Ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin |
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản mới đây tại Hà Nội, ông Đỗ Tuấn Diệp - đại diện Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: Mặc dù, ảnh hưởng của công tác san gạt đất đá để làm đường và làm nền cho các công trình khoan không lớn nhưng chúng ta cũng phải lưu ý. Việc thi công cần nghiên cứu kỹ, tìm mọi biện pháp khắc phục, hạn chế làm ảnh hưởng xâm hại môi trường.
Hơn nữa, trong quá trình thi công các hóa phẩm, dung dịch khoan, thải xăng dầu kết hợp với sinh hoạt của người lao động trên công trường, nếu không có biện pháp khắc phục sẽ có thể chảy, vương vãi gây ô nhiễm môi trường, hoặc do thiếu trách nhiệm có thể gây cháy rừng, chặt phá rừng.
Đối với cảnh quan thiên nhiên, hầu hết các công trình khoan thuộc đề án thăm dò địa chất khu mỏ Hà Ráng đều nằm ở phần diện tích có rừng trồng và rừng tái sinh. Việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên là vấn đề mọi người quan tâm vì nó mang lại vẻ đẹp, nguồn sức sống của con người vùng mỏ.
Cần chú trọng dự báo các tác động đến môi trường trong thăm dò khoáng sản. Ảnh minh họa |
Để chủ động ứng phó với các tình huống trên, Công ty VITE đã lên kế hoạch cụ thể và dự kiến các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường. Theo ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin, đối với môi trường, công ty cần nghiên cứu kỹ các vị trí đường nền cần mở sao cho ngắn nhất; cố gắng nghiên cứu tổng hợp để vị trí thiết kế các lỗ khoan thăm dò vừa đạt được mục tiêu nhiệm vụ Địa chất của đề án vừa đảm bảo được điều kiện thi công và yêu cầu bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, vấn đề đặt ra khi chọn tuyến đường và vị trí lỗ khoan phải ở nơi tương đối bằng trong khu vực để đất đá san gạt không lăn xa; sử dụng tối đa những đoạn đường đã có, gạt nền đường đúng quy định, không mở rộng quá gây ảnh hưởng lên bề mặt địa hình, ảnh hưởng đến cây trồng hoặc rừng tự nhiên.
Đồng thời, sau khi thực hiện xong các yêu cầu nhiệm vụ, cần tái tạo lại môi trường bằng mọi cách. Xác định diện tích bồi thường thiệt hại những vị trí công trình đi qua gây ảnh hưởng tới thảm thực vật. Trồng lại cây cối ở những vị trí bị san lấp.
Ngoài ra, trong quá trình thi công phải tạo hố lắng để chứa dung dịch thải. Nghiên cứu biện pháp tái sử dụng dung dịch, hạn chế đến mức thấp nhất sự vương vãi của dung dịch, các hoá phẩm, thải xăng dầu gây ảnh hưởng tới nguồn nước, môi trường.
Bên cạnh đó, các công trình tạm thời như nhà ở công trường, nhà về sinh, bếp công trường phải bố trí ở những vị trí phù hợp không gây ảnh hưởng đến diện tích rừng, cây trồng. Tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm của người lao động trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm cây rừng như đốt, chặt phá cây rừng...
Ông Nguyễn Hoàng Huân cho rằng, các lỗ khoan sau khi kết thúc thi công phải lấp đầy bằng gen xi măng để bảo vệ tài nguyên và an toàn cho khai thác sau này.
Phó Giám đốc Công ty VITE cho biết, trong quá trình thi công các lỗ khoan, các hợp chất dầu, mỡ dung dịch khoan sút (NaOH) và các chất khác thải ra môi trường, dù khối lượng ít nhưng vẫn phải tuân thủ quy định công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường của Tập Đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ban hành.