Cát Bà tiến tới “không rác thải”, doanh nghiệp du lịch phải làm gì?

Tuyết Chinh| 28/07/2019 15:08

(TN&MT) - Theo Phó Chủ tịch huyện Cát Hải (Hải Phòng) Hoàng Trung Cường, địa phương phấn đấu hết năm 2020 ít nhất 70% cơ sở kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn huyện cam kết và duy trì thường xuyên việc hạn chế, giảm rác thải nhựa dùng một lần; sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường. Để làm được điều này, các nhà hàng, khách sạn tại Cát Bà - nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ các giá trị môi trường cần nhận thức rõ và có hành động thiết thực.

Điểm đến tự nhiên của... rác thải

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà với tổng diện tích là 26.241 ha; trong đó có 9.200 ha là diện tích nước biển với hơn 366 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vũng, vịnh, bãi biển kín, nằm trọn trong địa giưới hành chính của đảo Cát Hải. Quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến tự nhiên của một lượng lớn rác thải các loại từ đất liền do nước từ các cửa sông đất liền cuốn ra; từ các hoạt động du lịch, dịch vụ, sản xuất, sinh hoạt của con người trên các đảo, đặc biệt là hoạt động nuổi trồng và các tàu bè hoạt động trên Vịnh thuộc đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long trôi sang.

Khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) cho thấy, biển Cát Bà có hơn 400 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 113 tàu chở khách du lịch và 13 nhà hàng bè nổi. Mỗi ngày thu được 10m3 rác thải các loại. Nhà máy xử lý nước thải tại Thị trấn Cát Bà với công suất đáp ứng 2000 khách mỗi ngày, tuy nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu vào mùa cao điểm.

rác thải tràn lan
Rác thải tràn lan trên biển Cát Bà

Báo cáo khảo sát của GreenHub cũng chỉ rõ, phao xốp được sử dụng khá phổ biến tại Quần đảo Cát Bà do đặc tính độ nổi tốt, giá thành rẻ. Hiện phao xốp chiếm 20% tổng số vật liệu nổi được sử dụng ở Cát Bà. Trung bình mỗi lồng cá sử dụng 6 phao để đảm bảo nổi đúng kỹ thuật. Thời gian sử dụng an toàn với môi trường của loại phao này trong khoảng 2-3 năm nhưng trên thực tế các hộ dân ở đây thường sử dụng trong thời gian dài hơn mà vẫn chưa có sửa chữa và thay thế. Bề mặt bọc phao xốp thường nhăn, hà biển dễ bám, sau một thời gian sử dụng lớp vỏ này bục ra dẫn tới các mảnh vỡ từ phao xốp cũng như bạt bọc thải ra môi trường nước gây ô nhiễm.

“Phao xốp được sử dụng chủ yếu là phao đã được bọc bạt dứa, bạt ô tô và một phần là phao không có vỏ bọc. Hiện nay, tại Cát Bà, số lượng phao xốp bị hư hỏng, chưa được thay thế lên đến 50% tổng số lượng phao xốp”, báo cáo khảo sát của GreenHub nêu.

Hơn nữa, do phao xốp có độ bền không cao nên thường bị vỡ vụn thành các mảnh nhỏ nên cực kỳ khó thu gom, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nước biển. Các hạt xốp nhỏ trôi nổi làm mất mỹ quan của biển và khiến nhiều động vật lầm tưởng thức ăn. Không những thế, xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản xuất hiện nhiều mảnh vụn nhỏ, các hộp xốp đựng thức ăn, chai lọ nhựa,… trôi nổi

Tiến hành “kiểm toán rác thải”

Cũng theo khảo sát của GreenHub tại các nhà hàng ở Cát Bà khoảng 90 % là rác thải phân hủy hoặc có thể tái chế. Theo như quan sát, chỉ có thức ăn thừa dành cho vật nuôi và các vật liệu tái chế có giá trị cao (chai nhựa, lon nước) mới được lấy ra khỏi thùng rác. Tuy nhiên, về thể tích có đến 27% lượng nhựa không thể tái chế; trong đó, túi bóng màu và vỏ bọc ni lông chiếm đến 87% lượng nhựa không thể tái chế, còn ống hút nhựa chỉ chiếm 2% lượng rác không thể tái chế này.

don rác ơ Long Chau
Dọn dẹp rác thải nhựa tại đảo Long Châu (UBND TP Hải Phòng năm 2018)

Còn ở các Khách sạn tại Cát Bà, ba loại vật đựng chính bằng nhựa tại khách sạn là túi nhựa đựng rác trong các thùng rác; các chai nhựa nhỏ để đựng dầu gội và sữa tắm; các loại gói một lần dùng của dầu gội, sữa tắm đem đi du lịch hoặc phát tại khách sạn.

Thực tế cho thấy, vai trò của khối doanh nghiệp đang ngày càng trở nên quan trọng đặc biệt trong các nỗ lực giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Ở Cát Bà, đã có những doanh nghiệp chủ động tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm ô nhiễm nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp đó vẫn còn rất hạn chế, do đó việc huy động thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia là việc vô cùng cần thiết.

Trước thực tế đó, Green Hub cho rằng bước đầu tiên để tiến tới “Không rác thải” là nghiên cứu luồng chất thải bằng cách tiến hành Kiểm toán rác thải. Trong đó, các công ty phải có trách nhiệm đối với sản phẩm của họ trong suốt vòng đời của chúng, không chỉ cho đến khi những sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng. Chúng ta có thể yêu cầu các công ty này đóng góp các giải pháp xử lý chất thải trong cộng đồng của chúng ta.

Riêng đối với các nhà hàng, khách sạn ở Cát Bà, GreenHub đề xuất thực hiện cam kết “Hướng tới một không gian Không rác thải” với các doanh nghiệp này. Đồng thời, truyền thông, tập huấn cho các cán bộ tại nhà hàng, khách sạn về các vấn đề môi trường, rác thải và thông báo cho họ về Cam kết “Hướng tới một không gian Không rác thải” tại nhà hàng, khách sạn. Thiết kế chi tiết hơn các hoạt động, thực hiện kiểm toán rác thải trong 7 ngày và làm việc với Greenhub để xây dựng kế hoạch tiến tới “Không Rác Thải”.

“Với sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, chúng ta sẽ thực hiện thành công, có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa” vì một huyện đảo xanh”, Phó Chủ tịch Hoàng Trung Cường tin tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cát Bà tiến tới “không rác thải”, doanh nghiệp du lịch phải làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO