Chủ động phòng chống thiên tai, lấy trẻ em làm trung tâm
(TN&MT) - Cách tiếp cận phòng chống thiên tai phù hợp với trẻ em sẽ có hiệu quả đối với tất cả mọi người. Điều này đồng nghĩa là chúng ta cần phải ưu tiên việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm.
Đây là chia sẻ của bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam trong Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về Phòng, chống thiên tai năm 2024, diễn ra ngày 18/5 tại trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết: Chủ đề của Tuần lễ Quốc gia năm 2024 là “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai. Mục đích thúc đẩy Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN - một sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 năm 2023.
“Hành động sớm là phương pháp tiếp cận mới trong quản lý rủi ro thiên tai. Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai phương pháp này nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và chú trọng tới những đối tượng dễ bị tổn thương. Tiêu biểu là các hoạt động: Tăng cường dự báo, cảnh báo về thiên tai và thông tin tới cộng đồng; kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình phòng, chống thiên tai; sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn…” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.
Phát biểu hưởng ứng tại buổi lễ, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam khẳng định: Hành động sớm, nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai là vô cùng cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Chúng ta cần đảm bảo rằng không có trẻ em, không có trường học, không có cộng đồng nào phải một mình đối mặt với thách thức khí hậu và mối đe dọa từ thiên tai. Cách tiếp cận phòng chống thiên tai phù hợp với trẻ em sẽ có hiệu quả đối với tất cả mọi người. Điều này đồng nghĩa là chúng ta cần phải ưu tiên việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm hướng tới trẻ em và các nhóm có nguy cơ khác. Qua đó, đảm bảo các cộng đồng đang thích ứng ngay hôm nay và có các biện pháp can thiệp ứng phó kịp thời để đảm bảo giải quyết các điểm yếu và nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em.
Với trẻ em, chúng tôi muốn tôn vinh và tích cực phát huy năng lực, kỹ năng, năng lượng và ý tưởng đổi mới của các em nhằm xây dựng cộng đồng an toàn hơn, bền vững hơn – bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã trao quà cho các em học sinh xuất sắc đoạt giải tại hai cuộc thi “Rung chuông vàng: Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững” và cuộc thi sáng tác tranh “Góc nhìn trước thiên tai”. Đây là 2 trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai 2024 đã được triển khai tại tỉnh Phú Thọ. Qua đó, góp phần lan tỏa thông điệp về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu tới cộng đồng, đặc biệt là đối tượng trẻ em.
Chia sẻ về quyết tâm của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang - Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định: Tỉnh Phú Thọ cam kết triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mang tính toàn diện, căn cơ về phòng, chống thiên tai như: Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các công trình; cải thiện năng lực dự báo, cảnh báo; phát huy hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai của cộng đồng… Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là trẻ em.