Chậm chạp và hệ lụy

Ngọc Lý| 21/07/2020 09:33

(TN&MT) - Chậm triển khai, chậm tiến độ, chậm giải ngân… là những vấn đề nan giải trong thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại trong tuần qua.

Ngay trong phát triển đô thị, những dang dở trong lĩnh vực này là hệ quả tất yếu của sự quản lý yếu kém, chắp vá với tư duy nhiệm kỳ, phát triển các đô thị mất cân đối, quy hoạch không đồng bộ, tầm nhìn ngắn hạn, cục bộ.

Các báo cáo gần đây cho thấy, tỷ lệ đất giao thông/đất xây dựng trong khu vực nội thị tại các đô thị ở Việt Nam, nhìn chung mới đáp ứng được theo ngưỡng tối thiểu (khoảng 16%), thấp hơn nhiều so với các chỉ tiêu quốc tế (khoảng 20 - 25%).

 

Nghiêm trọng hơn, theo yêu cầu các đô thị từ loại III trở lên phải có quy hoạch giao thông công cộng, song, nhiều địa phương khi lập quy hoạch chung còn thiếu nội dung này. Các con số về phát triển đô thị mới dường như đang tỷ lệ nghịch với con số phát triển hệ thống giao thông đô thị. Và tất yếu, dẫn đến ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn.

Không quy hoạch nổi đất cho giao thông đô thị, dĩ nhiên, ở các khu vực khác, việc sử dụng đất lãng phí là điều dễ hiểu. Hiện, nước ta có hơn 300 KCN, tỷ lệ lấp đầy 68% so với tổng diện tích chiếm đất tự nhiên. Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), đây là một lãng phí ghê gớm. Nó cũng đồng nghĩa với việc sẽ làm giảm đi quỹ đất để phát triển đô thị trong tương lai.

Sự phát triển quá nhanh cũng đang “dồn” các đô thị vào hàng loạt khó khăn. Đó là tình trạng nước thải sinh hoạt tại các đô thị hầu hết không xử lý và đổ trực tiếp xuống sông hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, tuy vậy, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý chỉ đạt khoảng 13%. Lượng chất thải rắn được chôn lấp tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 60%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt bình quân cả nước khoảng 82%. Tỷ lệ thu hồi các chất có khả năng tái chế và tái sử dụng khoảng 20 - 30%. Đáng chú ý, chỉ có 15% số bãi chôn lấp được coi là đạt yêu cầu vệ sinh, còn lại là bãi rác lộ thiên.

Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, mặc dù, 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng, nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Bên cạnh đó, khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nói chung còn thấp. Trong 5 năm tới, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất cao, dự kiến cần tới 8,3 tỷ USD để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025.

Còn quá nhiều vấn đề dẫn đến chậm chạp trong tạo lập một cơ sở hạ tầng cho phát triển bền vững các đô thị. Nguy cơ các vùng trung tâm quá tải sẽ làm cho con người trở lên nhỏ bé, xa lạ với thiên nhiên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, người dân đô thị không được hưởng đầy đủ các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị, chất lượng cuộc sống bị suy giảm bởi môi trường đô thị đang bị hủy hoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm chạp và hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO