Cải cách thủ tục hành chính vừa đơn giản hóa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời vừa siết chặt kỷ cương pháp luật trong quản lý khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng. Sở TN&MT Cao Bằng đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý: Công tác giải quyết thủ tục hành chính hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản theo cơ chế ‘‘một cửa” được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đúng theo quy định về trình tự, thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả từ năm 2017 đến nay, Sở đã tiếp nhận, xem xét giải quyết 62 lượt hồ sơ.
Ông Thái Hồng Thịnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cho biết: Công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm thực hiện, luôn đáp ứng kịp thời với tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đến thời điểm hiện tại, đã ban hành được đầy đủ các văn bản quản lý trong hoạt động khoáng như: Quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án hoạt động khoáng sản và hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản; Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Quy định về bảng giá tính thuế tài nguyên; Quy định về tỷ lệ quy đổi khoáng sản từ sản phẩm ra khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường; Quy định về mức thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; Quy định về quản lý hoạt động khai thác, sử dụng đất san lấp; Phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên đia bàn tỉnh và từng địa phương; Phê duyệt khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản...
Đối với các giấy phép hoạt động khoáng sản và quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, sau khi UBND tỉnh ban hành đều được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các bước tiếp theo. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường còn ban hành các văn bản đôn đốc các đơn vị còn nợ thuế, phí nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành trên 250 văn bản liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, trong đó: có 80 văn bản báo cáo, đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; 55 văn bản thông tin, trao đổi, đề nghị phối hợp hoặc trả lời ý kiến tới các sở, ngành, địa phương để triển khai các nội dung trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; trên 60 văn bản trả lời, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị hoạt động khoáng sản tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản.
Công tác lập, trình phê duyệt Quy hoạch khoáng sản: Đã hoàn thành việc lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Cao Bằng giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt tại Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Cao Bằng giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức ít nhất 01 cuộc tuyên truyền pháp luật về khoáng sản đến các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Hình thức tuyên truyền đa dạng, ngoài việc phổ biến, phát tài liệu... còn lồng ghép vào các chương trình, hoạt động công tác khác như tuyên truyền trên đài phát thanh bằng tiếng Tày, Nùng. Thường xuyên tổ chức đối thoại với các đơn vị hoạt động khoáng sản nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở TN&MT coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản, uốn nắng, quán triệt, xử lý những đơn vị, các nhân cố tình sai phạm. Quan điểm của tỉnh Cao Bằng khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan du lịch, phát triển kinh tế hài hòa các lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân; không đánh đổi phát triển kinh tế mà hủy hoại môi trường, nhất là lĩnh vực khoáng sản.