Biến đổi khí hậu

Chiến lược sáng tạo thích nghi với BĐKH tạo đà cho sự phát triển vùng Mekong

Mai Anh 11/08/2023 22:38

(TN&MT) - Từ nuôi tôm ở vùng nước mặn đến trồng sen và lúa mùa nổi ở vùng ngập lũ, từ trồng rừng ngập mặn để bảo vệ đất cho đến nuôi cá và vịt kết hợp, người dân Mekong đang hướng đến một tương lai tươi đẹp với đời sống kinh tế ngày càng khá giả hơn.

Đa dạng hóa cây trồng

Dòng Mekong được sinh ra từ các sông băng tan chảy trên dãy Himalaya, nước tích tụ thành một trong những con sông dài nhất và đa dạng sinh học nhất thế giới, cắt qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Ngày nay, hơn 70 triệu người dựa vào dòng sông Mekong để kiếm sống. Nhưng vùng châu thổ từng mở rộng, được hình thành bởi phù sa lắng đọng ở hạ lưu trong hàng nghìn năm, đang dần suy thoái trong 4 thập kỷ qua.

Đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa, đất bị sụt lún, xói mòn và mất chất dinh dưỡng. Khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng cao, nạn khai thác cát... Những mối đe dọa tích lũy này phản ánh tình trạng mà các hệ sinh thái toàn cầu phải đối mặt - và cách người dân địa phương đang thích nghi cũng có thể là bài học cho những nơi khác.

linh-collage-2-1-1602x711.jpg
Nông dân thu hoạch bòn bon và sầu riêng ở Cần Thơ

Nguồn tài nguyên bị suy giảm, cùng với biến đổi khí hậu, canh tác quá mức và các hoạt động khác của con người đã khiến cho vùng đồng bằng chỉ còn là "cái bóng" của chính nó trước đây.

Tại trạm đo Tân Châu, mực nước đạt đỉnh 5m vào năm 2000 nhưng đến năm 2020 mực nước hầu như không vượt quá 2 m.

Tuy nhiên, các nhà vận động cho biết, vẫn chưa quá muộn để hành động. Hàng triệu người trên khắp khu vực sông Mekong đang thích nghi, bằng những chiến lược khéo léo.

Ông Hồ Văn Hồng là một trong những người dân khu vực sông Mekong chuyển đổi thành công cánh đồng lúa thành vườn cây ăn trái. Để ứng phó với tình trạng đất đai bạc màu và các tác động môi trường khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, gia đình ông Hồng đã đa dạng hóa cây trồng sang trái cây, phá thế độc canh trồng lúa.

Các trang trại như của ông Hồng đã góp phần khiến vùng đồng bằng không giống như một thập kỷ trước. Thời điểm đó, trên chuyến xe từ TP.HCM về Cần Thơ, khách du lịch có thể thấy những người nông dân chân đất, ống quần xắn cao, lê bước qua cánh đồng lúa. Ngày nay nơi đây vẫn có lúa, nhưng bên cạnh là những cây sầu riêng, sắn, thanh long và cá da trơn.

shrimp_farms.jpg
Người lao động thu hoạch tôm ở Bạc Liêu, tại một trang trại tuần hoàn nước, cắt giảm nhu cầu bơm nước ngầm

Theo ông Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC), các quốc gia phải ưu tiên các mục tiêu, như bảo vệ vùng đất ngập nước và chú trọng phát triển nhưng đi đôi với bảo vệ môi trường.

Là người khuyến khích người trồng thử dùng các sản phẩm tự nhiên thay thế cho hóa chất, ông Nguyễn Văn Phong, chủ sở hữu Cần Thơ Farms cho biết một số công ty đã tăng mức sử dụng phân bón lên tới 40% trong vòng 5 năm qua.

Cách tiếp cận của ông Phong tương tự một số dự án "sống cùng thiên nhiên" của Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho một triệu cư dân Mekong. Ông Phong mong rằng sự thích ứng dựa vào thiên nhiên đồng nghĩa rằng sẽ có ít chất độc đổ vào sông Mekong hơn.

Chuyển đổi canh tác theo chu kỳ lũ lụt tạo hiệu quả kinh tế cao

Không chỉ ông Hồng, ông Phong, nhiều nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã từ bỏ thế độc canh cây lúa, thay vì lâu nay thu hoạch 3 vụ lúa một năm, họ đang thay thế một vụ bằng cá. Bên cạnh việc giảm bớt tình trạng độc canh làm cạn kiệt đất và bị sâu bệnh đe dọa, việc chuyển đổi giúp nông dân nơi đây có thể canh tác theo chu kỳ lũ lụt.

Trồng sen cũng là một cách khác để Việt Nam chuyển sang nền nông nghiệp thích ứng với lũ. Vùng đồng bằng đã giới thiệu hàng chục sản phẩm từ sen trong 5 năm qua, dệt sợi sen thành những chiếc khăn đắt tiền và sấy khô hạt để làm món ăn vặt tốt cho sức khỏe.

Trong khi đó, giống lúa mùa nổi phát triển cao mà không cần thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ, sâu bệnh hoặc nước dâng cao, khiến nó có khả năng chống chịu lũ lụt. Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Giám đốc Viện Biến đổi Khí hậu của Đại học An Giang, lúa mùa nổi thích nghi tốt với ngập lụt.

linh-collage-1-1960x868.jpg
Ông Nguyễn Văn Phong và nhân viên của ông kiểm tra anh đào Surinam tại trang trại của họ ở Cần Thơ

Sống chung với nước mặn là một động lực khác để người dân địa phương chuyển đổi ruộng lúa sang ao nuôi thủy sản vào mùa mưa, thường là nuôi tôm. Đến năm 2020, các trang trại nuôi lúa, tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long vượt quá 2.000 km2, gần gấp đôi trong thập kỷ qua.

Thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua chính quyền các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó giúp tỷ lệ nghèo trên toàn vùng giảm từ 20,1% vào năm 2004 xuống còn 4,2% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vào năm 2020.

Đánh giá các chương trình viện trợ lúa, tôm ở Mekong trong suốt 2 thập kỷ, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của chính phủ Úc (ACIAR) kết luận mỗi USD chi cho viện trợ đã tạo ra 72 USD tiền lãi. Đáng chú ý, WB ước tính những thay đổi này và cả những thay đổi khác đã mang lại lợi ích cho 788.000 người.

Đồng Tháp, một trong 12 tỉnh đồng bằng, đã làm việc với WB để giúp 62.000 người dân địa phương thả vịt, cá rô, cá rô phi hoặc tôm vào ruộng lúa của họ. Theo báo cáo của tỉnh, lợi nhuận tăng ít nhất 20%. Năng suất cao hơn bắt nguồn từ việc loại bỏ một trong ba vụ lúa, cắt giảm chu kỳ sâu bệnh, kết hợp với cá có thể làm sạch nước và làm giàu đất.

Theo ông Nguyễn Văn Vương - ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), quê ông mỗi năm chỉ sản xuất 2 vụ lúa nên vào mùa nước nổi, ông cùng những người dân trong vùng thường giăng câu lưới bắt cá đồng, hái bông điên điển, bông súng để kiếm thêm thu nhập. Ngoài 1ha diện tích đất nhà, ông Vương rủ thêm anh em trong gia đình có diện tích đất liền kề khoảng 10ha để thực hiện lên đê bao lửng quanh diện tích lúa và đào 2 ao trữ cá đồng. Phía trên ao, ông xây thêm chuồng nuôi vịt.

Đến mùa nước, ông Vương để đất trống để thu hút cá đồng vào, kết hợp trồng thêm điên điển, bông súng bán để có thêm thu nhập trong mùa nước. Theo ông Vương, mô hình trồng lúa 2 vụ - thủy sản (nuôi cá đồng) - chăn nuôi vịt mang lại tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.

Tương tự, năm 2018, được huyện hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (ICRSL), ông Nguyễn Văn Kiểm ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự mạnh dạn động viên gia đình, anh em cùng nhau tham gia mô hình sinh kế mùa lũ 2 lúa - 1 cá (sản xuất lúa theo hướng an toàn và nuôi, trữ cá đồng tự nhiên). Việc chuyển đổi theo hình thức sản xuất này đã giúp gia đình ông Kiểm có thu nhập từ mô hình lúa - cá là 837 triệu đồng/10ha/năm, cao hơn so với cách làm truyền thống trước đây là 525 triệu đồng.

Tiểu dự án ICRSL được tỉnh Đồng Tháp triển khai từ năm 2018 tại huyện Hồng Ngự, huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình và TP Hồng Ngự với việc canh tác lúa và nuôi thủy sản hoặc trồng hoa màu, trồng cây thủy sinh, từ đó giảm được diện tích lúa 3 vụ. Theo tính toán, hầu hết các mô hình đều có tổng lợi nhuận tăng hơn so với ngoài mô hình từ 15,4 - 52,2 triệu đồng. Riêng mô hình 2 lúa-vịt-cá có lợi nhuận cao nhất với tổng lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 52,2 triệu đồng so với ngoài mô hình. Ngoài ra, một số mô hình đang bắt đầu liên kết tiêu thụ lúa an toàn với doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược sáng tạo thích nghi với BĐKH tạo đà cho sự phát triển vùng Mekong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO