Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Hài hòa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Xác định môi trường là tiêu chí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường kết hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nhằm xây dựng cảnh quan xanh, sạch, chủ động ứng phó với BĐKH.
Không ngừng nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
Chiêm Hóa là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. Diện tích cả huyện trên 114.624 ha diện tích tự nhiên, trong đó có 14.965,19 ha đất sản xuất nông nghiệp và 105.126,2 ha đất lâm nghiệp. Toàn huyện có 287 thôn, tổ dân phố, dân số trên 134.091 người với 18 dân tộc cùng chung sống, mật độ dân số trung bình là 100 người/km2.
Phó Trưởng phòng TN&MT Chiêm Hóa Đồng Văn Hà chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn ngày càng được nâng cao, chất lượng môi trường dần được cải thiện. Công tác phòng ngừa, hạn chế, kiếm soát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường và có hiệu quả.
Theo đó, công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đã được UBND huyện quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn.
Hoạt động bảo vệ môi trường khu vực nông thôn được lồng ghép với thực hiện tiêu chí 17 Môi trường và an toàn thực phẩm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… thu gom tái chế các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng bằng việc làm gạch sinh thái để xây dựng các công trình như bàn, ghế, bồn hoa, tường rào… Chương trình tổ chức được lồng ghép vào những ngày lễ lớn của huyện như: Ngày đa dạng sinh học, ngày môi trường thế giới, ngày vệ sinh môi trường nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.
Các hình thức tổ chức thu gom rác thải môi trường tại khuôn viên, chợ và các nơi khu dân cư tập trung… vớt rác ở ao hồ, khe suối, và các hồ chứa nước trên địa bàn huyện.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt tới toàn thể cán bộ, công chức chủ động trong công tác tuyên truyền tăng cường năng lực và sự tham gia của cộng cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng các kinh nghiệm ứng phó tại chỗ và vai trò của Mặt trận Tổ quốc xã, thôn và các tổ chức đoàn thể, quần chúng ở địa phương.
Ông Đồng Văn Hà cho biết, trong số các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương phải kể đến điển hình là các mô hình cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu như: Mô hình sáng kiến chống mất rừng và suy thoái rừng thực hiện mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm chia sẻ lợi ích giữa các đối tượng được hưởng lợi từ rừng và sống dựa vào rừng. Mô hình trồng trọt, chọn tạo giống lúa để thích ứng với BĐKH và an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, sử dụng giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu của đại phương, phổ biến cách chăm sóc, bảo vệ… để đạt được năng suất tối đa và mô hình thâm canh cây trồng.
Cùng với đó, Chiêm Hóa tập trung nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Bằng việc đầu tư các trang thiết bị mới tại Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế và đội ngũ y bác sỹ, y tá thôn bản… người nghèo được tiếp cận chăm sóc sức khỏe, phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, vị thành niên. Đồng thời, quản lý chặt chẽ đất thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển bền vững, bảo vệ nghiệm ngặt ao, hồ không được san lấp trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày14/12/2021 và khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai tương đối toàn diện, rộng khắp và đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực.
Nội dung tuyên truyền bao gồm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan quản lý nhà nước; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân…
Huyện tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, hệ thống chính trị - xã hội; phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng và thực hiện hương ước, quy định, cam kết bảo vệ môi trường ở các cộng đồng dân cư; hằng năm đưa chỉ tiêu về giữ gìn bảo vệ môi trường để bình xét thi đua khen thưởng, xét tiêu chuẩn của cơ quan, thôn, gia đình văn hoá, xếp hạng môi trường tại các xã, thị trấn. Cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường theo các lớp tập huấn của các cấp tổ chức – Ông Đồng Văn Hà chia sẻ.
Ngoài ra, Chiêm Hóa tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tự thu gom, phân loại rác tại nhà, phối hợp với đơn vị thu gom và thực hiện đúng quy định về kinh phí thu gom; đối với khu vực nông thôn tuyền người dân tự thu gom và xử lý rác thải tại gia đình, không vứt rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và áp dụng các chế tài cụ thể, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân xả thải, chất gây ô nhiễm ra môi trường, đặc biệt tại khu dân cư tập trung các xã, thị trấn.
Huyện sẽ lồng ghép công tác truyền thông, giáo dục môi trường vào các công tác xã hội khác, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể thôn bản, bảo vệ môi trường phải đi đôi với hiệu quả kinh tế. Nhân rộng hương ước thôn, xóm để người dân tự có ý thức bảo vệ môi trường đối với cộng đồng dân cư nơi sinh sống, đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường làm một trong các tiêu chí thi đua trong cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện và cấp xã phụ trách về công tác môi trường.
Với những mục tiêu, quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị với những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường đã mang đến luồng sinh khí mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.
Trên địa bàn huyện Chiêm Hóa lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 60 tấn/ngày. Hiện nay toàn
huyện có 24 xã, thị trấn, có 17 xã, 1 thị trấn có đơn vị thực hiện thu gom, xử lý rác thải rác thải sinh hoạt. Huyện có 1 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng lò đốt tại xã Phúc Thịnh, được đầu tư năm 2016 vận hành từ năm 2017 bằng nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh và vốn đầu tư trong cân đối
ngân sách địa phương với công suất đốt 300kg/h – 400kg/h. Ngày 11/12/2023, UBND huyện Chiêm Hóa đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Xây dựng cơ sở Hạ tầng khu xử lý rác thải huyện Chiêm Hóa với diện tích quy hoạch là 98.216 m2.
Năm 2023, giai đoạn 1 khu xử lý rác thải được đầu tư xây dựng đường vào, sân bê tông, trạm biến áp. Năm 2024 hiện đang triển khai tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Dự kiến xây dựng thêm 01 lò đốt với công suất đốt 1000kg/h -1500kg/h.