dự báo KTTV phải sử dụng kết hợp số liệu quan trắc ở thời điểm quan trắc hiện tại (số liệu thời gian thực) cùng với những số liệu trong quá khứ (số liệu lịch sử, số liệu thời gian phi thực). Sau khi phục vụ dự báo, số liệu KTTV thời gian thực được lưu trữ để sử dụng cho rất nhiều các mục tiêu khác như: nghiên cứu, đào tạo, quản lý, quy hoạch, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng”, ông Hoàng Đức Cường Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết.