Xã hội

Chương Mỹ (Hà Nội): Tổng lực sát cánh cùng người dân ứng phó, khắc phục thiên tai

Anh Khôi 11/09/2024 - 10:03

Nước sông Bùi tiếp tục dâng, vượt báo động lũ cấp III, lực lượng vũ trang và các cấp chính quyền, người dân trên địa bàn vùng rốn lũ Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thủy Xuân Tiên, Thanh Bình… đang dồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3, vừa khẩn trương, chủ động sơ tán người và tài sản.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ ngập lụt ở vùng trũng rất lớn, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát; đồng thời sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn.

Tổ chức triển khai ngay tới người dân ở khu vực ven sông, ngập úng biết để chủ động phòng, tránh, di dời, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản, nhất là tập trung tuyên truyền, triển khai đến các khu vực có nguy cơ cao như vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ... không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

ld2.jpg
Lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ kiểm tra, động viên lực lượng ứng trực phòng chống lũ

Kiên quyết thực hiện sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn tại khu vực có địa hình trũng thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; thực hiện biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết những đối tượng yếu thế như người già, phụ nữ mang thai, trẻ em ra khỏi vùng nguy cơ mất an toàn, vùng nguy hiểm, với quan điểm “an toàn người dân là trên hết”; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, không bỏ sót người dân.

Có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất dễ cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an ninh chính trị, an toàn về điện.

Thực hiện trực 24/24, tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng, chống lũ khác, đảm bảo vận hành an toàn; kịp thời phát hiện, xử lý sự cố về đê điều: sửa chữa, gia cố ngay các vị trí xung yếu, hư hỏng; thực hiện phong tỏa các khu vực nguy hiểm; nghiêm túc cắm biển cảnh báo, phân công canh gác 24/24 tại những đoạn đường, đoạn đê bị ngập, khu vực có nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm, không để người dân tắm, đánh bắt cá, vớt gỗ... trên sông; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra.

5.jpg
Các lực lượng vu trang luôn sát cánh cũng bà con vùng lũ

Các đơn vị quân đội, công an và các lực lượng khác duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, hỗ trợ công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn người dân tại các khu vực nguy cơ mất an toàn, khu vực nguy hiểm. Tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và tài sản; thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân trong khu vực bị ngập đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất xử lý môi trường để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Tổ chức các đội y tế lưu động sẵn sàng khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng; phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong và sau mưa lũ. Bảo đảm đủ nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân.

3(1).jpg
Các xã huy động lực lượng cùng nhân dân đắp đê ngăn lũ

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình mưa lũ đến người dân; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình mưa lũ, các biện pháp phòng tránh, ứng phó đến người dân thông qua các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội chính thống. Giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy định hướng thông tin tuyên truyền; giao Đảng ủy Công an huyện chỉ đạo, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Thực hiện việc tiếp nhận sự ủng hộ, hỗ trợ của các nhà hảo tâm tại trụ sở UBND xã, không đi vào các khu vực ngập úng nguy hiểm.

8.jpg
Lực lượng chức năng di dời, sơ tán người dân tới nơi an toàn

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, củng cố các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã được phê duyệt; đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống mưa úng. Đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão, ngập úng thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, UBND huyện và trước pháp luật.

Để phòng thiệt hại do mưa lớn, lũ lụt gây ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện khuyến cáo: Người dân trong huyện, đặc biệt người dân sống ở nơi có địa hình thấp trũng, ảnh hưởng lũ rừng ngang lưu ý: Trước khi xảy ra mưa lớn, người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi đang sống để chủ động đối phó; chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ lên cao. Dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.

Trong khi xảy ra mưa lớn, người dân cần theo dõi, cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt. Khi có cảnh báo lũ, lụt, sạt lở đất, người dân cần tránh xa các khu vực bị ngập lụt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngay cả khi nước đang rút. Không đi bộ, bơi lội, vớt củi, đánh cá hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết, không di chuyển qua các vùng đang sạt lở, có nguy cơ sạt lở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương Mỹ (Hà Nội): Tổng lực sát cánh cùng người dân ứng phó, khắc phục thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO