Thời gian qua, khu vực ngoại thành Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 8 lần so với cấy lúa. Điển hình, tại Tàm Xá (huyện Đông Anh), đến nay địa phương này đã chuyển đổi hơn 100ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó có hơn 55ha trồng quất cảnh tại vùng bãi ven sông, cho thu nhập bình quân khoảng 1,7 tỷ đồng/ha/năm. Chủ tịch UBND xã Tàm Xá Hoàng Hữu Vân cho hay, tổng thu nhập từ trồng cây quất cảnh trên địa bàn xã đạt từ 70 đến 80 tỷ đồng/năm.
Phát huy lợi thế, nhiều xã của huyện Đông Anh cũng tích cực chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng hiệu quả kinh tế cao. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 1.743ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn và trang trại chăn nuôi tổng hợp, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện bình quân đạt 2.441 tỷ đồng/năm.
Tại Đan Phượng, trên cơ sở quy hoạch, năm 2018, huyện tiếp tục chuyển đổi hơn 87,3ha đất trồng lúa sang trồng hoa, cây ăn quả, dược liệu, rau an toàn... Bước đầu, diện tích chuyển đổi cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 3 đến 7 lần, tùy loại cây trồng.
Tương tự, nhiều diện tích đất nông nghiệp của huyện Chương Mỹ cũng đã chuyển từ trồng lúa sang cây ăn quả. Đơn cử, xã Nam Phương Tiến, sau dồn điền, đổi thửa được 360/415ha đã quy hoạch chuyển đổi gần 64ha sang nuôi trồng thủy sản, 150ha trồng cây ăn quả, chủ lực là cây bưởi Diễn. Trong đó có 50ha trồng bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cây bưởi Diễn trên đồng đất Nam Phương Tiến đã mang lại thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng/ha/năm...
Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã chuyển đổi gần 14.500ha đất trồng lúa sang cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, một số vùng đã hoặc đang quy hoạch chuyển đổi trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, tại huyện Đan Phượng, có 7 xã thuộc vùng bãi sông Hồng, thay vì trồng cây ngắn ngày, như ngô, đậu, chuối... chuyển sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng do nằm trong vùng thoát lũ nên một số diện tích chưa thể triển khai ngay mà phải chờ đánh giá của Bộ NN&PTNT.
Một số địa phương có nhu cầu chuyển đổi đất lúa sang phát triển trang trại, nuôi trồng thủy sản cũng gặp khó khăn. Cụ thể, Thông tư số 19/2017/TT-BNNPTNT (của Bộ NN&PTNT về "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai") quy định: "Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản: Cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa”. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, quy định về diện tích và độ sâu như vậy không bảo đảm tiêu chuẩn cho nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, có đầu tư cơ sở nuôi hiện đại…
Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, đến nay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản được thực hiện theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Còn một vài địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát điều chỉnh, bổ sung và định hướng cho các địa phương trong chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.