(TN&MT) - Phiên tòa phúc thẩm vụ án cô giáo nhiều năm đòi đất tại Hà Giang nhiều lần phải tạm hoãn để thẩm định lại. Trước đó, tòa phúc thẩm đã có kết quả thẩm định nhưng luật sư cũng như đại diện VKS đều cho rằng bản thẩm định chưa đảm bảo tính khách quan.
Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 18/9 của TAND tỉnh Hà Giang, Luật sư Trương Quốc Hòe (đại diện nguyên đơn là bà Phương) cho rằng việc thẩm định của tòa phúc thẩm chưa đảm bảo tính khách quan, vi phạm thủ tục tố tụng. Theo đó, luật sư đề nghị phải thẩm định lại.
Theo nội dung vụ án như Báo Tài nguyên & Môi trường đã đưa tin, bà Nguyễn Thị Thu Phương (giáo viên ở xã Việt Vinh, Bắc Quang, Hà Giang) khởi kiện về việc nhà bà bị lấn chiếm đất đai nhưng chính quyền địa phương và cơ quan pháp luật giải quyết không đúng quy định pháp luật.
Bà Phương cho hay, mặc dù cơ quan chuyên môn về đất đai đã chỉ rõ theo bản đồ và tài liệu, đất nhà bà Phương bị lấn chiếm nhưng UBND huyện Bắc Quang lại không coi đó là cơ sở mà lại ra quyết định theo 1 kiểu khác. Sau đó, tòa cấp sơ thẩm TAND huyện Bắc Quang lại đưa ra phán quyết vừa không giống UBND huyện, vừa khác hoàn toàn kết luận của cơ quan chuyên môn.
Tại tòa, luật sư Lê Đình Quyền (cũng bảo vệ quyền lợi bà Phương) và chính bà Phương lại cho rằng, không cần kết quả thẩm định nào nữa. Toàn bộ tài liệu, hồ sơ, báo cáo của Phòng TN&MT huyện Bắc Quang đã thể hiện quá rõ. 2 biên bản thẩm định tại chỗ mới đây hoàn toàn theo ý của cấp sơ thẩm. Buổi thẩm định không có mặt bà Phương.
Đại diện VKS thừa nhận buổi thẩm định thiếu bà Phương là chưa đảm bảo quyền lợi của bà Phương. Đại diện VKS đề nghị tạm dừng phiên tòa để thẩm định lại có sự chứng kiến của bà Phương.
Theo nội dung đơn kiện, gia đình bà Phương có mảnh đất bên cạnh QL2 do bố mẹ để lại và đã được cấp sổ đỏ vào năm 2001. Bên cạnh đất nhà bà là đất 1 gia đình khác với phần tiếp giáp ở giữa là mương nước. Người dân trước đây thường hay đi tắt, qua lại dọc theo con mương này. Từ khi 1 doanh nghiệp mua mảnh đất bên cạnh rồi đổ đất lấn chiếm, con đường mòn dọc theo mương mất dần, người dân vẫn giữ thói quen đi qua đây rồi đi luôn lên phần đất nhà bà Phương. Năm 2015, người dân trong thôn tự ý tổ chức làm đường bê tông nối dài và đi qua phần đất nhà bà Phương.
Điều bà Phương cho rằng rất vô lý là UBND và TAND huyện Bắc Quang phán quyết không hề dựa theo kết quả xác minh của cơ quan chuyên môn. Kết quả xác minh của Phòng TN&MT huyện Bắc Quang đã chỉ rõ, theo bản đồ về đất đai năm 1991, mảnh đất của nhà bà Phương đã bị lấn chiếm và con đường mòn trước đây nằm theo một đường thằng nhưng thực tế hiện nay đã bị nắn cong vào phần đất của bà Phương.
Bà Phương cũng cho biết, lô đất bên cạnh của doanh nghiệp Đào Tỉnh đã bị kết luận là cấp sổ đỏ sai diện tích và bị thu hồi để cấp lại vì lấn ra ngoài. Theo bà, phần mương nước (cũng là con đường mòn của người dân) phải nằm trên phần đất đã bị doanh nghiệp này lấn chiếm. Đáng lẽ tòa phải yêu cầu doanh nghiệp trả lại phần đường này cho dân chứ không phải là nắn còn đường đi vào phần đất nhà bà.
Biên bản thẩm định của TAND tỉnh Hà Giang thiếu sự tham gia của đại diện Phòng TNMT huyện Bắc Quang và chính bà Phương là nguyên đơn. Tuy nhiên biên bản cũng xác định đất của doanh nghiệp Tỉnh Đào đã lấn vào phần mương (là đường mòn trước đây của người dân). "Vậy nhưng Hội đồng thẩm định lại cho rằng con đường bê tông uốn cong là đường đi chung từ lâu năm là không chính xác." - Bà Phương nói. Bởi theo bà Phương, so sánh bản đồ năm 1991 và hiện trạng, mặt trước đất nhà bà Phương đang bị thiếu hụt 3,7m theo GCNQSD đất.
Bà Phương không hiểu chính quyền huyện và cơ quan tố tụng dựa vào cơ sở nào trong khi nhìn vào bản đồ có thể thấy sờ sờ con đường mòn thẳng tắp nay đã bị nắn cong vào phần đất nhà bà. Các cơ quan này cũng không hề dựa vào kết luận xác minh của Phòng Tài nguyên & Môi trường, cơ quan có chuyên môn quan trọng nhất trong việc quản lý đất đai.
Sau khi bị các đương sự tại tòa cho rằng bản thẩm định thiếu khách quan, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Hà Giang lại một lần nữa phải hoãn tòa để thẩm định lại hiện trạng đất đai.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...