Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 7/4: Trung Quốc lần đầu không có ca tử vong mới, Nhật tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Mai Đan| 07/04/2020 21:13

(TN&MT) - Tính đến 20h30 ngày 7/4/2020, thế giới ghi nhận hơn 1,3 triệu người mắc COVID-19 và hơn 76.000 ca tử vong. Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận không có ca tử vong mới và số ca nhiễm đã giảm. Trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 và công bố gói kích thích kinh tế hơn 990 tỷ USD.

Trung Quốc xác nhận không có ca tử vong mới khi số ca nhiễm giảm

Trung Quốc đại lục lần đầu tiên xác nhận không có ca tử vong nào vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát và giảm số ca nhiễm mới. Thông báo này được đưa một ngày trước khi thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này xác nhận 32 ca nhiễm mới vào ngày 6/4, giảm so với 39 ca một ngày trước đó.

Lần đầu tiên kể từ khi ủy ban bắt đầu công bố dữ liệu trên toàn quốc vào cuối tháng 1, Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc không có trường hợp tử vong mới, cùng với các khu vực còn lại của Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca tử vong mới từ ngày 31/3.

Vũ Hán, thành phố với 11 triệu dân chỉ có hai ca nhiễm mới trong hai tuần qua, bắt đầu cho phép người dân rời khỏi thành phố từ ngày 8/4, lần đầu tiên kể từ khi thành phố này bị phong tỏa vào ngày 23/1 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Trong khi Trung Quốc đại lục đã vượt qua đỉnh điểm số ca nhiễm vào tháng 2, các nhà chức trách đã chuyển sự chú ý sang các ca nhiễm nhập khẩu và bệnh nhân không có triệu chứng nhưng vẫn có thể truyền virus.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết tính đến hết ngày 6/4, tổng số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc đại lục ở mức 81.740, với 3.331 người chết. Nước này xác nhận 30 ca nhiễm mới không có triệu chứng, 9 trường hợp liên quan đến du khách từ bên ngoài. Trong số các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng, 18 ca ở tỉnh Hồ Bắc.

Đến cuối ngày 6/4, 1.033 ca nhiễm không triệu chứng đang được theo dõi.

Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 7/4 tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 toàn quốc tại các trung tâm dân số lớn và công bố gói kích thích mà ông mô tả là một trong những gói lớn nhất thế giới để làm dịu đòn giáng mạnh vào nền kinh tế nước này.

Tình trạng khẩn cấp, theo đó chính quyền ra lệnh cho mọi người ở nhà và các doanh nghiệp đóng cửa, sẽ kéo dài đến ngày 6/5 và áp dụng tại thủ đô Tokyo và sáu quận khác - chiếm khoảng 44% dân số Nhật Bản.

Theo Thủ tướng Abe, điều quan trọng nhất bây giờ là mỗi người dân phải thay đổi hành động của chính họ.

“Nếu mỗi người trong chúng ta có thể giảm ít nhất 70% sự tiếp xúc với người khác, và lý tưởng nhất là 80%, chúng ta sẽ có thể chứng kiến đỉnh điểm về số ca nhiễm bệnh trong hai tuần”, ông Abe nhấn mạnh.

Chính phủ Nhật Bản cũng phê duyệt gói kích thích trị giá 108 nghìn tỷ yên (tương đương 990 tỷ USD) - bằng 20% ​​sản lượng kinh tế của Nhật Bản - để bù đắp tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Con số này vượt quá 11% sản lượng của Mỹ đối với gói kích cầu do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra và 5% sản lượng cho gói kích thích của Đức.

Số tiền chi tiêu tài chính trực tiếp lên tới 39,5 nghìn tỷ yên, tương đương khoảng 7% nền kinh tế, nhiều hơn gấp đôi số tiền Nhật Bản đã chi tiêu sau vụ sụp đổ chấn động thị trường thế giới năm 2008 của ngân hàng Lehman Brothers.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 7/4/2020

Nhật Bản đã tránh được sự bùng phát lớn của dịch COVID-19 ở các điểm nóng khác trên toàn cầu, nhưng sự gia tăng đáng kể gần đây ở Tokyo, Osaka và các khu vực khác tại quốc gia này đã dẫn đến việc ông Abe phải thông báo tình trạng khẩn cấp.

Trong một tuần qua, số ca nhiễm tại Tokyo tăng gấp đôi lên đến khoảng 1.200 trường hợp. Theo số liệu cập nhật ngày 7/4, Tokyo tiếp tục phát hiện hơn 80 ca nhiễm mới trong một ngày. Tổng số ca bệnh Covid-19 tại Nhật Bản đã vượt mốc 4.800 người, với số ca tử vong lên đến 108 ca.

Thủ tướng Abe nhấn mạnh tình trạng khẩn cấp sẽ không đồng nghĩa với lệnh phong tỏa tương tự như nhiều quốc gia khác. Biện pháp này cho phép thống đốc các tỉnh kêu gọi người dân ở nhà, cơ sở kinh doanh tạm thời đóng cửa và huy động nguồn lực cần thiết để chống dịch.

Thống đốc Yurriko Koike của Tokyo cho biết thành phố đang thảo luận với chính quyền trung ương xem những cơ sở nào cần đóng cửa hoặc giảm thời gian hoạt động, đồng thời khẳng định các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc vẫn hoạt động.

Theo ông Abe, các công ty đường sắt không cần giảm số lượng tàu hoạt động. Đài NHK thông tin, những cơ sở hạ tầng thiết yếu như bưu tín, điện, nước, ngân hàng và ATM vẫn hoạt động bình thường.

Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản Taku Eto kêu gọi người tiêu dùng Nhật Bản chỉ mua những gì họ cần, vào thời điểm cần thiết và cho biết nước này không có kế hoạch tạm dừng hoạt động các nhà máy chế biến thực phẩm.

Quỹ y tế toàn cầu kêu gọi 8 tỷ USD để bắt đầu chiến lược đẩy lùi COVID-19

Một quỹ y tế hàng đầu toàn cầu đã yêu cầu các doanh nghiệp và chính phủ quốc tế cung cấp 8 tỷ USD để hỗ trợ phát triển các xét nghiệm, sản xuất thuốc và vắc-xin chống COVID-19.

Wellcome Trust, một trong những quỹ tài trợ lớn nhất thế giới cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, có trụ sở tại Anh cho biết sáng kiến ​​này, được đặt tên là COVID-Zero, hướng đến khu vực tư nhân và đang thúc giục giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia tham gia liên minh và cứu sống con người.

“Khoản tiền 8 tỷ USD ban đầu vào cuối tháng 4 - một phần trong số tiền mà các quốc gia giàu có đầu tư vào các nền kinh tế đang gặp khó khăn - sẽ đủ để phát triển các xét nghiệm mới về COVID-19, thuốc và vắc-xin chống dịch bệnh này và bắt đầu tăng quy mô sản xuất”, quỹ Wellcome Trust cho biết thêm.

“Đây là một vấn đề toàn cầu sẽ tiếp tục gây khó khăn cho cả thế giới và các doanh nghiệp trong nhiều tháng, thậm chí trong nhiều năm tới”, ông Jeremy Farrar, giám đốc của Wellcome nhấn mạnh.

Nhà khoa học Linqi Zhang nghiên cứu các kháng thể COVID-19 tại Trung tâm nghiên cứu của Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 30/3/2020. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp một tỷ lệ nhỏ số tiền họ đang dành để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Chúng tôi hy vọng chính phủ các nước sẽ theo gương của họ” - ông Jeremy Farrar cho biết.

Wellcome Trust cho rằng 2 tỷ USD trong số 8 tỷ USD ban đầu cần thiết sẽ được sử dụng để giúp các nước nghèo và dễ bị tổn thương hơn xây dựng một kho dự trữ khẩu trang, thuốc men và các biện pháp phòng vệ khác chống lại sự bùng phát trong tương lai.

Đại dịch bệnh COVID-19 đã gây ra sự suy thoái mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu đang kiệt quệ và gây ra sự bất ổn đối với thị trường tài chính, xóa sổ khoảng 15 nghìn tỷ USD từ thị trường chứng khoán.

Các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực phát triển vắc-xin và thử nghiệm các loại thuốc hiện có với mong muốn chúng có thể là phương pháp điều trị tiềm năng cho COVID-19, đồng thời tìm cách cải thiện các xét nghiệm chẩn đoán.

“Các loại thuốc, vắc-xin và chẩn đoán nhanh chóng là cách duy nhất chúng ta có để cứu sống, chấm dứt đại dịch COVID-19 và ngăn chặn nó xuất hiện trở lại. Đây là chiến lược rút lui duy nhất, nhưng chúng ta không có đủ kinh phí cần thiết”, ông Farrar nhấn mạnh.

Tình hình Thủ tướng Anh không có gì thay đổi

Ngày 7/4, hai nguồn tin thân cận của Reuters cho biết tình hình của Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn không có gì thay đổi. Trước đó, vào tối 6/4, ông Johnson được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện sau khi triệu chứng nhiễm COVID-19 của ông nặng hơn.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tạm thời sẽ điều hành đất nước thay cho Thủ tướng Boris Johnson. Theo Bộ trưởng Nội vụ Anh Michael Gove ngày 7/4, ông Raab sẽ là người chịu trách nhiệm dỡ bỏ lệnh phong tỏa nếu cần thiết.

Ông Gove cho biết: "Lệnh này sẽ không bị hoãn. Chúng tôi sẽ xem xét việc này với tư cách nội các và Ngoại trưởng Dominic Raab là người đưa ra quyết định cuối cùng".

* Tại Bỉ, Trung tâm Khủng hoảng thuộc Bộ Y tế nước này thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 1.380 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 22.194. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 403, đẩy số người chết tại nước này lên 2.035. Bỉ cũng xác nhận 4.157 người khỏi bệnh.

* Ukraine có thêm 143 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 1.462, với tổng số ca tử vong là 45 ca. Cho đến nay, Ukraine vẫn đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên toàn quốc cho đến ngày 24/4 để ngăn chặn sự lây lan của virus. 

* Ngày 7/4, tại Philippines, Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 14 người chết và 104 ca nhiễm mới vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong và số ca mắc bệnh lên lần lượt là 177 và 3.764.

* Theo thống kê của Bộ Y tế Indonesia ngày 7/4, nước này xác nhận thêm 247 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại nước này lên 2.738. Con số này là mức tăng cao nhất trong ngày của Indonesia. Nước này cũng ghi nhận 12 ca tử vong mới, nâng số người chết trong dịch COVID-19 tại quốc gia này lên 221.

Malaysia có thêm 170 ca nhiễm và 1 ca tử vong mới, nâng tổng số người nhiễm và chết vì đại dịch COVID-19 tại nước này lên lần lượt là 3.963 và 63.

Cập nhật lúc 20h30 ngày 7/4/2020:

Thế giới: 1.363.123 người mắc; 76.383 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 368.174 người mắc; 10.966 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 140.510 người mắc; 13.798 người tử vong.

- Ý: 132.547 người mắc; 16.523 người tử vong.

- Đức: 103.717 người mắc; 1.822 người tử vong.

Việt Nam: 249 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

106 bệnh nhân (BN17, BN18, BN19, BN21, BN22, BN23, BN 24, BN25, BN27,BN29, BN 30,BN 31,  BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN 48, BN 49, BN51, BN53, BN 54, BN55, BN56, BN57,  BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64 , BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN72 BN73, BN84, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN80, BN81, BN82, BN83, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN 95 , BN 96, BN 98, BN99, BN100, BN 101,BN 102,BN 103,BN 104, BN107, BN110, BN111, BN112, BN113,BN116, BN117, BN118, BN119, BN 120,  BN121, BN122, BN 123,BN129, BN130, BN 131, BN132,BN136, BN137, BN138, BN140,BN 142, BN 150, BN154, BN 159,BN 160,  BN179, BN187, BN192, BN197, BN198, BN200, BN222) mắc COVID-19, tính từ ngày 6/3 đến 7/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Theo Tổng hợp từ Reuters, Tân Hoa Xã & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 7/4: Trung Quốc lần đầu không có ca tử vong mới, Nhật tuyên bố tình trạng khẩn cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO