Chỉ rõ những nhiệm vụ ưu tiên trong Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

Mai Đan (thực hiện)| 21/04/2022 09:17

(TN&MT) - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang hoàn thiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chỉ rõ những nhiệm vụ ưu tiên. Xoay quanh những nội dung của Quy hoạch này, PV Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết tính cấp thiết của việc lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050?

Ông Nguyễn Văn Nguyên: Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản như đã nêu trong Luật Khoáng sản năm 2010 là hoạt động nghiên cứu, điều tra về cấu trúc, thành phần vật chất, lịch sử phát sinh, phát triển vỏ Trái đất và các điều kiện, quy luật sinh khoáng liên quan để đánh giá tổng quan tiềm năng khoáng sản làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động thăm dò khoáng sản.

ong-nguyen-van-nguyen.jpg
Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

Kết quả của hoạt động điều tra địa chất về khoáng sản cung cấp thông tin về địa chất, về tiềm năng khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, các địa phương và ngành liên quan. Đến nay, đã có 2 Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được phê duyệt và thực hiện, gồm: Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch 1388).

Kết quả thực hiện các quy hoạch về nghiên cứu địa chất và đánh giá khoáng sản này là rất lớn, góp phần tích cực, phục vụ kịp thời sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên qua việc triển khai quy hoạch cũng bộc lộ những tồn tại như không đạt tiến độ theo Quy hoạch đã được phê duyệt (số nhiệm vụ mới đạt dưới 50%).

Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn cấp không đủ, nguồn Ngân sách Nhà nước mới đáp ứng khoảng 51% nhu cầu theo tiến độ của Quy hoạch, nguồn vốn huy động từ các tổ chức cá nhân còn hạn chế và khó khăn.

Mặt khác, hiện nay, nhu cầu sử dụng thông tin không chỉ giới hạn về tài nguyên khoáng sản mà còn mở rộng tài nguyên về địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cần thiết và đa dạng như: di sản địa chất góp phần tạo nên công viên địa chất các cấp khác nhau và tài nguyên vị thế; các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất đô thị gắn với không gian ngầm, Địa chất Công trình - Địa chất Thủy văn, các cấu trúc chôn cất và lưu giữ chất, khí độc hại...). Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đến hết năm 2020 là kết thúc kỳ Quy hoạch. Do vậy, Quy hoạch cần được điều chỉnh hoặc xây dựng mới.  

Quy hoạch 1388 đã hoàn thành 24 đề án bằng nguồn ngân sách Nhà nước gồm các loại khoáng sản than nâu, urani, sắt, nhôm (bauxit), titan, chì - kẽm, đồng, thiếc, wolfram, molipden, khoáng chất công nghiệp (barit, kolin - felspat, đá hoa trắng...), đá ốp lát, cát trắng. Hầu hết các khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn đã được tập trung điều tra đánh giá xác định tài nguyên.

Theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và Nghị định số 37/2019/NĐ- CP các quy hoạch nói chung, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thuộc nhóm quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực sử dụng tài nguyên, là đối tượng phải lập lại theo quy định mới với thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 30 - 50 năm để đồng bộ với các quy hoạch khác liên quan. Do đó, nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

PV: Thưa ông, Với Quy hoạch 1388, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể nào và đã phát lộ được những tiềm năng khoáng sản gì đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước?

Ông Nguyễn Văn Nguyên: Quy hoạch 1388 được phê duyệt gồm 7 nhóm với 130 nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tính đến năm 2020, đã có 110 nhiệm vụ được triển khai.

Quy hoạch đã hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 chuẩn quốc gia trên diện tích điều tra 11 nhóm tờ bản đồ. Trong quá trình điều tra, đã phát hiện, điều tra sơ bộ hàng trăm điểm khoáng sản các loại, khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng khoáng sản để chuyển sang giai đoạn đánh giá xác định tài nguyên. Điển hình như: quặng sắt khu vực Tân An (Yên Bái), La Ê (Quảng Nam); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin-felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Tum); đá ốp lát ở Gia Lai và nhiều nơi khác.

t3.jpg

Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

Đối với nhiệm vụ điều tra địa chất khoáng sản biển, Quy hoạch đã thành lập bộ bản đồ gồm: bản đồ địa chất khoáng sản, bản đồ trầm tích tầng mặt, bản đồ trọng sa - địa hóa, thủy thạch động lực, tai biến địa chất, địa chất môi trường… trên diện tích điều tra; khoanh định nhiều khu vực có triển vọng về khoáng sản nhất là vật liệu xây dựng (cát, sạn).

Về thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng khoáng sản, Quy hoạch 1388 đã hoàn thành 24 đề án bằng nguồn ngân sách Nhà nước gồm các loại khoáng sản than nâu, urani, sắt, nhôm (bauxit), titan, chì - kẽm, đồng, thiếc, wolfram, molipden, khoáng chất công nghiệp (barit, kolin - felspat, đá hoa trắng...), đá ốp lát, cát trắng. Hầu hết các khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn đã được tập trung điều tra đánh giá xác định tài nguyên.

Bên cạnh đó, Quy hoạch 1388 cũng đạt được một số kết quả trong điều tra tai biến địa chất, điều tra địa chất môi trường, điều tra di sản địa chất; kết quả thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng khoáng sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Quy hoạch 1388 chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút lực lượng cán bộ chuyên môn, nhân tài vào công tác trong ngành địa chất, chế độ lương thấp, chính sách không phù hợp đã làm cho lực lượng cán bộ chuyên môn ngày càng thiếu hụt về số lượng, giảm sút về chất lượng. Đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu ngày càng thiếu…

Để khắc phục những tồn tại của Quy hoạch 1388, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất 7 nhóm giải pháp tổ chức thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, các giải pháp về cấp vốn, tăng cường nguồn lực, đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng, hiệu quả của Quy hoạch.

PV: Vậy, Quy hoạch mới sẽ đặt ra những nội dung quan trọng nào để tiếp nối những kết quả đã đạt được và góp phần giải quyết những vấn đề của Quy hoạch 1388, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Nguyên: Để giải quyết những hạn chế của Quy hoạch 1388, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xây dựng 3 nhóm Đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản (điều tra địa chất khoáng sản phần đất liền; điều tra tổng hợp địa chất khoáng sản biển, hải đảo và nhiệm vụ tăng cường năng lực thiết bị, công nghệ phục vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản).

Quy hoạch đã xác định các nhiệm vụ ưu tiên, các nhiệm vụ có tính cấp thiết, đó là các nhiệm vụ đã được phê duyệt đang triển khai thực hiện, các nhiệm vụ điều tra tai biến địa chất gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, điều tra địa chất đô thị, điều tra, đánh giá tài nguyên các nguyên liệu xây dựng phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên biển thuộc vùng lãnh hải quốc gia. Đồng thời, xác định rõ ràng các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021- 2030 phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn vốn chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách Nhà nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ rõ những nhiệm vụ ưu tiên trong Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO