Cao Bằng: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, phục vụ phát triển bền vững

Nguyễn Hùng (Thực hiện)| 27/09/2021 16:15

(TN&MT) - Cao Bằng là tỉnh miền núi có nguồn tài nguyên khá phong phú, với loại hình khoáng sản đa dạng. Những năm qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từng bước được siết chặt; tỉnh triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý khoáng sản. Kiên quyết ngăn chặn, kịp thời xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Để hiểu rõ hơn về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng xung quanh vấn đề này.

PV: Cao Bằng là tỉnh miền núi được đánh giá có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng. Ông có thể cho biết rõ hơn về tiềm năng được đánh giá của tỉnh?

Ông Hoàng Xuân Ánh:

Cao Bằng là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, đa dạng (với 199 mỏ, điểm mỏ và 22 loại khoáng sản), với một số loại khoáng sản có giá trị về tiềm năng trữ lượng, chất lượng như: quặng sắt (phân bố trên địa bàn các huyện: Hòa An, Nguyên Bình, Bảo Lạc và thành phố Cao Bằng), quặng mangan (phân bố trên địa bàn các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang), quặng nhôm - bauxit (phân bố trên địa bàn các huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Quảng Hòa), chì kẽm (phân bố trên địa bàn các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm), khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát sỏi, đất san lấp)…

Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.

Mặc dù các loại khoáng sản có chất lượng được đánh giá là khá cao nhưng với đặc trưng là các mỏ khoáng sản đều có trữ lượng nhỏ, phân bố phân tán, lịch sử khai thác khoáng sản từ khá sớm, các mỏ đã trải qua nhiều giai đoạn khai thác nên tiềm năng, trữ lượng khoáng sản của tỉnh không được coi là lớn. Tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng xác định đây là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, đảm bảo môi trường, cảnh quan trong khai thác khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Ánh:

Thực hiện Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật có liên quan, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, triển khai đầy đủ, toàn diện các công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản theo quy định tại Điều 81 Luật Khoáng sản phù hợp với chức năng, thẩm quyền.

Để công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, đảm bảo môi trường, cảnh quan trong khai thác khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản; định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản nhằm kịp thời giải thích, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị. Ngừng cấp phép đầu tư thêm dự án chế biến sâu khoáng sản sắt và mangan, không xem xét điều chỉnh tăng quy mô công suất các dự án đã được cấp phép đầu tư xây dựng; rà soát điều chỉnh, sắp xếp lại các dự án khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung. Thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản tỉnh Cao Bằng để từng bước quản lý hoạt động khoáng sản trên cơ sở dữ liệu số.

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho phép mở một số đề tài điều tra đánh giá khoáng sản trên địa bàn tỉnh để làm rõ tiềm năng khoáng sản phục vụ công tác quản lý, cấp phép. Yêu cầu, các đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải chủ động thăm dò bổ sung, nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong khu vực được cấp phép khai thác và điều chỉnh thiết kế, tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị để khai thác đạt công suất cấp phép.

Hằng năm, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong khai thác, sử dụng khoáng sản, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính của các chủ giấy phép khai thác khoáng sản. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trình Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt; phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; ký quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật. Rà soát, phê duyệt phương án xử lý các mỏ khoáng sản (đặc biệt là các mỏ đá) trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nhằm đảm bảo cảnh quan môi trường.

PV: Còn những bất cập và hạn chế trong quá trình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, đảm bảo môi trường, cảnh quan trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Ánh:

Việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chưa thực sự đồng đều, toàn diện và chưa đồng bộ giữa các cấp. Cấp huyện, cấp xã chưa chú trọng, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Chưa thực hiện được nhiều biện pháp cắt giảm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản; việc liên thông giải quyết các thủ tục hành chính giữa các sở, ngành, địa phương còn hạn chế.

Hiệu quả thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản đã từng bước được nâng cao nhưng số nợ ngân sách của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản còn khá lớn. Một số đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện Luật Khoáng sản, chưa chủ động việc kê khai, nộp thuế, phí trong hoạt động khoáng sản theo đúng sản lượng trong kỳ phát sinh.

Do các mỏ (khai thác cát sỏi, đá làm vật liệu xây dựng thông thường) trên địa bàn chủ yếu là quy mô nhỏ, không có đủ cán bộ chuyên ngành, nên công tác báo cáo định kỳ, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn chưa đảm bảo chất lượng theo quy định. Chưa hoàn toàn chấm dứt được hoạt động của các cơ sở chế biến khoáng sản quy mô nhỏ, công nghệ cũ, hiệu quả thấp.

PV: Để nâng cao công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, đảm bảo môi trường, cảnh quan trong khai thác khoáng sản, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng tập trung triển khai những giải pháp chủ yếu nào, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Ánh:

UBND tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị các cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc do chồng chéo giữa các văn bản quy định về công tác quản lý khoáng sản; hướng dẫn bổ sung về phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức cơ sở.

Cao Bằng là tỉnh miền núi với tài nguyên khoáng sản khá phong phú, đa dạng, bao gồm nhiều kim loại, phi kim loại (sắt, chì, kẽm, thiếc, mangan…) và các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá vôi, cát, sỏi).

Tiếp tục tổ chức thực hiện các đề án điều tra, đánh giá, thăm dò bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc lập, thi công thêm các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản đối với nhiều loại khoáng sản nhằm làm rõ tiềm năng tài nguyên, trữ lượng khoáng sản còn lại trên địa bàn tỉnh.

Kiên quyết thu hồi những dự án chế biến sâu chậm triển khai đầu tư, có công nghệ lạc hậu, sản xuất không liên tục, hiệu quả thấp và gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật phù hợp trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản để làm căn cứ yêu cầu các chủ đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, chế biến để thu hồi tối đa khoáng sản chính và khoáng sản phụ đi kèm tại các mỏ.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản của tỉnh cho phù hợp với quy hoạch, chiến lược chung của Trung ương. Tăng cường chỉ đạo công tác cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy định, đẩy mạnh tiêu chí cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, liên thông giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, nâng cao chất lượng lập, thẩm định hồ sơ xin khai thác khoáng sản và báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác khoáng sản để tăng cường tiêu chí đảm bảo cảnh quan, môi trường, đảm bảo việc xây dựng, phát triển bền vững của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản để quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động khoáng sản và đặc biệt là quản lý thu đúng, thu đủ các nguồn thu từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, phục vụ phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO