1.png
Tài nguyên

Nghị quyết số 24-NQ/TW: Động lực giúp Tuyên Quang chuyển mình

Thu Thủy - Ngọc Trâm (thực hiện) 30/05/2024 - 18:03

Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24-NQ/TW), Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nghị quyết với nhiều chương trình, dự án ứng phó với BĐKH mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương.

202110228345_54978.jpg
155f3a296ce9ccb795f8.jpg
Ông Đặng Minh Tơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Tuyên Quang

Đó là những chia sẻ của Phó Giám đốc Sở TN&MT Đặng Minh Tơn với Báo Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch, giải pháp đột phá để triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

PV: Thưa ông, Nghị quyết số 24-NQ/TW đã xác định, BĐKH là thách thức nghiêm trọng, phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ. Trong đó, thích ứng là ưu tiên, chủ động phòng tránh thiên tai là trọng tâm. Xin ông cho biết, tỉnh Tuyên Quang đã cụ thể hóa các chương trình hành động để triển khai Nghị quyết số 24 như thế nào?

Ông Đặng Minh Tơn:

1_xjbw.jpg
Cán bộ các cơ quan tỉnh Tuyên Quang tham gia san gạt, đắp lề đường cùng nhân dân thôn Mỏ Nghiều 2, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên.

BĐKH và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XV) đã ban hành Kế hoạch số 87-KH/TU ngày 09/9/2013 thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 348-KH/TU ngày 06/01/2020 thực hiện Kết luận số 56-KL/TW; UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, các huyện ủy, thành ủy xây dựng các chương trình, kế hoạch, quyết định... thực hiện các kế hoạch của cấp ủy tỉnh; các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện việc ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương.

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác với diện tích 4.795,4ha, góp phần tăng giá trị sử dụng đất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo được những vùng sản xuất hàng hóa, giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất cá thể sang sản xuất liên kết tập trung. Nghiên cứu, ứng dụng thành công 22 giống lúa, 9 giống ngô có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu, góp phần cải thiện năng suất cây trồng của tỉnh trong điều kiện thích ứng với sự biến đổi của thời tiết.

904-2.9.jpg
Mô hình trồng rừng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu kết hợp mục tiêu giảm nghèo bền vững đang được nhân rộng tại Tuyên Quang

Phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Bố trí dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng để ổn định đời sống, sản xuất cho 2.765 hộ, 13.025 khẩu đang sinh sống trong khu vực thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, trong các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định về đời sống, sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ dân sau khi tái định cư, đảm bảo nhân dân có cuộc sống tốt hơn trước khi di chuyển; gắn việc sắp xếp ổn định dân cư với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Theo ông thời gian tới, Trung ương và địa phương cần tiếp tục có những chỉ đạo và quyết sách quyết liệt hơn. Với Tuyên Quang việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường có những bất cập nào cần tháo gỡ?

Ông Đặng Minh Tơn:

881.jpg
Đoàn viên, thanh niên thị trấn Na Hang thu dọn rác thải trên khu vực hồ sinh thái Na Hang.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH trong cộng đồng xã hội được nâng cao. Các mục tiêu ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh. Hệ thống đê, kè, cống thoát lũ, các công trình thủy lợi, hồ, đập chứa nước, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, các bến bãi, cảng sông... từng bước đầu tư, gia cố, cải tạo, nâng cấp đảm bảo an toàn công trình trước, trong và sau mùa mưa lũ. Hằng năm, thực hiện tốt công tác trồng rừng, quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, duy trì độ che phủ của rừng đạt trên 65%.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH của một bộ phận cán bộ, người dân còn hạn chế do trình độ dân trí không đồng đều; nguồn lực tài chính đầu tư cho lĩnh vực ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường chưa đáp ứng các yêu cầu trong công tác cảnh báo, dự báo, ứng phó với sự cố môi trường và BĐKH; chưa có cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, các tỉnh hầu như độc lập triển khai các hoạt động ứng phó trong phạm vi địa phương mình. Bên cạnh đó, do đời sống, thu nhập của người làm nghề rừng còn gặp nhiều khó khăn, chưa khuyến khích được sự tham gia của khu vực tư nhân, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

ch.jpg
Hướng dẫn cho nhân dân cách phân loại, xử lý rác tại xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa. Ảnh: N.H

PV: Thời gian tới, Tuyên Quang sẽ có quyết sách gì để triển khai hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện cam kết Net - Zero vào năm 2050, thưa ông?

Ông Đặng Minh Tơn:

Để triển khai hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện cam kết Net - Zero vào năm 2050, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể, Tuyên Quang sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật về BĐKH phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hài hòa với các chính sách của quốc gia. Ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xử lý chất thải rắn, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

image.daidoanket.vn-images-upload-manhlv-06012023-_z4394332219945_2f186ecbce96d0da9edc3e5a702782f9.jpg
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang trao thùng rác cho các tổ tự quản hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2023

Cùng với đó, Tuyên Quang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường.

Năm 2023, mức độ chuyển đổi số tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang ngày càng nâng cao. Thành phố Tuyên Quang là địa phương đứng đầu với 513,65 điểm; huyện Yên Sơn xếp thứ 2 với 508,17 điểm; huyện Sơn Dương xếp thứ 3 với 507,79 điểm.

Ngoài ra, địa phương tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính Nhà nước. Thực hiện hiệu quả, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện công khai, minh bạch hóa thông tin, hoạt động quản lý, điều hành và áp dụng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường.

Cuối cùng, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác rừng trái phép, vi phạm các quy định về khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng độ che phủ rừng trên 65%.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết số 24-NQ/TW: Động lực giúp Tuyên Quang chuyển mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO