Cơ hội cho điện khí hóa lỏng

Khánh Vy| 21/01/2021 09:51

(TN&MT) - Từ năm 2022, Việt Nam sẽ bắt đầu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phục vụ nhu cầu sản xuất điện. Mặc dù được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi tiềm năng ở châu Á, nhưng các chuyên gia nhận định, không dễ để điện khí LNG tạo ra bước nhảy vọt mạnh mẽ như đã từng diễn ra trong lĩnh vực điện mặt trời thời gian vừa qua.

Định hướng phát triển điện khí

Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), năm 2020 vừa qua chứng kiến một “làn sóng” các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực điện khí tại Việt Nam. Sự quan tâm của giới đầu tư trở nên mạnh mẽ nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này giới hạn sự tăng trưởng của nhiệt điện than, chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí LNG cũng như hạ tầng nhập khẩu và phân phối khí.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng khí tự nhiên của Việt Nam hiện đạt khoảng 9 - 10 tỷ m3/năm. Trong đó, 80% sản lượng dùng để sản xuất điện, 11% cho sản xuất đạm và 9% là dành cho các loại hình công nghiệp khác. Dự báo đến năm 2022, sản lượng khí sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt khi Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi sang các dạng năng lượng phát thải thấp để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, hiện nay, vì nhiều lý do, tỷ trọng dự án điện khí còn tương đối ít, quy mô vừa phải nên đóng góp cùng với điện dầu chỉ chiếm khoảng 15% tổng công suất. Dự thảo mới nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (QHĐ8) đang đề xuất nâng công suất nhiệt điện khí đến năm 2030 đạt 28GW, tương đương 21% tổng công suất toàn hệ thống. Phần lớn trong số này dự kiến sẽ sử dụng LNG nhập khẩu.

Bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) cho biết: Để bù đắp nguồn cung trong nước thiếu hụt, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến 2025, định hướng 2035 đã đưa vào phương án nhập khẩu khí, cụ thể là sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhận LNG nhập khẩu từ 1 - 4 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2021 - 2025, và tăng lên 6 - 10 tỷ m3/năm giai đoạn 2026 - 2035. Theo Nghị quyết 55, hạ tầng cần đáp ứng nhập khẩu 15 tỷ m3/năm vào năm 2045.

Nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng phục vụ nhu cầu sản xuất điện. Ảnh: MH

Tháo gỡ dần vướng mắc

Sự sôi động của lĩnh vực này phần lớn đến từ các dự án gắn với các nhà đầu tư và nhiên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, cũng như các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đã bổ sung 9 dự án. Trong số này, 5 dự án đã có chủ đầu tư và có thể tiến đến bước đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Một số dự án lớn khác như LNG Long Sơn, LNG Cà Ná, LNG Long An và LNG Quảng Ninh vẫn đang lựa chọn nhà đầu tư.

Bà Ngô Thúy Quỳnh nhận định, các dự án điện khí LNG có vốn đầu tư lớn, đòi hỏi nhà đầu tư có năng lực tài chính và giàu kinh nghiệm. Đây là nguyên nhân khiến việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện khí bị kéo dài.

Một thách thức nữa là giá LNG phụ thuộc vào thị trường thế giới, vốn nhiều biến động và ảnh hưởng đến giá bán điện. Bên cạnh đó, cơ chế giá LNG và điện sử dụng LNG của Việt Nam chưa đầy đủ nên Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện. Khung pháp lý và cơ chế quản lý vận hành chuỗi điện khí của Việt Nam chưa tương đồng với quốc tế khiến quá trình đàm phán mua khí và nhập khẩu máy móc kéo dài.

Nghiên cứu của IEEFA cho thấy, giới đầu tư nước ngoài đã bày tỏ lo ngại khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư bắt buộc áp dụng luật Việt Nam để giải thích hợp đồng và không có quy định cụ thể về bảo lãnh Chính phủ đối với nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp nhà nước như EVN. Các dự án nhiệt điện khí LNG thuộc dạng Dự án điện độc lập IPP cũng sẽ phải tuân theo một hợp đồng mua bán điện mẫu và cạnh tranh trên thị trường bán buôn, chỉ được bao tiêu với số lượng hạn chế từ EVN.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chi phí biên của điện mặt trời, điện gió và các giải pháp pin tích trữ sẽ ngày càng giảm trong dài hạn, trong khi điều này không thể xảy ra với LNG và nhiệt điện khí LNG. Việc này ảnh hưởng đến tính khả thi và khả năng cạnh tranh của các dự án điện khí LNG với các loại hình điện tái tạo khác.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi khí điện LNG, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần cập nhật kịp thời các quy định, chính sách liên quan đến nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần ban hành bộ tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật an toàn về thiết kế, xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà đầu tư.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, hiện đang xây dựng dự thảo khung giá điện cho nhà máy điện LNG tại Việt Nam. Bộ cũng đang hoàn thiện QHĐ8 và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, trong đó có quy hoạch cơ cấu nguồn điện. Bên cạnh đó, Đề án Thị trường năng lượng cạnh tranh đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong thời gian tới. Đây sẽ là hành lang pháp lý cho các hoạt động nhập khẩu LNG và sản xuất điện khí LNG cho nhập khẩu LNG sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cho điện khí hóa lỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO