Chuyên gia hiến kế tìm giải pháp cải thiện môi trường nước hồ chứa

02/12/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 02/11, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: “Các vấn đề môi trường nước tại hồ tự nhiên, hồ chứa và biện pháp ứng phó”

   
(TN&MT) -  Ngày 02/11, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Marshima Aqua System (Nhật Bản) đã tổ chức Hội thảo: “Các vấn đề môi trường nước tại hồ tự nhiên, hồ chứa và biện pháp ứng phó”. Đây là dịp để gần 50 nhà khoa học, chuyên gia về nước, thủy lợi và môi trường nước của Việt Nam cũng như nước ngoài cùng tìm giải pháp cải thiện môi trường nước của hệ thống hồ tự nhiên, hồ chứa Việt Nam.
   
  Báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện có gần 7.000 hồ tự nhiên và hồ chứa, trong đó có gần 300 hồ thủy điện. Các hồ chứa được xây dựng với chức năng đa mục tiêu như: phát điện, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, du lịch…
   
   
Quang cảnh hội thảo
   
  Tuy nhiên, với những tác động của biến đổi khí hậu, chế độ thủy văn dòng chảy phức tạp, sự phân bố dòng chảy không đồng đều giữa các mùa. Ngoài ra, sự can thiệp của con người, nhu cầu dùng nước để phát triển kinh tế ngày càng lớn, nguy cơ ô nhiễm cạn kiệt ngày một tăng, môi trường sinh thái nước tại các hồ chứa ngày càng bị đe dọa… đòi hỏi cần có các giải pháp phù hợp để bảo vệ môi trường hệ thống hồ chứa.
   
  Nhóm phóng viên báo điện tử tainguyenmoitruong.com.vn xin tường thuật lại những ý kiến, kiến nghị cũng như giải pháp mà các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra nhằm góp thêm tiếng nói vào công việc bảo vệ môi trường hệ thống hồ chứa quan trọng này.
GS.TS Trần Đình Hòa
    
GS – TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam:  “ĐỊA PHƯƠNG PHẢI LÀM CHỦ CHẤT LƯỢNG NƯỚC HỒ CHỨA”. 
   
  Tôi cho rằng, đây là vấn đề khá nan giải đòi hỏi những giải pháp mang tính lâu dài, bền vững. Muốn vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, các Viện nghiên cứu… cần tổ chức nhiều buổi hội thảo, trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia các nước tiên tiến để thông qua đó đúc rút, học tập được nhiều kinh nghiệm từ nước bạn. Đặc biệt, tôi nghĩ các nhà quản lý cần hiểu và làm chủ được vấn đề suy giảm chất lượng nước và môi trường tại các hồ chứa.  
   
  Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, các địa phương, các doanh nghiệp đang quản lý, vận hành hệ thống hồ chứa, hồ tự nhiên cần tiếp cận các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng công trình, thực hiện tưới tiết kiệm, quản lý rủi ro thiên tai và đảm bảo an toàn hồ đập. Ngoài ra, việc địa phương được đầu tư, biết làm chủ những thiết bị và các giải pháp cải thiện chất lượng nước tại các hồ chứa là hết sức quan trọng…
   
   
Ông Fukuju Shinya
Ông Fukuju Shinya - Kỹ sư trưởng Công ty Nikken Sakkei Nhật Bản: “CẦN KIỂM SOÁT CHẶT NGUỒN NƯỚC CHẢY VÀO HỒ”.
    
   Tôi cho rằng đập hồ Trông (thủy điện Hòa Bình) là hồ phù hợp để triển khai các dự án phát triển thí điểm bởi đây là hồ xuất hiện hiện tượng giảm hàm lượng oxi hòa tan trong nước. Hơn nữa, cần phải có kế hoạch sử dụng nguồn nước từ hồ để làm nước sinh hoạt, chính vì vậy, việc giải quyết các vấn đề ở hồ Trông là việc làm vô cùng cấp thiết.
   
  Sau khi khảo sát các vấn đề về môi trường nước ở đập Trông, tôi đề xuất một số giải pháp để giải quyết các vấn đề này như: Kiểm soát các chất chảy vào hồ bằng cách xử lý nước trước khi vào hồ (giải pháp cứng) và đưa ra các quy chế, quy định sử dụng đất…(giải pháp mềm) và một số giải pháp khác mang tính vật lý, kỹ thuật sinh học và sử dụng hóa chất.
   
  Qua quá trình triển khai dự án tôi nhận thấy dự án đập hồ Trông đã thu được những kết quả và dữ liệu rất tốt. Vì vậy, việc thực hiện thí điểm dự án đập hồ Trông góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường nước tương tự ở các hồ chứa nước khác ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiếp Tân
     
    
Ông Nguyễn Tiếp Tân – Chủ tịch HĐQT Cty CP khai thác công trình thủy lợi Dầu Tiếng: “PHẢI CƯƠNG QUYẾT XOÁ SẠCH CÁC HÀNH VI GÂY Ô NHIỄM”. 
    
   Cũng như các hồ chứa khác, hồ Dầu Tiếng có vai trò vô cùng quan trọng vì đây là hồ cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho 4 tỉnh, thành: TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương và Long An. Ngoài ra, hồ là nơi điều tiết lũ, xả mặn xuống sông Sài Gòn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường du lịch và điều hoà khí hậu cho vùng.
    
   Tuy nhiên, lâu nay hồ Dầu Tiếng bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân như: hành vi xả nước thải của các nhà máy xản xuất công nghiệp, các trại chăn nuôi và các hộ dân sống ven hồ; hiện tượng nuôi cá lồng bè trong hồ và chăn nuôi, thả gia súc trên mặt hồ của một số hộ dân; những hộ trồng sắn, lạc,… trên đất bán ngập gây cày xới, xói mòn đất và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ra tình trạng ô nhiễm nước hồ.
    
   Để hạn chế tình trạng ô nhiễm này, theo tôi bên cạnh việc phối hợp quản lý hồ giữa công an hồ nước và chính quyền địa phương thì còn cần phải có những biện pháp cương quyết. Theo đó, trong thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường hồ cho người dân sống quanh hồ thì chúng tôi cũng đã giám sát, kiểm tra chất lượng nước, hệ thống xử lý nước, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương cương quyết xoá sạch các trường hợp nuôi cá lồng bè và chăn thả gia súc…
   
   
TS Ngô Xuân Nam
TS Ngô Xuân Nam, Giám đốc Trung tâm Sinh thái và Bảo vệ hồ chứa nước – Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình: “NÊN HUY ĐỘNG SỨC MẠNH CỘNG ĐỒNG”.
    
   Theo tôi, các hồ chứa ở Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiện và sinh thái cảnh quan, không chỉ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, các hổ dưỡng còn là nơi nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, cải tạo tiểu khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường trong lưu vực hồ. Tuy nhiên, hầu hết môi trường nước tại các hồ chứa ở Việt Nam có dấu hiệu bị ô nhiễm vô cơ, hữu cơ, có hiện tượng kỵ khí, ô nhiễm do tảo độc. Trong đó đặc trưng là hiện tượng phú dưỡng, gây ra tình trạng tảo độc bùng phát.
   
  Ở Việt Nam, các biện pháp xử lý ô nhiễm còn hạn chế như: Giăng lưới gom tảo chết trên bề mặt hồ, vớt rác, vét các hồ lắng, thả cá mè xuống hồ, trồng thực vật. Tuy nhiên, đây chỉ là một số giải pháp tình thế nên kết quả không rõ rệt.
   
  Vì vậy, tôi đề xuất một số biện pháp nhằm cải thiện môi trường nước hồ chứa tại Việt Nam như: Sử dụng bè thực vật thủy sinh để xử lý ô nhiễm nước tại các hồ chứa; sử dụng phần đất trồng cạnh hồ thủy lợi để xây dựng hệ thống lọc ngập nước; sử dụng thiết bị sục khí tầng sâu…
   
Bài và ảnh:Việt Hùng – Mai Đan
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia hiến kế tìm giải pháp cải thiện môi trường nước hồ chứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO