TP Sơn La: Đồng bộ giải pháp quản lý tài nguyên khoáng sản
(TN&MT) - Những năm qua, thành phố Sơn La đã giao các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản chưa khai thác.
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, thành phố Sơn La có 9 mỏ khoáng sản đã được quy hoạch, gồm: 5 mỏ đá xây dựng; 1 mỏ sét gạch, ngói; 3 mỏ đất san lấp. Đến nay, có 5 mỏ đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, trong đó, 3 mỏ đang hoạt động, 2 mỏ đã dừng hoạt động do hết thời hạn giấy phép.
Để chủ động bảo vệ tài nguyên khoáng sản, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã tổ chức lễ ký cam kết nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, phường với Chủ tịch UBND thành phố trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến các tổ chức, nhân dân khu vực có khoáng sản, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động khoáng sản.
Theo lãnh đạo UBND thành phố, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Công tác quy hoạch các điểm mỏ khoáng sản đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở ngành liên quan.
Từ năm 2021 đến nay, UBND thành phố đã ban hành 38 văn bản, kế hoạch, công văn chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định. Yêu cầu các phòng ban, đơn vị có liên quan, các xã, phường thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản. Kịp thời phát hiện tình hình hoạt động khoáng sản trái phép để chỉ đạo các lực lượng tại địa phương ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định.
Hàng năm, UBND thành phố luôn phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong 2 năm 2023-2024, đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với 2 đơn vị, tổng tiền phạt trên 700 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chính gồm: Khai thác mỏ không đúng thiết kế, vượt phạm vi ranh giới, chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai…
Trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND thành phố đã chú trọng triển khai các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo phương án đã được phê duyệt. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, các xã, phường đã kịp thời kiểm tra, xử lý, không để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Nhìn chung, đến nay, các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản đã cơ bản tuân thủ nghiêm các quy định của nhà nước về pháp luật đầu tư, đã lập dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường.
Các dự án khai thác khoáng sản đã quan tâm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đề án đã được thẩm định, phê duyệt. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội các khu vực có khoảng sản cơ bản ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra trong những năm gần đây.
Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ các điểm mỏ khoáng sản, huy động sự chung tay của người dân tham gia giám sát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Giao các phòng ban chuyên môn tiếp tục rà soát các điểm mỏ khoáng sản để đề nghị bổ sung vào Quy hoạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ khoáng sản tại các khu vực có mỏ khoáng sản.
Làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng khai thác, vận chuyển, tập kết, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, phường trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là với tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.