Biến đổi khí hậu

Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó mưa, lũ, sạt lở do bão Trà Mi

Khánh Ly - Ảnh: Hồng Khánh 25/10/2024 17:58

(TN&MT) - Chiều 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp triển khai ứng phó với bão số 6 (bão Trà Mi). Đây là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng đến Trung Bộ trong năm 2024 và theo nhận định của các cơ quan chức năng, bão sẽ mạnh nhất khi ở trên biển và hoàn lưu gây mưa lớn cho các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi, kéo theo nguy cơ lũ, ngập lụt, sạt lở.

z5966603387769_ee025ed9ba79deb6cc0f6a0793aa7027.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp

Chia sẻ về dự báo bão, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định: Bão có khả năng tiến vào gần bờ rồi quay ra biển. Vào chiều mai 26/10, bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Đến rạng sáng chủ nhật 28/10, bão đổi hướng Đông Đông Nam trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ với cường độ cấp 10, giật cấp 12; sau đó di chuyển theo hướng Đông và tiếp tục suy yếu.

Cần lưu ý, vùng hoàn lưu bão khá rộng nên dù tâm bão chưa gần bờ nhưng vẫn có khả năng gây gió to, mưa diện rộng cho Trung Trung Bộ, đặc biệt ở rìa phía Tây. Bên cạnh đó, thời gian lưu bão trên biển kéo dài, hoàn lưu bão cũng duy trì tác động lên đất liền lâu hơn. Từ chiều tối và đêm 26/10 đến 28/10, dự báo khu vực từ Quảng Trị - Quảng Ngãi có mưa phổ biến từ 300-500mm, cục bộ có nơi trên 700mm, cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm/3h; từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.

z5966604399574_aeac8e348897e18498decd0c4bb8ee73.jpg
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc họp

Ông Khiêm nhấn mạnh, bão khả năng không đổ bộ nhưng vẫn có gió mạnh và mưa lớn. Công tác chỉ đạo phòng chống bão cần khuyến cáo các cấp chính quyền và người dân không chủ quan. Bên cạnh đó, lũ trên các sông ở Trung Bộ có thể lên mức báo động 2 – 3 và cần lưu ý tình huống ngập úng đô thị có thể xảy ra, đặc biệt ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Dự báo tác động của bão có thể thay đổi và cần theo dõi trong các bản tin tiếp theo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.

Thông tin về tình hình triển khai công tác phòng chống bão, ông Vũ Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.

Hầu hết hồ chứa thủy điện đang vận hành bình thường. Mực nước các hồ chứa thủy lợi phần lớn đều đang ở mức thấp và trong giai đoạn tích nước. Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận còn tồn tại 72 trọng điểm đê điều xung yếu và 5 công trình đang thi công.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động triển khai ứng phó với ứng phó với bão theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, Quảng Bình dự kiến cấm biển từ 0h00 ngày 27/10; Thừa Thiên Huế tàu thuyền đã vào neo đậu và không cho ra khơi từ 25/10; Quảng Nam cấm biển từ 10h00 ngày 25/10; Quảng Ngãi cấm biển từ 10h00 ngày 26/10 và dự kiến hoàn thành việc sơ tán người dân trên đảo Lý Sơn trước 22h00 ngày 26/10; các địa phương từ Quảng Bình - Quảng Ngãi tổ chức rà soát, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn sau bão, nhất là sơ tán dân khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, các Bộ, ngành liên quan đã thông tin về tình hình triển khai công tác phòng chống tại địa phương. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát neo đậu đang được triển khai nhằm tránh tình trạng chằng chống không chắc chắn dẫn đến tàu thuyền bị trôi dạt, va đập gây thiệt hại; kêu gọi người dân không ở lại trên lồng bè. Vấn đề thông tin truyền thông đến người dân cũng được quan tâm, nhằm giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó cần thiết.

464521615_956876899807866_8684553162512452805_n.jpg
Lãnh đạo cùng đại diện các cơ quan phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của địa phương tham dự theo hình thức trực tuyến

Theo Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), ngoài việc tập trung làm tốt kêu gọi tàu thuyền rồi, các địa phương cần kiểm đếm, kêu gọi nhân dân ở các lồng bè ven biển vào bờ. Đến nay, hơn 200 nghìn bộ đội và dân quân tự về đã sẵn sàng ứng trực chống bão. Dự báo cho thấy bão có thể quay ngược ra biển nên rút kinh nghiệm từ các cơn bão trước đây, Đại tá Phạm Hải Châu khuyến cáo các địa phương cần tuyên truyền người dân không nên ra biển sớm để tránh bão vẫn còn trên biển. Bên cạnh đó, từ hiệu quả sử dụng thiết bị bay không người lái flycam kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở ở Hà Giang, địa phương cũng có thể áp dụng và rà soát các nguy cơ, các vị trí có thể xảy ra sạt lở tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng, cùng với các kịch bản di dân, các địa phương cũng cần lên phương án cho tình huống giao thông chia cắt do sạt lở, lũ quét, ngập lụt... để có thể nhanh chóng tiếp cận người dân các khu vực cần hỗ trợ khẩn cấp.

Cho rằng cơn bão lần này có thể lặp lại kịch bản mưa lũ, sạt lở như năm 2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tính toán kỹ các phương án ứng phó, đặc biệt đối với ngập lụt đô thị, sạt lở đất; hạn chế tối đa thiệt hại về người.

Các tỉnh ven biển cũng lưu ý thêm khả năng xảy ra sạt lở bờ biển rất lớn. Dù cấp gió bão không lớn nhưng thời gian lưu sóng rất lâu, sóng khoảng 45 – 50 độ, chếch vào bờ và hải lưu đổi dòng liên tục đổi dòng hải lưu liên tục. Cần chuẩn bị cho tình huống này, đặc biệt là những nơi có các khu du lịch biển.

Bên cạnh đó, thời gian lưu bão lâu nên Thứ trưởng Hiệp cũng đề nghị các địa phương nghiên cứu cấm biển dài hơn để đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh tình trạng tàu thuyền ra biển khi bão vẫn đang hoạt động. Ngoài ra, công tác thu hoạch thủy hải sản, mùa màng cần làm nhanh trước Chủ nhật này.

z5966603412962_fb8368a6f2d4842afe16231e0dbf9305.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp

Nhìn lại cơn bão số 3 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, câu nói thường nghe nhất khi tới các địa phương sau bão là “không ngờ tới”, “không lường hết”, “không nghĩ tới”. Bộ trưởng nhấn mạnh, mọi chuyện đều có thể xảy ra và cần có sự chuẩn bị với tâm thế không hối tiếc, sẵn sàng cho mọi tình huống.

Bộ trưởng cũng lưu ý, sườn phía Tây của Trung Trung Bộ đã được các nhà khoa học đánh giá có đứt gãy địa chất, cần sử dụng flycam và cần thiết thì kiểm tra khu vực rộng hơn, cả các khe sông, khe suối để nắm bắt biểu hiện bất thường.

Các địa phương lên ngay phương án di dời người dân và kích hoạt tất cả các cộng đồng phòng chống thiên tai ngay từ thời điểm này, chuẩn bị sẵn sàng phương án trực thăng cứu hộ khi giao thông gián đoạn... Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét lại quy định của Luật Hàng hải về việc bố trí thuyền viên ở lại tàu khi bão vào, cần ưu tiên nhân mạng lên trên hết.

Sau cuộc họp, các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai công tác phòng chống bão đã thống nhất, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó mưa, lũ, sạt lở do bão Trà Mi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO