Bởi vậy nên, đời sống của Trái Đất cũng chính là đời sống của ta, tương lai của Trái Đất cũng chính là tương lai của ta. Kể cả khi đã đạt được khát vọng chinh phục mặt trăng và các hành tinh khác thì cho đến giờ phút này, mọi phát hiện, nghiên cứu vẫn đều dẫn đến kết luận rằng, không gì có thể thay thế mẹ Trái Đất; không đâu mang lại sự sống tươi đẹp và rực rỡ; ấm áp và thú vị; bao dung và ôn hòa như bà mẹ Trái Đất của chúng ta; như cái cách mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải thốt lên: Duy chỉ có hành tinh xanh này là một cư trú tuyệt vời nhất.
Thế nhưng, tất cả những thứ đẹp đẽ đó đã và đang bị con người xem nhẹ.
Thay vì trả ơn, chúng ta đang đặt những bàn chân thô bạo lên mẹ Trái Đất. Và can thiệp vào đó bằng tham vọng của con người với những cuộc chạy đua phát triển, gạt ra ngoài hậu họa song hành. Kể cả súng đạn, ở một số quốc gia, nó không mang mục đích tự vệ mà có mùi thôn tính. Hậu quả của nó là các cuộc tàn sát sự sống và tạo ra vô số áp lực lên môi trường.
Thế nhưng, đổ lỗi cho chiến tranh để quên đi sự vô tâm khác của con người cũng độc ác không kém gây ra một cuộc chiến tranh. Bởi sự đa can thiệp của con người vào môi trường đã vượt quá những gì cho phép.
Áp lực mà không phải ai cũng nhận biết đó là tác động của khí thải do chuỗi hoạt động của con người và các tác nhân khiến nhiệt độ toàn cầu đang nóng lên, băng tan, nước biển dâng, bão lũ, xâm nhập mặn. Giảm phát thải khí nhà kính để hạn chế sự gia tăng nền nhiệt trái đất đôi khi như một dự lệnh mơ hồ. Nhưng tuyết đã bớt rơi tại miền Bắc cực và loài chim cánh cụt đang bị thu hẹp môi trường sống thì hiện hữu, cũng như chúng ta đang đối phó với một làn sóng suy giảm đa dạng sinh học. Đối trọng với sự suy giảm ấy là sự gia tăng dân số ở con người. Nếu cán cân không được dung hòa, một ngày không xa, e rằng, chính con người sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh với hệ sinh thái mà mình đang ký thác.
Con người đang cố tạo cho mình một cuộc sống hiện đại. Con người đang tận hưởng một cách lạm dụng những đặc ân mà bà mẹ Trái Đất ban tặng. Con người đang vô tâm trước sức chịu đựng của Trái Đất. Con người đang gây ra vô số thảm họa và đổ cho kẻ tội đồ mang tên biến đổi khí hậu mà không thừa nhận rằng, chính con người là tác nhân tạo nên quái vật này. Đến một ngày, tất cả những thảm họa chúng ta vô tình gây ra đều có thể liên kết lại và đẩy Trái Đất, trong đó có chúng ta vào một cuộc tuyệt chủng không cứu vãn.
Công cuộc bảo vệ môi trường, giờ đây phải cần một nền tảng đạo đức, như cái cách mà một số các Quốc gia đã thực hiện, tuyên bố, cam kết, mà COP26 gần đây nhất là một điển hình. Chúng ta phải ngồi lại với nhau để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân và đang phải đương đầu. Phải thấy được hậu họa không biên giới của biến đổi khí hậu, cũng như suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên và cuộc khủng hoảng về môi trường. Những thách thức khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến tất cả, bắt buộc chúng ta phải lưu tâm đến toàn nhân loại, phải đặt lợi ích chung của thế giới lên trước hết. Đó là tất cả những gì thuộc về nền tảng của sự sống còn của chúng ta.
Vậy nên, bài học mà chúng ta phải học lại từ đầu, đó là chúng ta phải thương yêu lẫn nhau và liên kết lại để yêu Trái Đất của mình, nếu như chúng ta không muốn rơi vào tuyệt vọng.
Và như thế, lời khẩn cầu “Trái Đất cần chúng ta”, giờ đây phải được hiểu thêm ở chiều ngược lại: “Chúng ta cần Trái Đất”!