Bà Bùi Thị Màu ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho biết, gia đình có 5 sào ruộng chuyên trồng rau và cấy lúa. Mặc dù biết sông Nhuệ - Đáy bị ô nhiễm nhưng vì không có nguồn khác thay thế nên nhiều năm nay gia đình bà và những hộ dân cùng xã vẫn phải sử dụng để tưới cho cây trồng. Mỗi lần phải lội ruộng, nông dân trong xã đều bị mắc bệnh ngoài da, chân tay nổi mẩn, ngứa… Còn bà Nguyễn Thị Khoa, ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) chia sẻ: Mặc dù thửa ruộng nằm giáp kênh dẫn nhưng chưa bao giờ gia đình lấy nguồn nước sông Nhuệ - Đáy để tưới cây, phần vì sợ cây chết, phần vì sợ chất lượng nước gây hại cho sức khỏe...
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT), từ năm 2005 đến nay, nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy bị ô nhiễm ngày càng tăng. Đặc biệt, trong năm 2017, rất ít thời điểm nguồn nước trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy bảo đảm chất lượng cấp cho sản xuất nông nghiệp. Còn kết quả quan trắc mới nhất tại 23 vị trí trên hệ thống thủy lợi sông Nhuệ - Đáy, thuộc địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện: Thường Tín, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa… Viện Quy hoạch thủy lợi khuyến cáo nguồn nước không đủ điều kiện dùng cho tưới, tiêu, bảo tồn động vật, thực vật thủy sinh…
Nước thải được xác định là nguồn gây ô nhiễm cho hệ thống sông Nhuệ - Đáy. Hiện trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có khoảng 260 nguồn thải lớn từ sản xuất công nghiệp, hoạt động của làng nghề, nước thải sinh hoạt của khu đô thị, 133 trạm dân sinh và hàng nghìn điểm thải nhỏ. Bình quân mỗi ngày đêm, lưu vực sông Nhuệ - Đáy phải tiếp nhận khoảng 710.000m3 nước thải sinh hoạt, 250.000m3 nước thải công nghiệp, 14.000m3 nước thải từ các cụm công nghiệp, 53.000m3 nước thải làng nghề, 1.300 điểm xả thải nhỏ…
Để bảo đảm chất lượng nước cấp cho sản xuất nông nghiệp, Viện Quy hoạch thủy lợi đề xuất Bộ NN&PTNT sớm triển khai xây dựng công trình đầu mối Liên Mạc để tăng dòng chảy cho lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Bên cạnh đó, có thể bổ sung nước vào sông Nhuệ - Đáy qua hệ thống thủy lợi Đan Hoài, Trạm bơm Săn, Trạm bơm Hồng Vân, Trạm bơm Thụy Phú… để thau rửa hệ thống…
Liên quan vấn đề trên, ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam cho rằng, để thau rửa 1m3 nước ô nhiễm cần ít nhất 10m3 nước không ô nhiễm. Trong bối cảnh nguồn nước ngày càng cạn kiệt, việc bổ sung nguồn nước để thau rửa cho hệ thống sông Nhuệ - Đáy là rất khó. Vì vậy, việc cần thiết phải xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các chủ nguồn thải, phải thu gom và xử lý tại nguồn trước khi thải vào hệ thống thủy lợi…
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy đã được TP Hà Nội đặt ra trong nhiều năm nay. Hiện tại, thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án để khắc phục tình trạng này, như: Xây dựng Trạm bơm Liên Mạc, nạo vét lòng dẫn sông Nhuệ - Đáy, xây dựng hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải… Tuy nhiên, để nguồn nước bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường các dòng sông, nhất là những người dân sinh sống dọc hai bờ sông.