Thiên tai và hậu quả do thiên tai đem lại là điều không ai muốn. Nhưng năm nào cũng thế, mỗi khi thiên tai ập xuống, câu hỏi hỏi đau đáu với người dân vùng bão lũ rằng: Làm thế nào để người dân có thể sống chung với lũ, an toàn mỗi khi mưa lũ đổ xuống?
Năm trước, bạn tôi đi cứu trợ vùng lũ Quảng Bình và Hà Tĩnh về nói rằng, người dân vùng lũ họ cần những điều rất cụ thể như: lương thực, phân bón và nếu lớn hơn là những ngôi nhà có thể chống chọi và giúp người dân vượt qua được những ngày lũ lụt.
Điều này không mới, nhưng là mong mỏi từ rất lâu của những người dân vùng lũ.
Một thành viên trong của chương trình Nhà chống lũ nói với tôi rằng, bằng nỗ lực của các thành viên, hơn ba năm qua, riêng với Quảng Bình, họ đã kêu gọi và quyên góp dựng được gần 70 căn nhà chống lũ. Chính những căn nhà này đã giúp nhiều hộ gia đình vượt qua khó khăn đợt lũ vừa qua.
Trên nghị trường Quốc hội tuần qua, nhiều ý kiến của các đại biểu cũng đặc biệt lưu ý đến chất lượng tăng trưởng và những vấn đề sát sườn đối với đời sống của người dân, đặc biệt là người dân các vùng khó khăn, vùng bão lũ.
Nói là như vậy, nhưng thời gian qua, còn quá nhiều vấn đề bức xúc của xã hội được nhắc đến qua nhiều kỳ họp, nhưng vẫn không mấy tiến triển bao nhiêu, dù ngân sách đã dồn không ít vào đây.
Cốt lõi của vấn đề phải là bảo đảm an sinh xã hội, nhưng công tác này lại chưa được quan tâm đúng mức. Cộng thêm, các chính sách “gỡ bí” cứ càng làm cuộc sống của người dân rối thêm.
Như chuyện tắc đường, ô nhiễm đô thị triền miên, người ta đã nghĩ đủ cách để “hạn chế người dân” thay vì đưa ra những chính sách vĩ mô có tầm chiến lược lâu dài. Tầm nhìn ngắn hạn, cục bộ đã cản trở không ít tiến trình phát triển và những chính sách ngắn hạn ấy nhanh chóng trở lên lạc hậu (nhiều khi còn lạc hậu lúc mới chỉ là đề xuất).
Trong khi nhiều nông dân không có đất sản xuất thì một số nơi nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp và đất ở của nông dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu đô thị… nhưng đền bù chưa thoả đáng, nơi tái định cư không bảo đảm, người dân không được đào tạo nghề, không có việc làm khiến cho đời sống gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ tái nghèo đang diễn ra, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và hệ quả là đã bục ra: Đình công ở nhiều doanh nghiệp, môi trường bị hủy hoại khắp nơi, vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành mối lo của toàn xã hội… Lòng dân không yên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói, không tăng trưởng bằng mọi giá. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với chất lượng cuộc sống. Đó là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống hôm nay đòi hỏi.
Đã gần hết năm kế hoạch, nhưng dường như trong nhiều báo cáo chúng ta vẫn chỉ chăm chú vào các con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài. Điều đó là cần thiết, nhưng không phải là tất cả. Nhìn ở một giác độ khác, cử tri cần những câu trả lời xác đáng hơn về trách nhiệm để thất thoát tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng từ các dự án của các doanh nghiệp nhà nước. Minh bạch thông tin hôm nay sẽ tạo dựng niềm tin với cử tri cả nước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng từng nhận định, nguồn lực cạn kiệt thì lấy đâu ra để tẳng trưởng? Đó là câu hỏi cần phải suy nghĩ và cần có câu trả lời xác đáng.
Phát triển kinh tế không thể bằng mọi giá. Chúng ta đang nhìn thấy hàng nghìn tỷ đồng đầu tư không hiệu quả nhưng chưa chỉ rõ trách nhiệm cụ thể. Những người dân vùng lũ cũng đang cần một nguồn vốn hỗ trợ (có lẽ ít hơn những con số nghìn tỷ kia) để tạo dựng lại cuộc sống của mình sau những gì thiên tai đã cướp đi của họ tất cả.
Hạnh phúc của người dân không chỉ đo lường bằng các con số GDP, những khu đô thị hào nhoáng, những tòa nhà chọc trời hay ngập tràn xe hơi đắt tiền chạy trên đường phố mà phải bằng chính chất lượng sống mỗi ngày.