Chỉ số cạnh tranh năng lực cải cách hành chính về đất đai của Quảng Ninh vẫn thấp. Ảnh: Hoàng Minh |
Theo ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác cấp Giấy chứng nhận và tăng cường gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất. Theo đó, đến nay, tỉnh đã cấp Giấy đạt trên 95% diện tích đủ điều kiện cần cấp; Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, tỉnh xác định đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Do đó, tỉnh đã phân cấp cho các địa phương, tỉnh ban hành cơ chế chính sách, chỉ đạo, kiểm tra tiến độ, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai cũng được UBND tỉnh quyết liệt rà soát các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm Luật Đất đai, thực hiện xử lý các đơn vị phi phạm pháp luật đất đai.
Đồng thời, tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền như: Quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy định về hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng; quy định về hạn mức đất, quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; Quy hoạch sử dụng đất và Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020… nhằm kiện toàn chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trên địa bàn.
Tuy vậy, công tác quản lý đất đai vẫn còn hạn chế do cán bộ và lực lượng tham gia công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, một số địa phương vẫn để xảy ra các sai phạm gây bức xúc cho quần chúng nhân dân; lực lượng cán bộ địa chính xã, phường ở các địa phương hầu hết vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý đất đai ở cơ sở. Việc ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế, chưa được nhân rộng; chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính về lĩnh vực còn thấp (như chỉ số PAPI, PAR index và chỉ số sự hài lòng của người dân (SIPAS) khi giao dịch các TTHC về lĩnh vực cấp Giấy còn thấp. Chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai còn thấp so với các địa phương. Công tác quản lý đất đai đối với ngành Than còn nhiều hạn chế, nhiều đơn vị còn chồng lấn ranh giới và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Để đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai trong thời gian tới, ông Diện cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, xây dựng bảng giá đất kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo điều kiện tính đặc thù của địa phương. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn sẽ được tiến hành nhanh chóng, đảm bảo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp việc tiếp cận đất đai thuận tiện, tiếp tục phát huy hình thức đấu giá đất, tăng thu ngân sách từ tiền sử dụng đất theo hàng năm, phấn đấu giảm thiểu các vụ việc khiếu kiện về đất đai.
Bên cạnh đó, sẽ huy động hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai công tác quản lý đất đai; các địa phương phải coi công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đưa nhiệm vụ này vào Nghị quyết của cấp ủy. Người đứng đầu địa phương như: Bí Thư, Chủ tịch, Trưởng các ban ngành đoàn thể phải trực tiếp vào cuộc để chỉ đạo, bởi, bài học cho thấy, địa phương nào các đồng chí này vào cuộc, công tác sẽ rất thuận lợi như ở: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn… Đồng thời, những dự án lớn, dự án trọng điểm tỉnh đều thành lập Ban Chỉ đạo đối với từng dự án, huy động cả tổ chức chính trị, mặt trận đoàn thể từ tỉnh đến địa phương tham gia để tập trung giải quyết. Trong cùng một dự án lớn, cũng cần phân vùng ưu tiên tập trung này. Tăng cường đối thoại, giải trình với người dân những nội dung người dân còn băn khoăn, còn kiến nghị.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra công tác sử dụng đất ngành Than, đất lâm nghiệp, các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đất đai… Nâng cao chất lượng công tác thống kê, kiểm kê đất đai góp phần nâng cao công tác tổng hợp dự báo tình hình sử dụng đất và công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hệ thống bản đồ địa chính trên phạm vi toàn tỉnh, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh, từ đó, ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đất đai và thực hiện cấp mới, cấp đổi Giấy đảm bảo quy định.
Tuyết Nhi