Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quản lý hoạt động lấn biển

Phúc Khang| 28/05/2021 15:05

(TN&MT) - Ngày 28/5 tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo trực tuyến "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tham vấn dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển". Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển và nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, lấn biển là hoạt động đã phát sinh trên thực tế tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, về góc độ pháp lý, hiện Việt Nam chưa có các quy định cụ thể để quản lý và kiểm soát hoạt động lấn biến. Việc xây dựng Nghị định quy định hoạt động lấn biển là hết sức cần thiết, sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện, cụ thể để quản lý, kiểm soát hoạt động này; đồng thời, tháo gõ các vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tự lấn biển.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập và tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định; đã gửi xin ý kiến của Bộ, ngành, địa phương cũng như đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tại Hội thảo

“Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động lấn biển đã đưa ra nhiều nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển. Trong đó đưa ra các quy định cụ thể về yêu cầu của hoạt động lấn biển; Trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động lấn biển; Khu vực lấn biển; Kế hoạch và phương án lấn…”, ông Phan Tuấn Hùng cho biết.

Riêng với quy định về khu vực lấn biển, Dự thảo đã chỉ ra các khu vực không được thực hiện lấn biển như: Di sản thiên nhiên được công nhận theo quy định của pháp luật di sản văn hóa và pháp luật bảo vệ môi trường; Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vùng đất ngập nước quan trọng đã được công bố theo quy định của pháp luật đa dạng sinh học; Vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật lâm nghiệp; Khu bảo tồn biển, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của pháp luật thủy sản; Khu vực cảng biển, khu neo đậu, khu neo đậu tránh bão, luồng hàng hải theo quy định của pháp luật hàng hải; Các khu vực biển đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng; Các khu vực biển khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo, tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi và cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến các quy định như: phạm vi điều chỉnh; kế hoạch lấn biển; đánh giá tác động của hoạt động lấn biển; giấy phép lấn biển…

Yêu cầu cấp thiết của kế hoạch lấn biển

Hầu hết các đại biểu tham gia Hội nghị cho rằng, việc xây dựng kế hoạch lấn biến là hoạt động cần thiết. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu lấn biển và tổ chức khảo sát, lập, tham vấn và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt Kế hoạch lấn biển của địa phương sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trường hợp Kế hoạch lấn biển có khu vực không lấn biển, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt.

Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến.

Theo TS. Kim In Hwan, Cố vấn chính sách môi trường của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Hàn Quốc, việc xây dựng các kế hoạch tổng thể để lấn biển được quy đinh như sau: Bộ trưởng Bộ Đại dương và Thủy sản lập quy hoạch tổng thể cải tạo vùng nước công cộng 10 năm một lần, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch không gian biển và Quy hoạch quản lý đô thị. Đồng thời, phải xin ý kiến trước của Thủ trưởng cơ quan Trung ương có liên quan và lắng nghe ý kiến của chính quyền địa phương liên quan.

Kế hoạch lấn biển cho từng vùng đất được xác định trước sẽ được khai báo sẽ được lập trong thời hạn 5 năm. Trong đó, phải thể hiện chi tiết các nội dụng như: Vị trí và diện tích đất lấn biến được xác định trước; mục đích lấn biển và kế hoạch sử dụng đất; các vấn đề về sự cần thiết của việc lấn biển và cách thức lấn biển; những thay đổi trong môi trường và hệ sinh thái và các biện pháp đối phó (thiệt hại và thay đổi trên đất liền và đất ngập nước nội địa; thay đổi dòng nước biển hoặc dòng thủy triều, và chuyển động của đất và đá; ô nhiễm đất do chôn lấp đất và đá); so sánh tính khả thi về kinh tế trước và sau khi lấn biển.

“Mỗi vùng đất được xác định trước sẽ được lấn biển phải bao gồm một kế hoạch lấn biển mô tả những chi tiết trong Quy hoạch tổng thể”, ông Kim In Hwan nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, trong mỗi bản kế hoạch lấn biển phải nêu rõ những tác động của hoạt động này đối với tự nhiên, môi trường, đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như những tác động đến: Thủy lực và Thủy động lực học ven biển; Thủy văn và nước ngầm; Biển, sông và nước lợ; Hệ thống sinh học & sinh thái biển và nước ngọt; Giao thông và Tiếp cận; Quản lý chất thải; Giá trị đất đai; Cơ hội việc làm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quản lý hoạt động lấn biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO