Chưa hết lo với thuốc bảo vệ thực vật

07/06/2018 10:20

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong canh tác nông nghiệp không chỉ gây lãng phí ngân sách, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, đặc biệt là sức khỏe cộng đồng.

Làm thế nào để hạn chế, tiến tới xóa bỏ dần thói quen sử dụng thuốc BVTV là vấn đề rất được quan tâm.

Hà Nội tiết kiệm 200 tỷ đồng/ năm          

Theo số liệu điều tra của Chi cục BVTV Hà Nội, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn TP trong các năm 2014, 2015, 2016, 2017 lần lượt là 251 - 287 - 316 - 265 tấn. Chi phí hàng năm cho thuốc BVTV của người nông dân Hà Nội từ 40 - 45 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng khoảng 1/3 chi phí trung bình của cả nước. Bên cạnh đó, lượng thuốc BVTV sử dụng cho 1 ha canh tác nông nghiệp tại Hà Nội chỉ từ 1,6 - 2kg (thấp hơn từ 5 - 6 lần so với mức bình quân của cả nước là 10kg). Điều này giúp Hà Nội tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng/năm.

chua het lo bvtv
Nông dân huyện Sóc Sơn phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, dù tổng lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn TP thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước, nhưng tại một số địa phương tỷ lệ này còn rất cao như các huyện: Mê Linh, Hoài Đức, Đông Anh, Ba Vì… Nguyên nhân do chưa có quy định chặt chẽ về đăng ký tên thuốc nên số lượng tên thương phẩm thuốc BVTV vẫn rất nhiều khiến bà con nông dân gặp khó trong lựa chọn chủng loại hợp quy, được Nhà nước cho phép lưu hành, sử dụng. Số lượng thuốc BVTV tăng nhanh, trong khi công tác quản lý còn chồng chéo, bất cập về thủ tục. Danh mục thuốc BVTV cũng đang bị mất cân đối, khi phần lớn sản phẩm dùng cho cây lúa. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến nông hiện còn rất hạn chế, nhất là các lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) khiến phần lớn người nông dân vẫn lệ thuộc nhiều vào thuốc BVTV…

Tăng cường tập huấn cho nông dân

Thực tế cho thấy, việc tham gia các lớp học đồng ruộng về IPM có ý nghĩa rất tích cực trong thay đổi nhận thức của người nông dân. TS Jonathan Pincus - đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam đã từng có nghiên cứu về những thay đổi trong thói quen sử dụng các loại hóa chất của nông dân trước và sau khi tham gia các lớp học đồng ruộng về IPM. Kết quả cho thấy, người nông dân ở Hà Nội đã giảm lượng sử dụng thuốc BVTV từ 1,1 lần xuống còn 0,2 lần/ vụ. Trong đó, lượng thuốc trừ sâu giảm đến 80%. Số thửa ruộng không sử dụng thuốc BVTV tăng từ 40% lên 82%.

Để hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng đề án “Tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn 2020 - 2030” bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Cùng với quy định chặt chẽ hơn về đăng ký tên thuốc, cần sớm ban hành thông tư quy định chức năng quản lý Nhà nước về thuốc BVTV của phòng kinh tế hoặc phòng NN&PTNT các tỉnh, TP. Ông Tường cũng thông tin thêm, đối với TP Hà Nội, thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức nông dân sản xuất theo nhóm liên kết; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. “TP cũng sẽ nghiên cứu, quy trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm cho các cấp chính quyền nhằm nâng cao vai trò quản lý, chỉ đạo của các đơn vị hành chính…” - ông Tường chia sẻ.
 

 Theo thống kê, trong vòng 5 năm qua, đã có 1.024 tên thương phẩm bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Bộ NN&PTNT phấn đấu năm 2018, tiếp tục giảm 30% số lượng tên thương phẩm thuốc BVTV, đồng thời, tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa hết lo với thuốc bảo vệ thực vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO