Bước chuyển mới trong quản lý tài nguyên và môi trường
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Thái Nguyên đã có những bước chuyển căn bản về thể chế, chính sách cũng như triển khai các hành động thực tế. Nhiều thành tựu quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Xác định trọng tâm, triển khai nhiều đề án quan trọng
Ông Phạm Bình Công - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 24-NQ/TW ra đời, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 23-CTr/TU để triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW vào cuộc sống.
Nhằm ứng phó với BĐKH trong tình hình mới, ngày 31/12/2020 UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 4229/QĐ-UBND về việc Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài ra UBND tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về tăng cường thích ứng với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT như: Đề án BVMT tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản cho từng giai đoạn 5 năm; Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản; tổ chức thực hiện, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy hoạch phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực Nam Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch phân bổ, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 định hướng đến năm 2030...
Đưa bảo vệ môi trường vào nền nếp
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường, sau khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 được ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thị và văn bản hướng dẫn để kiểm soát ô nhiễm đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nói riêng và công tác quản lý môi trường, sử dụng ngân sách cho công tác BVMT nói chung. Đồng thời, tham mưu ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước lưu vực sông nội tỉnh; Xây dựng Đề án quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt... Ban hành danh mục thủ tục hành chính (TTHC) và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC về lĩnh vực BVMT ở cấp tỉnh, huyện và xã nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực thi quy định pháp luật BVMT và hoàn thiện thủ tục pháp lý về môi trường; các hồ sơ TTHC về môi trường đã được giải quyết đúng quy trình; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về BVMT tiếp tục được duy trì, đổi mới và đa dạng hóa hình thức hoạt động.
Để kiểm soát các nguồn thải, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường, nâng tổng số điểm quan trắc từ 147 điểm lên 185 điểm; đồng thời đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường tự động của tỉnh lên 9 trạm; tích cực đôn đốc, hướng dẫn các chủ nguồn thải thuộc danh mục quy định quan trắc tự động phải đầu tư, lắp đặt, vận hành và truyền dữ liệu quan trắc tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi.
Sở cũng chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm thu hút đầu tư xã hội hóa về xử lý chất thải. Đến nay đã thu hút được 12 dự án xử lý rác thải từ khối tư nhân với tổng năng lực xử lý gần 9.000 tấn/ngày rác thải công nghiệp và sinh hoạt, trong đó có 5/8 dự án có xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã đi vào hoạt động. Công tác kiểm soát ô nhiễm, quản lý nguồn thải cũng được chủ động, tăng cường thông qua việc xem xét, sàng lọc loại bỏ các dự án có nguy cơ ô nhiễm cao ngay trong quá trình đánh giá sơ bộ tác động môi trường của đề xuất dự án đầu tư...
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm, công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh đang dần đi vào nền nếp; ý thức chấp hành pháp luật BVMT của người dân và doanh nghiệp được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về BVMT được tăng cường và phát huy hiệu quả, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm...
Quản lý tài nguyên bền vững
Hiện nay, tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước trên địa bàn Thái Nguyên được quản lý theo hướng bền vững. Tỉnh hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô và chỉ qua chế biến sơ, thúc đẩy chế biến sâu; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp; từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất; đẩy mạnh khai thác quỹ đất chưa sử dụng, mở hướng đi mới trong khai thác quỹ đất trung du, miền núi cho mục đích phi nông nghiệp.
Đối với tài nguyên khoáng sản, đến nay, về cơ bản, các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng, làm căn cứ cho công tác quản lý cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản. Việc cấp phép khai thác khoáng sản trên cơ sở đã được quy hoạch đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khoáng sản, các dự án xây dựng giao thông, nông thôn mới, các khu công nghiệp, đô thị mới,.. Tính đến 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 131 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Để chủ động bảo vệ nguồn nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, UBND tỉnh ban hành Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; đồng thời phê duyệt dự án "Điều tra, đánh giá xác định các mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc địa bàn quản lý của tỉnh Thái Nguyên"; dự án "Điều tra, đánh giá, xác định dòng chảy tối thiểu các sông nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên". Hiện các dự án đang được thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên cho rằng, để chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT như tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW, Thái Nguyên còn cần tập trung nguồn lực hơn nữa để công tác truyền thông nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT được thường xuyên hơn. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên, ứng phó với BĐKH và BVMT của doanh nghiệp để họ quan tâm đầu tư xử lý chất thải; hạn chế vi phạm về môi trường. Đồng thời tỉnh cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống quan trắc môi trường tự động, đặc biệt là môi trường không khí ở các khu tập trung đông dân cư xung quanh các KCN, cơ sở sản xuất công nghiệp, khu khai thác khoáng sản.