Cấp, đổi GCNQSDĐ tại Hải Phòng: Cần giao cho Văn phòng Đăng ký đất đai

Trường Giang| 13/04/2021 11:41

(TN&MT) - Thời gian qua, các Văn phòng Đăng ký đất đai đã có điều kiện thuận lợi hơn trong việc chủ động xây dựng, vận hành, cập nhật, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cử tri tại Hải Phòng lại kiến nghị giao cho UBND cấp cơ sở thực hiện việc cấp, đổi lại GCNQSDĐ, vì sao?

Gửi kiến nghị đến Quốc hội sau Kỳ họp thứ 10, cử tri TP. Hải Phòng cho rằng,  thẩm quyền cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân được quy định tại Điều 105 Luật Đất đai 2013, theo đó quy định UBND cấp quận, huyện cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; Sở TN&MT thực hiện cấp đổi, cấp lại, cấp mới GCN đối với các trường hợp đã có GCN và thực hiện các quyền của người sử dụng đất như: chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, mất GCN…

Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn TP. Hải Phòng có 15 quận, huyện và việc luân chuyển hồ sơ từ các quận, huyện về Sở TN&MT  do 1 cán bộ thuộc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện (không phải là người trực tiếp thụ lý giải quyết hồ sơ) thực hiện việc luân chuyển hồ sơ dẫn đến tình trạng phát sinh một số vướng mắc, như: phải thường xuyên đi lại để luân chuyển hồ sơ, khó khăn trong vấn đề giải trình hồ sơ do không phải là người trực tiếp thụ lý, giải quyết hồ sơ. Do đó, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ giải quyết hồ sơ của công dân; việc phải thường xuyên luân chuyển hồ sơ đi về như vậy cũng rất dễ xảy ra tình trạng thất lạc hồ sơ.

Hướng dẫn các hộ dân thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ tại huyện An Dương (Hải Phòng).

Cử tri đề nghị xem xét, sửa đổi thẩm quyền cấp GCNQSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân  theo hướng chuyển về UBND các quận, huyện thực hiện để đảm bảo tiến độ giải quyết thủ tục của người dân, chủ động trong công tác cập nhật, chỉnh lý các biến động về đất đai trên địa bàn.

Trả lời về nội dung này, Bộ TN&MT cho biết, trước đây tại Khoản 2, Điều 52, Luật Đất đai năm 2003  quy định thẩm quyền cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân là UBND cấp huyện, bao gồm cả trường hợp cấp GCN lần đầu và khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện quyền của mình. Do trong giai đoạn này, cơ quan dịch vụ công phục vụ cho công tác cấp GCN là Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất được thành lập theo hai cấp, trong đó Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thuộc Phòng TN&MT là đơn vị chuẩn bị hồ sơ để Phòng TN&MT trình UBND cấp huyện ký cấp GCN.

Mặt khác, trong giai đoạn này, cả nước chưa căn bản hoàn thành cấp GCN lần đầu đối với các loại đất, do đó cần tập trung cho công tác cấp GCN lần đầu và để thống nhất một đầu mối ký cấp GCN thì việc quy định thẩm quyền cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân là UBND cấp huyện là phù hợp.

Song đến nay, trong bối cảnh cả nước đã căn bản hoàn thành cấp GCN lần đầu đối với các loại đất, việc cấp GCN cho các đối tượng nói chung và hộ gia đình, cá nhân nói riêng chủ yếu là khi người sử dụng đất thực hiện quyền của mình. Các trường hợp này đã được cấp GCN lần đầu nên đã một lần được Nhà nước xác lập quyền ban đầu thông qua việc cấp GCN. Do đó, khi thực hiện quyền của mình lại yêu cầu một cơ quan hành chính Nhà nước (UBND cấp huyện) xác lập quyền sử dụng đất thông qua việc cấp GCN sẽ làm tăng gánh nặng cho bộ máy hành chính ở địa phương là không cần thiết.

Đặc biệt, đối với nơi đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai thì hệ thống Văn phòng được thành lập và hoạt động theo mô hình một cấp. Mô hình này có ưu điểm là hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất; việc thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp GCN; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã được thực hiện gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCN đã giảm từ 5 - 25 ngày so với trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân khi tham gia giao dịch về đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Các Văn phòng Đăng ký đất đai đã có điều kiện thuận lợi hơn trong việc chủ động xây dựng, vận hành, cập nhật, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc đặt vấn đề như cử tri nêu là không phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Theo quy định tại Khoản 23, Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì đối với địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai thì việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào GCN đã cấp do Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện theo quyết định của UBND cấp tỉnh.

Do đó, Bộ TN&MT đề nghị cử tri kiến nghị với UBND TP. Hải Phòng căn cứ quy định của pháp luật, điều kiện cụ thể tại địa phương về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất của Văn phòng Đăng ký đất đai để quy định việc cho phép Sở TN&MT được ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai cấp GCN nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế như cử tri đã nêu.

Đồng thời, tồn tại, hạn chế nêu trên cũng xuất phát từ cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương chưa được xây dựng, đồng bộ, hoàn thiện dẫn đến vẫn phải thực hiện các thao tác thủ công, gây rủi ro trong quá trình quản lý. Vì vậy, trách nhiệm của địa phương cần quan tâm đúng mức, đầu tư đầy đủ, kịp thời trong việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai để giảm thiểu thời gian thực hiện, giảm thiểu rủi ro do thực hiện thủ công, là một bước cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như phù hợp với việc triển khai, thực hiện Chính phủ điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp, đổi GCNQSDĐ tại Hải Phòng: Cần giao cho Văn phòng Đăng ký đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO