SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) Bùi Quốc Khánh: Kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thuận lợi trong quá trình giải phóng mặt bằng

Hoàng Nghĩa 02/11/2023 11:24

(TN&MT) - Theo ông Bùi Quốc Khánh – Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rất chi tiết những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia. Như vậy sẽ thuận lợi trong quá trình giải phóng mặt bằng, phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng, quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013, địa phương đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, quy định về hạn mức sử dụng đất: Luật Đất đai năm 2013 giới hạn diện tích đất cho mỗi hộ gia đình, hoặc cá nhân khi được Nhà nước giao đất. Những quy định này nhằm đảm bảo bình đẳng về tiếp cận đất đai giữa những người dân nông thôn, nhưng dẫn đến hạn chế khả năng tích tụ đất đai và gây trở ngại cho đầu tư dài hạn.

Đất đai manh mún có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, làm giảm năng suất cây trồng, làm tăng sức lao động và cường độ lao động trong nông nghiệp. Đất đai manh mún không chỉ cản trở nông dân sử dụng các thiết bị cơ giới hóa hiện đại, chẳng hạn như máy kéo và máy gặt, mà còn cản trở việc áp dụng các loại cây trồng có lợi nhuận cao chỉ có thể canh tác trên diện tích quy mô lớn.

img_20231101_183204.jpg
Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng Bùi Quốc Khánh.

Thứ hai, quy định về thu hồi đất: Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62) nhưng chưa làm rõ các khái niệm thế nào là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; thế nào là phát triển kinh tế - xã hội, cũng như việc định ra cơ chế bồi thường phù hợp nhằm đảm bảo được sự hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, lợi ích chủ đầu tư và lợi ích của người đang sự dụng đất bị thu hồi.

Vì vậy, cần phải tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng ra khỏi mục đích phát triển kinh tế - xã hội thuần túy để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi, đền bù là khác nhau.

Thứ ba, về quy hoạch sử dụng đất: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.

Theo ông Khánh, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có lý do người dân cho rằng một số dự án như khu đô thị mới, khu dân cư mới, khu dân cư nông thôn… không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà Nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân.

Luật Đất đai (sửa đổi) tại Điều 79 của dự thảo đã quy định rất chi tiết những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và tại Điều 80 của dự thảo, đã quy định rất rõ các căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

20200822_150125.jpg
Một góc thị trấn Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Mặt khác, tại Điều 128 của dự thảo cũng đã quy định rõ hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất. Việc quy định chi tiết, rõ ràng thì người dân dễ hiểu, dễ đối chiếu và sẽ đồng thuận.

Như vậy sẽ thuận lợi trong quá trình giải phóng mặt bằng, phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng hiện đại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) Bùi Quốc Khánh: Kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thuận lợi trong quá trình giải phóng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO