Chủ động các biện pháp ứng phó lũ đổ về trên các sông La Ngà, sông Đồng Nai
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết: Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, ngày 30/7, mực nước tại khu vực thượng lưu hệ thống sông Đồng Nai đang tiếp tục lên cao, tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) mực nước đang lên rất nhanh, đã vượt cao hơn mức báo động 3 (113,00m), còn tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà) mực nước đang tiếp tục lên, tiến dần đến mức báo động 2 (105,50m).
Cảnh báo mực nước tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) tiếp tục lên, mực nước lúc 1 giờ ngày 31/7 đang ở mức 113,44 đến 113,50m và tiếp tục lên cao; cao hơn 0,44 - 0,50m so với mức báo động 3 (113,00m); thấp hơn khoảng 0,80-0,90m so với mực nước của trận lũ lịch sử là 114,31m (quan trắc được vào ngày 22/08/1987); sau đó biến đổi chậm.
Mực nước tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà) tiếp tục lên trong 24 giờ tới, có khả năng đạt xấp xỉ mức báo động 2 (105,50m); thấp hơn 2,34m so với mực nước của trận lũ lịch sử 107,81m (quan trắc được vào ngày 01/08/1999). Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh thuộc huyện Tân Phú và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai; các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Đồng Nai cấp 2 và trên sông La Ngà cấp 1.
Cảnh báo tác động của lũ trên các sông suối lên nhanh có thể gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông suối, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các sông suối, bãi sông, bờ suối.
Để bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống gần bờ sông, nuôi thủy sản trên sông Đồng Nai, sông La Ngà, các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai và các công trình công cộng khác, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Định Quán đề nghị UBND các xã Phú Tân, Phú Vinh, Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Ngọc, Túc Trưng, Phú Cường, Gia Canh, Phú Hòa, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai và các thành viên Ban Chỉ huy huyện khẩn trương triển khai thực hiện nhanh một số nội dung cấp bách.
Cụ thể, các đơn vị nói trên cần thực hiện ngay phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng"; bố trí cán bộ trực 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin về tình hình lũ, lưu lượng xả lũ của đập thủy điện, kiểm tra mực nước sông Đồng Nai, để cảnh báo kịp thời đến người dân, các cơ quan, tổ chức. Các đơn vị thực hiện phương án di dời lồng bè vào nơi tránh, trú an toàn; di dời người dân lên bờ không ở trên bè nuôi vào buổi tối, thông báo cho người dân khu vực hai bên bờ sông Đồng Nai, sông La Ngà biết để phòng, tránh.
Riêng Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai khẩn trương triển khai phương án thông báo cho các hộ nuôi cá bè khu vực tiếp giáp giữa sông Đồng Nai và hồ Trị An được biết để di chuyển bè nuôi đến khu vực an toàn và di chuyển người dân lên trên bờ.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Định Quán bố trí cán bộ, công nhân theo dõi, bám sát các công trình thủy lợi (như hồ chứa, đập dâng) có phương án di dời các máy móc lên khu vực trên cao để tránh bị ngập nước gây hư hỏng; đồng thời vận hành, điều tiết hợp lý để đảm bảo tiêu thoát lũ và an toàn công trình khi có lũ về.
Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Định Quán chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện vật tư cần thiết, để tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời khi các công trình cầu, đường và công trình giao thông khác bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là các tuyến đường giao thông chính, quan trọng. Có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý, đăng kiểm, đăng ký phà, đò, trang bị các thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước, trong và sau khi lũ đi qua.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay tình hình mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại đến hộ nuôi cá lồng, bè trên địa bàn huyện Định Quán.
Đáng chú ý là mưa lớn nhiều ngày khiến nước sông dâng cao gây thiệt hại đến hộ nuôi cá lồng, bè trên địa bàn huyện Định Quán với tổng số 38 lồng bè bị cuốn trôi, thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng.
Sau khi xảy ra thiên tai, UBND xã Thanh Sơn, xã Ngọc Định và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tài và Tìm kiếm cứu nạn xã đã chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể xã hỗ trợ hộ dân khắc phục thiệt hại để ổn định cuộc sống.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy Văn Đồng Nai, cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra ở những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh thuộc huyện Tân Phú và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định thuộc huyện Định Quán; các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện Định Quán và Tân Phú.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai đề nghị Ban Chỉ huy các huyện Tân Phú, Định Quán chủ động tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, diễn biến mực nước sông Đồng Nai, tuyên truyền, cảnh báo nhanh, kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn biết để chủ động phương án ứng phó, phòng tránh thiệt hại.
Đồng thời, rà soát khu vực trọng điểm thường xảy ra ngập lụt, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra.