Tham dự cuộc họp có Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng; đại diện lãnh đạo Viện Khoa học KTTV&BĐKH; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Viện Khoa học Tài nguyên nước; Cục Quản lý Tài nguyên nước; Cục Viễn thám quốc gia; Hội KTTV; Trực tuyến với các Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái chủ trì cuộc họp |
Tại cuộc họp, các chuyên gia đã phân tích, thảo luận về cường độ, hướng di chuyển, tác động, vùng ảnh hưởng… của bão số 5 và thống nhất cho biết, trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 9 (75 - 90 km/giờ), giật cấp 11 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin về diễn biến bão số 5 |
Đến 19 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.
Do ảnh hưởng của bão nên vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió bão mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 13. Biển động dữ dội.
Đáng chú ý, từ sáng sớm ngày mai (18/9), do ảnh hưởng của bão số 5, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió bão mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 13; biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, riêng phía Nam Vịnh có nơi cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.
“Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng sóng cao từ 3-5m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m gây ngập úng các khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông, ven biển”, các chuyên gia nhận định.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Đánh giá những tác động của bão số 5, các chuyên gia cảnh báo, do ảnh hưởng của bão số 5 nên từ nay đến đêm 18/9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt. Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt.
Toàn cảnh cuộc họp |
Từ sáng đến chiều mai (18/9), trên đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11. Trên đất liền ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ nay đến ngày 19/9 ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3m. Biển động mạnh.
Trước những diễn biến của bão số 5, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đề nghị các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh quán triệt công tác tuyên truyền đến các đồng chí lãnh đạo các tỉnh về cường độ cơn bão số 5 có thể lên đến cấp 11, 12.
Nhận định bão từ cấp 8 trở lên đã có độ tàn phá rất lớn, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho rằng, nếu bão đổ bộ trọng tâm vào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam là khu vực tập trung nhiều lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, du lịch, sinh thái sẽ gây tổn thương rất lớn.
“Do vậy, từ giờ đến trưa mai, đề nghị đơn vị dự báo tiếp tục bám sát kịp thời, thậm chí cập nhật bản tin khẩn cấp về bão hàng giờ chứ không chỉ là 3 tiếng hay 6 tiếng nữa”, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu.
Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cũng lưu ý, nếu bão giảm cường độ thì phải thông báo kịp thời đến Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phục vụ điều chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành.