Chia ngọt với người dân vùng hạn, mặn

Bài và ảnh: minh trang| 28/04/2020 16:30

(TN&MT) - Trong khi người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên đang lao đao vì hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ TN&MT đã kịp thời bàn giao, đưa vào sử dụng 13 Trạm cấp nước ngọt miễn phí cứu hạn, mặn. Nhờ vậy, cuộc sống của những người dân nghèo vùng khan hiếm nước ngọt đã phần nào giảm bớt khó khăn.

1. Năm nay hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và khốc liệt hơn nhiều lần so với năm 2016. Tại các tỉnh ĐBSCL, người dân điêu đứng vì hạn, mặn.

Tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, nước mặn xâm nhập cao độ, không tưới được cho vườn cây ăn quả, chỉ có một vài hộ mua nước từ các sà lan về tưới cầm chừng cho vườn cây. Còn nước sinh hoạt, ăn uống phải mua từ các phương tiện vận chuyển khác nhưng chi phí rất đắt đỏ. Nhiều người dân cho rằng, từ khi sinh ra và lớn lên, hơn 50 năm qua, đây là năm đầu tiên họ chứng kiến cảnh người dân gặp khốn khó nguồn nước ngọt như năm nay.

ĐBSCL được biết đến là nơi có nguồn nước dồi dào và phù sa trù phú, song, từ đầu mùa khô đến nay, đã có 5 đợt xâm nhập mặn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh. Chiều sâu xâm nhập mặn (4g/l) sâu nhất tính đến ngày 30/3 cửa sông Cửu Long đã sâu hơn năm 2016 từ 3 - 7km; các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang) ở mức thấp hơn từ 4 - 15 km.

Tại Tây Nguyên, hạn đến sớm khiến người và cây trồng cũng khô khát vì thiếu nước. Nguồn nước trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40 - 60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, hiện tượng này gây thiếu hụt lượng nước ngay trong mùa mưa, lũ năm 2019 (từ tháng 7/2019). Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40 - 70% tùy từng hồ, đặc biệt có hồ chứa chỉ tích được khoảng 15 - 25%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70 - 80%, nhiều hồ chỉ đạt 40 - 50%. Dự báo, trong những tháng còn lại đặc biệt là từ tháng 5 đến tháng 8/2020, lượng dòng chảy trên các sông suối ở khu vực này vẫn rất nhỏ, phổ biến thiếu hụt từ 15 - 70% so với trung bình nhiều năm và có thể gay gắt hơn mùa khô năm 2019. Vì vậy, nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước là rất lớn và có thể sẽ rất nghiêm trọng.

Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam bàn giao trạm cấp nước ngọt miễn phí cho lãnh đạo xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

2. Thấu hiểu nỗi khổ của người dân khi thiếu nước, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các đơn vị ngành nước tập trung chống hạn, đồng thời, kêu gọi nguồn lực từ các nhà tài trợ để có kinh phí lắp đặt trạm cấp nước. Sự nỗ lực ấy của Bộ trưởng đã giúp người dân vùng cao, vùng khan hiếm nước chạm tới ước mơ mà từ lâu họ đã từng mong ước, có nước để dùng.

Trong thời gian rất ngắn, từ đầu tháng 4 đến ngày 20/4/2020, 13 trạm cấp nước ngọt miễn phí đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, kịp thời cứu người dân thoát khỏi hạn hán, xâm nhập mặn. Trong số này có 10 trạm được lắp đặt tại các tỉnh ĐBSCL và 3 trạm tại Tây Nguyên.

Tại ĐBSCL, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ đã lắp đặt các trạm tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn. Các tỉnh: Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, mỗi tỉnh có một trạm. Riêng Cà Mau, Liên đoàn lắp đặt và bàn giao 3 trạm; tại Trà Vinh có 2 trạm.

Người dân huyện Châu Thành vận chuyển nước từ trạm cấp nước xã An Khánh

Tại Tây Nguyên, đơn vị được giao lắp đặt, bàn giao trạm là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung. Có 2 trạm tại Gia Lai và 1 trạm lại Kon Tum.

Việc lắp đặt tiến hành nhanh, kịp thời để hỗ trợ người dân đang gặp hạn, thiếu nước. Các trạm được lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống khai dẫn có khả năng cung cấp với lưu lượng 200 - 400m3/ngày và cung cấp ngay cho người dân. Sau khi nước được khai thác từ giếng khoan, nguồn nước được đưa vào bồn lắng, qua hệ thống cột lọc xử lý ngược đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y Tế.

13 điểm cấp nước khẩn cấp với tổng công suất xử lý và cung cấp là 4.300m3/ngđ, cung cấp được cho 72.000 người với tiêu chuẩn cấp nước là 60l/ng/ngđ ở 7 tỉnh ĐBSCL và 2 ở Tây Nguyên theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT thời gian qua.

3. Ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Để có thể lắp đặt nhanh, kịp thời (thi công xây dựng, lắp đặt, vận hành và bàn giao 2 ngày/trạm) là do trong nhiều năm qua Bộ TN&MT đã chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, bảo vệ tài nguyên nước và đặc biệt là kết quả của Chương trình “điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”. Đây là Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 264/QĐ-TTg ngày 2/3/2015 với mục tiêu tìm kiếm nguồn nước dưới đất có trữ lượng đủ lớn tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhằm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012. Các kết quả này là cơ sở quan trọng để thiết lập các điểm cấp nước khẩn cấp.

Trong số 13 điểm lắp đặt trạm cấp nước, có 11 điểm đã được điều tra tại dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”; 2 điểm thuộc Chương trình điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất.

Ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Trong bối cảnh điều kiện thời tiết bất thường, khí hậu cực đoan, Bộ TN&MT đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về điều tra cơ bản theo các dự báo sớm về biến động khí hậu thời tiết nên khi xảy ra tình huống khẩn cấp về hạn, mặn và khan hiếm nước hiện nay kết quả các công trình đã được điều tra, đánh giá đã phát huy hết sức hiệu quả. Nhờ vậy, có thể xây dựng, lắp đặt triển khai nhanh, kịp thời để cung cấp cho nhân dân đáp ứng các nhu cầu về ăn uống sinh hoạt ở các địa bàn khó khăn về nguồn nước trên toàn quốc.

Việc lắp đặt hệ thống nước sạch để cấp nước cho địa phương có ý nghĩa quan trọng, giúp người dân địa phương vượt qua những khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, góp phần giải quyết bài toán thiếu nước của địa phương, giảm chi phí cho người dân, đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội. Việc làm này thể hiện sự quan tâm của Bộ TN&MT và chia sẻ những khó khăn với nhân dân trong điều kiện dịch bệnh, thời tiết cực đoan. Đây cũng là những “trái ngọt” mà Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia gặt hái được trong nhiều năm nỗ lực điều tra, tìm kiếm nguồn nước.

Theo số liệu theo dõi từ khi trạm đầu tiên ở Bến Tre được đưa vào vận hành đến khi cả 13 trạm đi vào hoạt động, với khả năng và năng lực chuyên chở cho dân ở các vùng, đến nay, có khoảng 100.000m3 đã cung cấp được đến với người dân. So với giá nước lúc cao điểm dân phải mua đã tiết kiệm được từ 25 - 30 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia ngọt với người dân vùng hạn, mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO